AI tham gia vào toàn bộ 'vòng đời' dự luật
Nằm giữa rừng và biển Baltic, Estonia - quốc gia nhỏ bé 1,3 triệu dân đã định nghĩa lại ý nghĩa của một 'xã hội số' khi đưa toàn bộ hệ thống hành chính lên nền tảng trực tuyến. Người dân có thể bỏ phiếu qua internet, khai thuế trực tuyến chỉ trong vài phút, hay đăng ký kết hôn mà không cần rời khỏi nhà. Giờ đây, Quốc hội của đất nước này - Riigikogu, đang tiên phong ở một biên giới mới: tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình soạn thảo luật. Sự chuyển mình này hứa hẹn sẽ làm cho việc lập pháp nhanh hơn, chính xác hơn và bao trùm hơn - nhưng cũng đặt ra những câu hỏi sâu sắc về tính minh bạch, trách nhiệm và vai trò của con người trong nền dân chủ.
Biên soạn dự thảo luật sơ bộ
Một công cụ AI được đào tạo dựa trên văn bản luật trong lĩnh vực liên quan và các luật hiện hành của Estonia có thể tạo ra một bản dự thảo sơ bộ, sau đó các luật sư, chuyên gia hoàn thiện bản dự thảo sơ bộ này. Công cụ trên giúp giảm 70% thời gian soạn thảo luật; thông thường, soạn một dự thảo luật theo quy trình thủ công mất 3 - 6 tháng; với sự hỗ trợ của AI, thời gian rút xuống 1 - 2 tháng, theo Bộ Tư pháp Estonia.
Kiểm tra xung đột pháp lý
Một trong những ứng dụng nổi bật là hệ thống phân tích văn bản lập pháp tự động. AI có thể rà soát hàng trăm trang dự thảo luật, so sánh với văn bản hiện hành trên cơ sở quét toàn bộ hệ thống hơn 15.000 văn bản luật của Estonia để kiểm tra xung đột pháp lý, sau đó đưa ra báo cáo tóm tắt trong thời gian kỷ lục - việc mà trước đây cần đến nhiều ngày làm việc của cả một nhóm chuyên viên.
Vào năm 2022, công cụ này đã phát hiện một điều khoản trong dự luật thương mại vô tình vi phạm các quy tắc của thị trường EU, giúp tiết kiệm hàng tháng tranh chấp pháp lý tiềm ẩn.

Nguồn: ITN
Theo thống kê của Quốc hội Estonia, AI đã giúp phát hiện 90% xung đột pháp lý trước khi thông qua. Trong năm 2022, AI giúp chỉ ra 47 lỗi lập pháp tiềm ẩn trước khi dự luật được trình, giúp giảm 80% công việc thủ công của các chuyên gia pháp lý và giúp tiết kiệm 2,5 triệu euro/năm chi phí hành chính.
Phân tích tác động và dự đoán
Ngoài ra, AI còn được dùng để mô phỏng tác động của các dự luật đối với các nhóm dân cư khác nhau, từ đó giúp các nghị sĩ hiểu rõ hơn hệ quả xã hội và kinh tế trước khi biểu quyết.
Ví dụ, một dự luật về cải cách thuế sẽ được AI mô phỏng trên cơ sở dữ liệu dân cư để xem ai sẽ là người được lợi, ai bị ảnh hưởng, và ở mức độ nào bằng cách xử lý dữ liệu từ các nguồn như ngân sách nhà nước, thống kê dân số, thuật toán đề xuất điều chỉnh để tối ưu hiệu quả. Kết quả, thời gian thông qua dự luật giảm 30%, theo báo cáo của Quốc hội năm 2022.
Hoặc trong các cuộc tranh luận về dự luật thuế carbon năm 2023, một hệ thống AI đã dự đoán tác động kinh tế đến các cộng đồng ở nông thôn, dẫn đến các sửa đổi để bảo vệ các khu vực dễ bị tổn thương.
Tổng hợp đóng góp ý kiến của công dân
Trước đây, quá trình phân tích, tổng hợp ý kiến công dân về một dự luật mất 2 - 3 tuần theo phương pháp thủ công.
Hiện tại, nhờ các nền tảng “Rahvaalgatus.ee" (Dân nguyện điện tử), hoặc nền tảng như Osale.ee (cổng thông tin dân chủ tham gia của Estonia) sử dụng AI để tổng hợp ý kiến công chúng, có thể xử lý hơn 10.000 ý kiến công chúng chỉ trong vòng 2 giờ. AI giúp có thể phân loại tự động theo chủ đề, cảm xúc, nhóm đối tượng với độ chính xác 85%, theo thống kê của Chính phủ.
Ví dụ, khi soạn thảo một dự luật cải cách giáo dục gần đây, các công cụ phân tích cảm xúc đã chắt lọc hơn 10.000 ý kiến của công dân thành các chủ đề chính, chẳng hạn như mối quan tâm về lương giáo viên.
Một yếu tố quan trọng trong việc ứng dụng AI tại Quốc hội là thiết kế giao diện thân thiện với người dùng. Với sự đa dạng ngôn ngữ tại Estonia - nơi có cộng đồng nói tiếng Nga chiếm gần 25% dân số - các hệ thống AI được lập trình để xử lý và phản hồi bằng nhiều ngôn ngữ. Điều này giúp tăng tính bao trùm trong tiếp cận thông tin chính trị. Người dân có thể dùng trợ lý ảo trên cổng thông tin quốc hội để đặt câu hỏi về các dự luật, tra cứu biểu quyết của từng nghị sĩ, hoặc theo dõi tiến trình thông qua một đạo luật cụ thể; việc này không chỉ giúp tăng cường minh bạch mà còn khuyến khích sự tham gia của công dân vào đời sống chính trị.