Ai sẽ thực hiện bảo trì nhà biệt thự có nhiều chủ sở hữu?

Đối với nhà biệt thự có nhiều chủ sở hữu thì chủ sở hữu có trách nhiệm thực hiện bảo trì đối với phần sở hữu riêng.

UBND TP vừa ban hành quy định về quản lý, sử dụng nhà biệt thự trên địa bàn TP.

 Chủ sở hữu, đơn vị quản lý, sử dụng nhà biệt thự có trách nhiệm bảo trì tòa nhà. Ảnh minh họa: NGUYỄN TIẾN

Chủ sở hữu, đơn vị quản lý, sử dụng nhà biệt thự có trách nhiệm bảo trì tòa nhà. Ảnh minh họa: NGUYỄN TIẾN

Theo quy định của UBND TP.HCM, việc quản lý, sử dụng, bảo trì và cải tạo nhà biệt thự phải đảm bảo các nguyên tắc theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật Nhà ở.

Việc quản lý, sử dụng nhà biệt thự phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định pháp luật về quản lý quy hoạch, kiến trúc, pháp luật về nhà ở, đất đai, xây dựng, pháp luật về di sản văn hóa và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với những khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì khi lập quy hoạch phải đưa các nhà biệt thự nhóm 1, nhóm 2 vào quy hoạch để quản lý. Đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng mà có nhà biệt thự nhóm 1, nhóm 2 thì phải bổ sung các nhà biệt thự đó vào quy hoạch để quản lý.

Sở Xây dựng là cơ quan quản lý nhà ở và công sở cấp tỉnh, chịu trách nhiệm quản lý, lưu trữ hồ sơ về nhà biệt thự nhóm 1, nhóm 2 trên địa bàn TP.

Chủ sở hữu, đơn vị quản lý, sử dụng nhà biệt thự có trách nhiệm bảo trì nhà biệt thự. Trong trường hợp người sử dụng không phải là chủ sở hữu muốn thực hiện việc bảo trì phần sở hữu riêng thì phải được chủ sở hữu đồng ý bằng văn bản.

Đối với nhà biệt thự có nhiều chủ sở hữu thì chủ sở hữu có trách nhiệm thực hiện bảo trì đối với phần sở hữu riêng và đóng góp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà biệt thự đó cho người đại diện các chủ sở hữu trong nhà biệt thự. Mức đóng góp theo thỏa thuận giữa các chủ sở hữu. Trường hợp không có thỏa thuận thì kinh phí được phân bổ tương ứng với diện tích sở hữu riêng của từng chủ sở hữu.

Muốn cải tạo biệt thự cần làm gì?

Việc cải tạo nhà biệt thự đã được phân nhóm (bao gồm nhóm 1, nhóm 2) được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 123, khoản 3 và khoản 4 Điều 131 Luật Nhà ở.

Theo đó, nhà biệt thự nhóm 1 là nhà biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; nhà biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ...

Nhà biệt thự nhóm 2 là nhà biệt thự không thuộc nhà biệt thự nhóm 1 nhưng có giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử...

Đối với nhà biệt thự nhóm 1, trường hợp thuộc diện hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì các cơ quan chuyên môn về xây dựng, kiến trúc và văn hóa phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện (nơi có nhà biệt thự) thực hiện khảo sát kiểm đếm, lưu trữ vật liệu gốc, hình ảnh nội thất, ngoại thất của công trình để làm cơ sở xem xét, hướng dẫn cải tạo sửa chữa hoặc cấp giấy phép khi xây dựng lại.

Việc xây dựng bổ sung trong khuôn viên công trình kiến trúc có giá trị được thực hiện theo quy chế quản lý kiến trúc do UBND TP ban hành.

Trường hợp sử dụng màu sắc, chất liệu khác biệt hoặc thay đổi công năng nhà biệt thự thì phải được UBND TP chấp thuận sau khi có ý kiến góp ý của cơ quan chuyên môn về xây dựng, kiến trúc và văn hóa.

Đối với nhà biệt thự nhóm 2, trường hợp thuộc diện hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì các cơ quan cơ quan chuyên môn về xây dựng, kiến trúc và văn hóa phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện (nơi có nhà biệt thự) thực hiện khảo sát kiểm đếm, lưu trữ vật liệu gốc, hình ảnh nội thất, ngoại thất của công trình để làm cơ sở xem xét hướng dẫn cải tạo sửa chữa hoặc cấp giấy phép khi xây dựng lại.

Việc xây dựng mới, xây dựng bổ sung trong khuôn viên công trình kiến trúc có giá trị được thực hiện theo quy chế quản lý kiến trúc do UBND TP ban hành.

NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/ai-se-thuc-hien-bao-tri-nha-biet-thu-co-nhieu-chu-so-huu-post834333.html
Zalo