6 nhiệm vụ tiên phong trong chuyển đổi số
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất 6 nhiệm vụ tiên phong trong chuyển đổi số để các doanh nghiệp nhà nước triển khai hiệu quả.

Để doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số. Ảnh minh họa: IT
6 nhiệm vụ tiên phong trong chuyển đổi số
Các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò then chốt trong việc dẫn dắt quá trình chuyển đổi số, không chỉ trong nội bộ doanh nghiệp mà còn tác động đến toàn bộ nền kinh tế.
Vừa qua, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trực thuộc Ủy ban vào sáng 18/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất các nhóm giải pháp trọng tâm và 6 nhiệm vụ tiên phong để doanh nghiệp nhà nước triển khai hiệu quả chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng.
6 giải pháp chuyển đổi số đó là:
Để tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng, doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào sáu giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Tập trung hoàn thiện các quy định để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về chuyển đổi số; đồng bộ các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư vào các ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, logistic và hạ tầng thông minh...
Qua đó, giúp doanh nghiệp nhà nước chủ động tiếp cận khoa học, kỹ thuật hiện đại; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, xây dựng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây; tạo cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia.
Thứ hai, tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Triển khai hiệu quả chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa khu vực FDI và trong nước.
Các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp cần tập trung chuyển mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, ưu tiên phát triển trồng trọt tuần hoàn, phát thải Các-bon thấp. Các doanh nghiệp nhà nước trong ngành dịch vụ cần dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh. Hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu.
Thứ ba, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng doanh nghiệp công nghệ trong nước triển khai các nhiệm vụ nội địa hóa các công nghệ nền tảng và các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số như Cloud, AI, BigData,…và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp này nghiên cứu.
Thứ tư, xây dựng cơ chế giúp doanh nghiệp nhà nước tiếp cận các Quỹ đầu tư công nghệ, Quỹ đầu tư mạo hiểm… của nhà nước để có nguồn kinh phí triển khai thử nghiệm các công nghệ mới, đổi mới mô hình hoạt động với độ rủi ro cao.
Thứ năm, xây dựng cơ chế giúp doanh nghiệp nhà nước có thể xây dựng cơ chế lương, thưởng theo từng đặc thù công việc và linh hoạt theo nhu cầu thị trườn
Thứ sáu, Bộ Tài chính có định hướng, chương trình khung chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ hợp tác, phối hợp với các doanh nghiệp nhà nước triển khai các giải pháp chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo các yêu cầu và năng lực bảo mật và an toàn dữ liệu, chống tấn công mạng.
Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ, các DNNN cũng đang xây dựng và triển khai các kế hoạch chuyển đổi số tại doanh nghiệp và chủ động tham gia tích cực vào chương trình hành động về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Cùng với sự dẫn dắt, quyết liệt của Chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn của Nhà nước như Tập đoàn EVN, PVN, TKV, VNPT, Viettel, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone… đang mạnh mẽ tiến hành các hoạt động chuyển đổi số.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, doanh nghiệp nhà nước vẫn còn một số tồn tại trong việc thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh, khoa học công nghệ còn hạn chế; công cụ quản trị kinh doanh còn chậm đổi mới.