Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân: Mở đường cho đội ngũ doanh nghiệp lớn lên
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã thay đổi mọi định kiến về kinh tế tư nhân, bỏ tất cả những gì là tàn dư đối với người làm kinh tế, kinh doanh.
Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị vừa được ban hành có nhiều điểm mới đột phá, gỡ bỏ nhiều rào cản để kinh tế tư nhân phát triển.
Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 9 bày tỏ sự phấn khởi về những quan điểm, chính sách lớn mà Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng dành cho kinh tế tư nhân trong Nghị quyết 68.
Cần nhiều hơn nữa các tập đoàn tư nhân lớn
Là người 10 năm ròng đề xuất các chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân, cũng là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) nói rằng, bản thân cảm thấy rất hưng phấn khi Nghị quyết 68 được ban hành.
Theo ông Thân, kinh tế tư nhân tại Nghị quyết 68 đã thực sự đặt được đúng chỗ, vai trò và sứ mệnh của mình.
"Kinh tế tư nhân bao gồm cả FDI, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm 5 triệu hộ cá thể… Cái hay ở chỗ là khi họ bỏ tiền, mở cửa hàng ra thì không cần ai giục, họ vẫn tự thúc đẩy, tự làm ăn và hoàn thiện mình. Họ chỉ khao khát có một hệ sinh thái thoáng, minh bạch để phát triển", ông Thân nói.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân, đoàn Thái Bình (Ảnh: Media Quốc hội).
Theo ông Thân, thương trường như chiến trường và doanh nghiệp là người "cầm súng" chiến đấu. Để chiến trường thắng lợi, ngoài cố gắng của doanh nghiệp thì cần có chủ trương đúng đắn, thực thi chính sách đồng bộ, quyết liệt của Đảng và Nhà nước.
Đứng về góc độ chuyên gia, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp.HCM) khẳng định, kinh tế tư nhân vốn đã là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Cho đến nay kinh tế tư nhân đã và đang đóng góp lớn vào nền kinh tế giải quyết việc làm, tăng trưởng GDP và an sinh xã hội.
"Hãy hình dung 40 năm trước, khi chúng ta thực hiện Đổi mới (năm 1986), Trung ương Đảng công nhận nền kinh tế chúng ta là nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có kinh tế cá thể, từ đó kinh tế cá thể đã có sự đóng góp lớn cho đất nước. Lần này Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân, hướng đến mục tiêu năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 và 3 triệu doanh nghiệp vào năm 2045", ông Ngân nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Tp.HCM trả lời bên hành lang Quốc hội (Ảnh: TH).
Theo ông Ngân, muốn doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt đất nước thì phải có nhiều hơn nữa các tập đoàn lớn, đủ mạnh, sánh vai với các tập đoàn lớn thế giới. Do đó, yêu cầu tất yếu khách quan là cần những cơ chế, thể chế biệt đãi với doanh nghiệp tư nhân và Nghị quyết 68 ra đời với mong muốn đòi hỏi ấy.
"Để những chủ trương, quyết sách lớn đi vào cuộc sống, chúng ta cần luật hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân và tại Kỳ họp này, Quốc hội bàn đến sửa nhiều luật, trong đó có Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới, phải phản ánh được tư duy, chủ trương của Nhà nước vào trong luật", ông Ngân nói thêm.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, chủ trương của Đảng ban hành, song cần nhanh chóng sửa đổi nhằm đồng bộ hóa chính sách, xóa bỏ hiện trạng "rừng luật" hiện nay, như vậy mới khiến kinh tế tư nhân có điều kiện phát triển.
"Chúng ta ao ước hàng triệu doanh nghiệp tư nhân để phát triển đất nước, thì phải làm sao khơi thông chính sách cho đội ngũ doanh nghiệp lớn lên thành các tổng công ty, tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, Hòa Phát, Thaco…", ĐBQH Trần Hoàng Ngân nói.
Thay đổi triệt để mọi định kiến về kinh tế tư nhân
Cũng trao đổi bên hành lang Quốc hội, phân tích về các cơ chế, chính sách của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nói rằng: "Nghị quyết thay đổi triệt để mọi định kiến về kinh tế tư nhân".
Ông Hiếu nhìn nhận, thông điệp của Nghị quyết 68 khác với các Nghị quyết khác về kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị (Nghị quyết 10) ở 3 khía cạnh: Một là giảm phiền hà (cắt giảm giấy phép kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính…); Hai là là tăng sự bảo vệ, an toàn của doanh nhân; Ba là khơi thông nguồn lực.
Tinh thần Nghị quyết có 2 điểm mới là vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được coi trọng và khẳng định luôn trong Nghị quyết: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
"Nghị quyết 68 thay đổi tư duy toàn xã hội, thay đổi mọi định kiến về kinh tế tư nhân, bỏ tất cả những gì là tồn dư đối với người làm kinh tế, kinh doanh", ông Hiếu nói.

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội (Ảnh: Media Quốc hội).
Theo ông Hiếu, Nghị quyết 68 giảm sự phiền hà cho doanh nghiệp nói chung, tư nhân nói riêng thể hiện ở quan điểm: Chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", người dân được phép làm tất cả những điều mà luật pháp không cấm hay chủ trương không hình sự hóa quan hệ kinh tế.
Ông cho rằng, trong kinh doanh thì rủi ro và sai lầm là khó tránh khỏi. "Rủi ro về thị trường không nói vì đó là vấn đề thường trực, ai cũng đối diện, doanh nhân nước nào cũng đối diện; còn rủi ro về pháp lý, thể chế là khó giải quyết hơn, vì thuộc về khách quan và không thể lường trước được", ông Hiếu nói.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhấn mạnh: "Nghị quyết 68 nêu bật quan điểm cái gì chưa rõ thì ưu tiên áp dụng việc xử lý bằng luật dân sự, thay vì luật hình sự. Điều này tạo điều kiện cho doanh nhân có cơ hội làm lại".
ĐBQH Phan Đức Hiếu bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng khi các quyết sách về tinh gọn, sáp nhập bộ máy cả Trung ương và địa phương, thủ tục hành chính sẽ thông thoáng, nhanh hơn rất nhiều, điều này sẽ tạo bệ phóng để tinh thần Nghị quyết 68 thực sự đi vào cuộc sống.
Cho đây là cuộc đại phẫu thuật nền kinh tế, ĐBQH Phan Đức Hiếu cho rằng, sẽ không có chỗ cho doanh nghiệp chậm chân, kinh doanh bằng mô hình cũ, do đó doanh nghiệp cần mạnh dạn đẩy mạnh đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ mới, vật liệu mới để tăng tốc bứt phá.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân chiều 7/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 68 để các chính sách sớm đi vào cuộc sống.
Do đó, phải trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết ngay tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, nhằm giải quyết ngay những vấn đề cấp bách. Với thời gian ngắn, yêu cầu cao, nội dung phong phú, cần chọn cách tiếp cận phù hợp, khả thi.