Đạt mục tiêu tăng trưởng 8%: Cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn
Báo cáo kinh tế 4 tháng đầu năm cho thấy, nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tốt, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, chúng ta cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025.
Kinh tế khởi sắc
Nhận định về báo cáo kinh tế 4 tháng đầu năm mà Bộ Tài chính công bố mới đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, tăng trưởng kinh tế 4 tháng đầu năm đã phản ánh đúng tình hình thực tế, nhất quán với thống kê trong 3 tháng, kinh tế nhìn chung có sự tăng trưởng, bất chấp những biến động mạnh mẽ trên thị trường thế giới, cũng như chính sách thuế đối ứng của Mỹ.
Sản xuất công nghiệp tháng Tư tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tháng ước tính tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 276,89 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Đối với công tác quản lý ngân sách, thu ngân sách nhà nước tháng 4/2025 ước đạt 199,9 nghìn tỷ đồng; lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước bốn tháng đầu năm 2025 ước đạt 944,1 nghìn tỷ đồng, bằng 48,0% dự toán năm và tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Tư được các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện. Tính chung bốn tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 18,6% kế hoạch, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Phong, với sự linh hoạt, chủ động tăng cường tiếp xúc, trao đổi thông tin, đặc biệt là cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Donal Trump, Thủ tướng chủ trì các cuộc họp về ứng phó, phương án đàm phán, Việt Nam trở thành một trong các quốc gia được Mỹ ưu tiên đàm phán.
Đón nhận thông tin này, thị trường đã có những phản ứng tích cực; cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng vào những phản ứng linh hoạt, quyết sách kịp thời của lãnh đạo Đảng và nhà nước.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, báo cáo kinh tế bốn tháng đầu năm của Bộ Tài chính cho thấy tình hình kinh tế Việt Nam có sự khởi sắc. Điều này được thể hiện ở các chỉ số: Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát dưới 4%; xuất nhập khẩu tương đối khả quan tăng 15,7%, đạt vào khoảng 277 tỷ USD; đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 4 tháng đầu năm ước 6,7 tỷ USD, tăng 7,3%.
“Tôi đánh giá phát triển kinh tế 4 tháng qua là lạc quan và nó là tiền đề cho phát triển cho cả năm 2025 mà chúng ta đã đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên…”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Cần sự nỗ lực lớn
Dù kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tốt, nhưng vẫn còn một số hoạt động đầu tư kinh doanh, vốn đầu tư công chưa được phân bổ hết, diễn biến phức tạp của thương mại toàn cầu... đe dọa đến mục tiêu tăng trưởng.
Nhận định những yếu tố sẽ tác động đến tăng trưởng trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đó là chính sách thuế đối ứng của Mỹ cùng với những diễn biến khó lường của thương mại thế giới; những vấn đề về điều chỉnh quy hoạch của các địa phương sau sáp nhập, sự thông suốt bộ máy hình thành sau sáp nhập.
Cùng với việc chỉ ra những yếu tố tác động đến tăng trưởng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Bộ, ngành, địa phương cần có dự báo, bắt nhịp nhanh, kịp thời những diễn biến của thị trường, cùng với đó là điều chỉnh lại quy hoạch và thực hiện chính sách đặc thù để tiếp tục triển khai các dự án nhanh nhất, hiệu quả nhất. Thêm nữa, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tăng nội lực, tăng sức chịu đựng để đa dạng hóa thị trường.
“Điều quan trọng, các địa phương mới phải xác định và thực hiện tốt rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Nếu thuần túy tập trung mục tiêu đạt kết quả 8% năm 2025 thì chúng ta có thể đạt được, nhưng đạt mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng một cách hiệu quả với bối cảnh thì chúng ta phải nỗ lực gấp 3 lần so với bình thường…”, ông Nguyễn Minh Phong kiến nghị.
Còn ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, việc tinh gọn bộ máy hành chính, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả sẽ tạo sự thông thoáng cho nền kinh tế, là tiền đề cho các thành phần kinh tế hoạt động hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, sau thời gian 90 ngày chúng ta mới biết Mỹ áp thuế đối ứng bao nhiêu, tác động tới tăng trưởng của Việt Nam như thế nào.
Hiện, Mỹ áp mức thuế 10% cho các mặt hàng các quốc gia xuất khẩu vào thị trường này. “Trong tương lai, mức thuế đối ứng là 10% thì tôi cho rằng hàng hóa của Việt Nam vẫn có cơ hội xuất khẩu sang Mỹ, nền kinh tế có cơ hội đạt mức tăng trưởng 8%. Còn Mỹ áp thuế 20-30% thì sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam và nền kinh tế…”, ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Dự báo thời gian tới tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, vì vậy đòi hỏi các cấp ngành, địa phương cần quán triệt nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, nêu cao tinh thần tách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chủ động, linh hoạt trong điều hành, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025.