6 nhiệm vụ lớn cho khoa học công nghệ ngành công thương
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, đứng trước thềm kỷ nguyên mới với những cơ hội và thách thức to lớn, ngành công thương cần phát huy tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, vượt qua rào cản tư duy, thể chế để tạo đột phá trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Động lực cho khoa học, công nghệ
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, chiều 19/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu đang trải qua những biến đổi sâu sắc của kỷ nguyên số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò then chốt, là động lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường sức mạnh quốc gia.
Nhận thức được điều này, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 71 của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

“Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 là yếu tố then chốt và cơ bản nhất để Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình. Để đạt mục tiêu 100 năm, bắt buộc chúng ta phải phát triển khoa học công nghệ. Nếu trong các giai đoạn trước, chúng ta gặp nhiều khó khăn trong phát triển khoa học công nghệ thì thời gian tới, những cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý được ban hành trên cơ sở Nghị quyết 57 sẽ tháo gỡ những nút thắt này".
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, ngành công thương có hệ thống viện, trường đào tạo và lực lượng cán bộ làm nghiên cứu, giáo viên, sinh viên đông đảo sẽ là nền tảng cho ngành đạt thành tựu trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
6 nhiệm vụ lớn
Để đẩy mạnh triển khai và hoàn thành mục tiêu trong thực hiện các nghị quyết quan trọng nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào 6 giải pháp trọng tâm.
Đầu tiên là hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức bộ máy. Bộ sẽ rà soát, đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để loại bỏ những rào cản, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn.
Xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công thương. Bộ sẽ thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, các cụm liên kết doanh nghiệp - viện nghiên cứu - trường đại học trong các lĩnh vực trọng điểm; chú trọng phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi để các ý tưởng sáng tạo được hiện thực hóa và thương mại hóa.

Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: Báo Công Thương.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ sẽ tăng cường chỉ đạo các cơ sở đào tạo thuộc Bộ để đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục đào tạo, chú trọng phát triển kỹ năng số và năng lực đổi mới sáng tạo; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế phát triển của thế giới.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành công thương, từ quản lý Nhà nước đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ sẽ mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập sâu rộng vào mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu. Thông qua hợp tác,tận dụng hiệu quả các nguồn lực, kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến từ nước ngoài để phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ mũi nhọn của Việt Nam.
Cuối cùng là đổi mới phương thức quản lý Nhà nước theo hướng kiến tạo, phục vụ. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Bộ Công Thương tiên phong triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) cho biết, giai đoạn vừa qua, công tác khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của ngành công thương được triển khai đồng bộ và toàn diện.
Bộ Công Thương đã chủ động tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ngay sau khi các văn bản được ban hành, Bộ Công Thương đã tổ chức xây dựng kế hoạch, phân công thực hiện đảm bảo bám sát các nhiệm vụ được giao và tiến độ đề ra.

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công báo cáo tại hội nghị. Nguồn: Báo Công Thương.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng lộ trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Công tác quản lý hoạt động khoa học công nghệ của Bộ nhanh chóng được rà soát, cập nhật các quy định mới, từng bước được hoàn thiện theo hướng minh bạch, hiện đại.
"Với các định hướng và hoạt động nêu trên, Bộ Công Thương đã đạt nhiều kết quả trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế, được vinh dự trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học, công nghệ,” bà Lâm Giang cho biết.
Thúc đẩy nội địa hóa sản xuất
Thông tin về tình hình hoạt động của Câu lạc bộ các Viện nghiên cứu ngành công thương tại hội nghị, ông Phan Đăng Phong, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều công nghệ đã được các viện nghiên cứu và làm chủ thời gian gần đây trong ngành cơ khí đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nhập siêu và nâng cao tỷ lệ chế tạo trong nước như: tiếp thu và làm chủ công nghệ các thiết bị nhà máy điện sử dụng nhiệt dư tại các nhà máy xi măng Hoàng Mai, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch; thiết kế, chế tạo, tích hợp, lắp đặt, hướng dẫn vận hành các dây chuyền thiết bị, đồ gá hàn các dòng xe ô tô điện của VinFast; các dự án tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quy trình sản xuất tại các nhà máy công nghiệp của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem),...
Về một số thuận lợi, khó khăn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên đã liên tục giảm trong thời gian qua, do đó, các viện luôn phải đặt sự quan tâm vào việc thực hiện các nhiệm vụ có khả năng thu được kinh phí ngay để duy trì sự tồn tại.

ông Phan Đăng Phong, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí phát biểu tại hội nghị. Nguồn: Bộ Cồng Thương.
“Sau khi có Nghị quyết 57 và các nghị quyết khác của Quốc hội cũng như các nghị định của Chính phủ liên quan, nguồn kinh phí dành cho khoa học, công nghệ sẽ được ưu tiên. Tuy nhiên, các yêu cầu của nhiệm vụ phải gắn với các chương trình lớn của quốc gia và các công nghệ chiến lược, do đó các viện phải tập trung nguồn lực để có thể tham gia được,” Viện trưởng Phong bày tỏ.
Tại hội nghị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí đã có một số đề xuất, kiến nghị đối với các nhiệm vụ liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển ngành. Theo đó, ông Phong đề nghị Bộ Công Thương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của từng viện để giao nhiệm vụ, giúp các viện có các đóng góp cụ thể hơn nữa trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách phục vụ phát triển ngành.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị Bộ quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu để hệ thống các viện thuộc Bộ có đủ năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công thương, phát triển đất nước, có khả năng hội nhập về khoa học, công nghệ với khu vực và thế giới.