Bộ Công Thương lấy ý kiến về nhập khẩu lá thuốc lá khô, gạo từ Campuchia

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư quy định về hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng lá thuốc lá khô và gạo có xuất xứ từ Campuchia cho giai đoạn năm 2025 - 2026.

Dự thảo Thông tư được xây dựng trên cơ sở các căn cứ pháp lý như: Luật Quản lý ngoại thương năm 2017; Nghị định số 40/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương; cùng với một nghị định mới về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam trong khuôn khổ thực hiện Thỏa thuận thương mại với Campuchia giai đoạn 2025-2026.

Theo dự thảo Thông tư, phạm vi điều chỉnh bao gồm việc quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với hai mặt hàng là lá thuốc lá khô và gạo có xuất xứ từ Campuchia, được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% khi nhập khẩu vào Việt Nam trong các năm 2025 và 2026. Đối tượng áp dụng là các thương nhân có nhu cầu nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đây là bước triển khai quan trọng nhằm thực hiện Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia ký ngày 28/4/2025

Đây là bước triển khai quan trọng nhằm thực hiện Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia ký ngày 28/4/2025

Cụ thể, hạn ngạch thuế quan cho năm 2025 sẽ được áp dụng cho các tờ khai đăng ký với cơ quan hải quan trong thời hạn từ ngày có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025. Đối với năm 2026, hạn ngạch được áp dụng từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2026. Các mặt hàng nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do cơ quan có thẩm quyền của Campuchia cấp.

Về phương thức điều hành, dự thảo quy định việc quản lý hạn ngạch được thực hiện theo hình thức trừ lùi tự động tại cơ quan hải quan. Đối với mặt hàng lá thuốc lá khô, thương nhân cần có Giấy phép nhập khẩu do Bộ Công Thương cấp, căn cứ theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP và Thông tư số 12/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.

Thông tư này dự kiến có hiệu lực từ năm 2025 đến hết ngày 31/12/2026. Bộ Công Thương hiện đang công bố dự thảo trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan, nhằm hoàn thiện văn bản trước khi chính thức ban hành.

Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Campuchia đạt 10,1 tỷ USD, tăng 17,5% so với năm 2023, đảo chiều xu hướng giảm của năm trước đó và chứng tỏ sự phục hồi tích cực, bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.

Trong quý I/2025, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 1,3 tỷ USD (tăng 9,3%) và nhập khẩu đạt 1,9 tỷ USD (tăng 10,9%).

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia trên thế giới (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN. Ngược lại, Campuchia là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam trong ASEAN.

Vĩnh Tế

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/bo-cong-thuong-lay-y-kien-ve-nhap-khau-la-thuoc-la-kho-gao-tu-campuchia-318041.html
Zalo