Nghị quyết 66 mở đường lớn để thúc đẩy sáng tạo giá trị tối đa

Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới tạo tư duy mới - tư duy kiến tạo phát triển xuyên suốt hệ thống pháp luật, theo đó, mở đường rộng lớn để sáng tạo giá trị tối đa.

Pháp luật quản lý trở thành điểm nghẽn phát triển

Pháp luật là biểu hiện cao nhất ý chí giai cấp thống trị để kiềm chế và khuôn dạng mọi hoạt động của tổ chức, cá nhân toàn xã hội trong phạm vi xác định. Trong giai đoạn đầu chuyển hướng từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - một mô hình phát triển chưa từng có trong tiền lệ, pháp luật đang trong quá trình thăm dò, xây dựng và hình thành từng bước cho nên không tránh khỏi tư duy quản lý chặt chẽ, nhiều thực tiễn mới xuất hiện đa dạng dẫn đến các quy định pháp luật không bắt kịp nhất là những lĩnh vực liên quan đến tiến bộ công nghệ phát triển với tốc độ nhanh chóng như công nghệ số, công nghệ tăng trưởng xanh, dữ liệu… Điều đó làm hình thành phương thức hành động phổ biến là chỉ được làm những gì pháp luật cho phép và dẫn đến mô hình quản lý “không quản được thì cấm” trong xây dựng và thực hiện pháp luật. Do đó, pháp luật là công cụ quản lý và quản lý nhà nước bằng pháp luật trở thành tư tưởng xuyên suốt được vận dụng tối đa gây tình trạng cứng nhắc và chật hẹp của các quy định pháp luật khi các quy định bị lạc hậu, thiếu đồng bộ, chồng chéo.

Hệ thống pháp luật nặng về quản lý đã gây ra nhiều sự bất an trong doanh nghiệp và tăng rủi ro pháp lý đối với doanh nghiệp và gây ra tình trạng chồng chéo, sơ hở của hệ thống pháp luật. Đây là nguồn gốc của các sai phạm kinh tế dẫn đến khả năng cao trong hình sự hóa các sai phạm kinh tế. Nhiều vụ án kinh tế có thể xử lý bằng biện pháp phi hình sự từ sau đổi mới đã không được giải quyết thỏa đáng làm tăng rủi ro của môi trường kinh doanh. Tư duy pháp luật quản lý khó tạo được động lực phát triển tối đa và bị coi là điểm nghẽn của điểm nghẽn thể chế phát triển.

Nghị quyết 66 được xem là "đột phá của đột phá" trong xây dựng pháp luật (Ảnh minh họa: KT)

Nghị quyết 66 được xem là "đột phá của đột phá" trong xây dựng pháp luật (Ảnh minh họa: KT)

Kỷ nguyên mới cần pháp luật kiến tạo phát triển

Kỷ nguyên mới đòi hỏi tăng trưởng rất cao - tăng trưởng GDP đạt 2 con số từ năm 2026. Điều này bảo đảm để nền kinh tế vươn mình cất cánh, liên tục phát triển hay sự thần kỳ trong tăng trưởng tương tự như sự thần kỳ của Nhật Bản vào những năm 1960, Hàn Quốc những năm 1970, Singapore những năm 1990 và Trung Quốc những năm 2000.

Thực tế các nước để đạt được sự thần kỳ hay kỳ tích chưa từng có trong lịch sử, bên cạnh việc tích lũy nội bộ để tạo động lực phát triển cao nhất cần hoàn thiện hệ thống luật pháp để khuyến khích sự tự do kinh tế, mở rộng tối đa quyền kinh doanh, bảo hộ quyền sở hữu tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng, quyền cống hiến và sự thịnh vượng quốc gia, dân tộc.

Việt Nam chuyển mình để trở thành nước có thu nhập trung bình cao năm 2030 và nước công nghiệp có thu nhập cao năm 2045. Do đó, luật pháp từ tư duy quản lý, kiểm soát sang tư duy hướng dẫn, phục vụ, thể hiện tính tiên phong, định hướng lâu dài và tạo điều kiện huy động triệt để nguồn lực phát triển trong và ngoài nước. Do đó, luật pháp cần hoàn thiện theo hướng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được làm những gì pháp luật không cấm. Đồng thời, cần có biện pháp bảo hộ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Việc quy định rõ ràng lĩnh vực cấm để mở rộng tối đa sự sáng tạo của các chủ thể vừa huy động triệt để nguồn lực, vừa điều chỉnh phương thức đánh giá, nhận dạng kỹ lưỡng nguồn lực, động lực truyền thống và nguồn lực, động lực mới và tận dụng toàn diện cơ hội, đổi mới phương pháp huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực để bảo đảm hiệu quả nhất, tránh phân bổ lệch lạc, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả gây ra rào cản phát triển ngay trong quá trình phát triển. Chủ động, tích cực phân tích, đánh giá, đàm phán các hiệp định thương mại, đầu tư, kinh tế mới để mở rộng không gian phát triển kinh tế quốc gia.

Kỷ nguyên mới cần pháp luật kiến tạo phát triển (Ảnh minh họa: KT)

Kỷ nguyên mới cần pháp luật kiến tạo phát triển (Ảnh minh họa: KT)

Cần coi trọng sửa đổi, hoàn thiện, thậm chí loại bỏ các quy định làm ứ đọng dòng chảy nguồn lực nhất là nguồn lực đầu tư công, tăng cường hợp tác công - tư theo các lựa chọn vốn công, quản trị tư hoặc vốn từ quản trị công, tạo động lực phát huy triệt để nguồn lực kinh tế tập thể, kết nối chủ động với kinh tế tư nhân, coi trọng nguồn lực đầu tư nước ngoài vào thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Đa dạng hóa các hình thức pháp lý về đầu tư kinh doanh nhất là kinh doanh số, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển và khuyến khích đổi mới sáng tạo bằng việc kiến tạo thị trường đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển khoa học - công nghệ chủ động, tích cực, thực chất.

Quyết liệt xây dựng và thực hiện pháp luật theo tư duy mới

Một hệ thống pháp luật phù hợp với kỷ nguyên phát triển cần được hoàn thiện, hiện đại hóa kịp thời, mở rộng tối đa không gian phát triển về kinh tế, kinh doanh và phát triển đồng bộ các loại thị trường để kích thích tổng cầu đầu tư.

Tạo cơ chế đặc thù hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân về ưu đãi tiếp cận đất đai, ưu đãi nguồn vốn, hỗ trợ đào tạo 10.000 lãnh đạo doanh nghiệp, xây dựng cổng thông tin số về xây dựng và thực hiện pháp luật để doanh nghiệp, doanh nhân, tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin về quy định pháp luật công khai, minh bạch, thuận lợi và kịp thời. Đây là khía cạnh bảo đảm tính bình đẳng thực sự trong tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật.

Theo đó, cần loại bỏ kiểu tư duy “không quản được thì cấm”, cơ chế “xin - cho”, “bỏ trống lĩnh vực” sang “được làm những gì pháp luật không cấm", tối đa hóa không gian huy động nguồn lực, đa dạng hóa mọi hình thức pháp lý, coi trọng trọng tâm pháp luật phục vụ sự phát triển. Việc cắt giảm ít nhất 30% điều kiện kinh doanh là chỉ tiêu cho thấy nỗ lực quan trọng trong quyết liệt thực hiện.

Hoàn thiện quy trình điều chỉnh, thực hiện và hiện đại hóa các loại quy định pháp luật, thực hiện nguyên tắc “một luật sửa nhiều luật” để tăng tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật, giảm thiểu sự chồng chéo.

Tăng chi cho cơ chế thử nghiệm các quy định pháp luật mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để giảm thiểu sự sai sót, chồng chéo, đánh giá tác động đầy đủ trước khi có hiệu lực áp dụng nhất là các quy định pháp luật các lĩnh vực mới, đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ và chuyển đổi số. Đây là cách thức tăng tính khả thi và cập nhật của quy định pháp luật cũng như giảm thiểu sai sót trên cơ sở đánh giá tác động phản hồi sau thực hiện. Điều này bảo đảm bản chất khoa học của các quy định pháp luật.

Không hình sự hóa các sai phạm kinh tế, ưu tiên xử lý các sai phạm bằng biện pháp hành chính, kinh tế, dân sự. Không hồi tố các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đây là yếu tố tăng tính thân thiện và nhân văn của hệ thống luật pháp nhưng vẫn không làm giảm tính nghiêm minh cần thiết.

Pháp luật kiến tạo rộng mở tiếp thêm động lực sáng tạo giá trị tối đa

Nghị quyết 66 khi có hiệu lực áp dụng chắc chắn sẽ tạo ra được lòng tin rất cao vào sự hoàn thiện quyết liệt hệ thống luật pháp. Theo đó, dòng đầu tư vào các thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư có quy mô tăng lên. Đây là sự đột phá chiến lược trong mô hình phát triển, tìm kiếm, phát huy và tích hợp nguồn lực, phát huy lợi thế phát triển để không bị bỏ lỡ cơ hội. Nguy cơ gặp rủi ro pháp lý từ kiểu tư duy lạc hậu được giảm thiểu, lòng tin của toàn xã hội tăng lên, sự sáng tạo được phát huy tối đa.

Tất cả các loại nguồn lực và động lực truyền thống và mới dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được huy động triệt để, cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và có thể cả các bộ phận kinh tế tập thể cũng có khả năng được chuyển dịch sang khối kinh tế tư nhân để nhận được sự hỗ trợ cao nhất của kinh tế tư nhân. Điều này càng tăng thêm vị thế, nguồn lực, tiềm lực và năng lực của kinh tế tư nhân.

Theo cách xem xét đó, đóng góp của kinh tế nhân vào GDP có thể lên tới trên 50%, tạo việc làm cho khoảng 86%, đóng góp vào ngân sách khoảng 50%, tăng năng suất lao động trung bình hàng năm 8-9% , tăng trưởng hàng năm từ 11-12% và có ít nhất 20 tập đoàn kinh tế tư nhân tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu… Tất cả những chỉ số này cho thấy, kinh tế tư nhân là một trong những thành phần quan trọng nhất và là động lực mạnh trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp lớn nhất giá trị xã hội và hiện thực hóa mục tiêu dân giàu mạnh, thịnh vượng.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nghi-quyet-66-mo-duong-lon-de-thuc-day-sang-tao-gia-tri-toi-da-post1200600.vov
Zalo