6 món ăn bài thuốc thanh nhiệt, giải độc cơ thể mùa hè

Để giúp cơ thể thích nghi với thời tiết nóng nực của mùa hè, y học cổ truyền từ lâu đã ứng dụng nhiều món ăn bài thuốc giúp thanh nhiệt, giải độc, tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể.

Mùa hè miền Bắc nước ta với nhiệt độ cao, độ ẩm tăng khiến cơ thể dễ sinh nội nhiệt, mệt mỏi, nổi mụn, rối loạn tiêu hóa, thậm chí dễ phát sinh các bệnh truyền nhiễm do nóng ẩm.

1. Quan niệm nhiệt - độc trong y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền (YHCT), "nhiệt" và "độc" là hai phạm trù bệnh lý quan trọng, thường đi song hành với nhau và là nguyên nhân gây ra nhiều chứng bệnh, đặc biệt là vào mùa hè.

Thời tiết mùa hè thuộc hành Hỏa, dương khí thịnh, dễ sinh nhiệt tà xâm nhập vào phế, tâm, vị... gây ra các triệu chứng như khô miệng, khát nước, mệt mỏi, táo bón, tiểu vàng, lưỡi đỏ, mạch sác (nhanh) hoặc gây mụn nhọt, viêm họng, nhiệt miệng, mất ngủ, bứt rứt khó chịu,…

Phép trị chứng nhiệt - độc trong YHCT thường dùng là: Thanh nhiệt, giải độc, sinh tân chỉ khát, kiện tỳ lợi thấp.

2. Món ăn bài thuốc giúp thanh nhiệt, giải độc

Dưới đây là một số món ăn, bài thuốc giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể hiệu quả trong mùa hè:

2.1. Trà nhân trần giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể mùa hè

Nhân trần là vị thuốc quen thuộc trong đông y, có vị đắng, hơi cay, tính hơi hàn, quy vào kinh Can, Đởm và Tỳ. Trong Bản thảo cương mục, Lý Thời Trân ghi rằng: "Nhân trần chủ trị hoàng đản, phát nhiệt, trướng mãn, trọc khí thượng công". Nghĩa là vị thuốc này có tác dụng nổi bật trong việc trị vàng da, tiêu phù thũng, thanh nhiệt lợi thấp, giải độc, mát gan, lợi mật. Nhân trần phù hợp dùng trong mùa hè, khi gan dễ bị tích nhiệt, cơ thể mệt mỏi, nổi mụn nhọt, tiểu vàng, miệng đắng…

Cách dùng: Dùng 15 - 20g nhân trần khô, rửa sạch, hãm với 1 lít nước sôi hoặc sắc nhẹ trên bếp lửa nhỏ 10 - 15 phút. Có thể uống thay nước lọc trong ngày, nhưng không nên dùng liên tục quá dài ngày (trên 10 - 14 ngày), không kết hợp với cam thảo lâu dài vì dễ gây tương tác bất lợi cho gan, mật.

Nhân trần thanh nhiệt lợi thấp, giải độc, mát gan.

Nhân trần thanh nhiệt lợi thấp, giải độc, mát gan.

2.2. Nước ép dưa hấu

Dưa hấu vừa là loại hoa quả, vừa là vị thuốc quý trong đông y, được xếp vào nhóm thanh nhiệt lương huyết, sinh tân chỉ khát, lợi niệu bài thử (nghĩa là giúp làm mát cơ thể, sinh tân dịch, lợi tiểu và giải thử nhiệt). Dùng dưa hấu giúp làm giảm triệu chứng do say nắng, say nóng gây ra như sốt nhẹ, khát nước, tiểu ít, mệt mỏi, nhức đầu, bứt rứt. Các nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy, dưa hấu chứa hàm lượng lớn nước (trên 90%), vitamin C, A, các chất chống oxy hóa (lycopene và citrulline) làm giảm huyết áp, cải thiện tuần hoàn máu và làm mát cơ thể.

Cách dùng: Ăn tươi hoặc làm nước ép dưa hấu uống trong ngày. Vỏ dưa hấu (tây qua bì) cũng là một vị thuốc thanh nhiệt lợi niệu, có thể nấu nước uống mát gan, giải thử trong dân gian.

Nước ép dưa hấu lợi tiểu và giải thử nhiệt.

Nước ép dưa hấu lợi tiểu và giải thử nhiệt.

2.3. Canh rau má thịt bằm

Một trong những vị thuốc thanh nhiệt, giải độc hiệu quả không thể không nhắc tới là rau má. Rau má có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu viêm, làm mát gan, được dùng để trị mụn nhọt, nhiệt miệng, nóng trong người, tiểu tiện khó.

Cách dùng: Rau má tươi 100 - 150g rửa sạch, nấu cùng thịt bằm 100g. Nêm gia vị vừa ăn, ăn nóng hoặc nguội đều tốt.

Canh rau má thịt bằm giúp thanh nhiệt, giải độc.

Canh rau má thịt bằm giúp thanh nhiệt, giải độc.

2.4. Mướp đắng nhồi thịt

Mướp đắng nhồi thịt là món ăn quen thuộc trong bữa cơm Việt, không chỉ ngon miệng mà còn có nhiều giá trị thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ điều hòa đường huyết, rất thích hợp dùng trong mùa hè nóng bức hoặc cho người cần tăng cường chức năng gan, tiêu hóa.

Mướp đắng (khổ qua) vị đắng, tính hàn, quy kinh Tâm, Can, Tỳ, tác dụng thanh nhiệt, giải thử, minh mục (sáng mắt), lợi tiểu, giải độc. Kết hợp với thịt xay, cùng các gia vị và nguyên liệu như nấm mèo, miến, hành lá không chỉ tạo hương vị hài hòa mà còn giúp món ăn đảm bảo dinh dưỡng và làm mát trong mùa hè.

Cách làm: Bổ dọc hoặc cắt khúc mướp đắng, bỏ ruột, ngâm nước muối loãng 15 phút cho bớt đắng. Trộn thịt xay với nấm, miến, hành tím, tiêu và gia vị. Nhồi hỗn hợp vào từng trái mướp đắng, nấu với nước dùng (có thể thêm xương để ngọt nước). Khi mướp chín mềm, nêm nếm lại, thêm hành ngò nếu thích.

Mướp đắng nhồi thịt có nhiều giá trị thanh nhiệt, giải độc.

Mướp đắng nhồi thịt có nhiều giá trị thanh nhiệt, giải độc.

2.5. Nước râu ngô

Nước râu ngô là thức uống thanh mát, dễ làm, được sử dụng phổ biến trong mùa hè nhằm thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc gan hiệu quả. Theo y học cổ truyền, râu ngô có vị ngọt, tính bình, quy kinh Can, Thận, Bàng quang, giúp lợi tiểu, tiêu phù, thanh nhiệt, hỗ trợ điều trị vàng da, viêm gan. Y học hiện đại cũng ghi nhận râu ngô giàu flavonoid, saponin, có tác dụng lợi tiểu tự nhiên, hỗ trợ giảm viêm đường tiết niệu, ổn định huyết áp và đường huyết.

Cách dùng: Rửa sạch 30 - 50g râu ngô, nấu với 1 lít nước trong 20 phút, uống thay nước hằng ngày (có thể kết hợp với mã đề, atiso để hãm uống). Tuy nhiên, không nên lạm dụng sử dụng kéo dài, tránh dùng khi râu ngô bị mốc.

Nước râu ngô thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc gan hiệu quả.

Nước râu ngô thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc gan hiệu quả.

2.6. Cháo đậu xanh hạt sen

Thực đơn món ăn thanh mát cho mùa hè nên có trong mỗi gia đình là món cháo đậu xanh hạt sen. Cháo đậu xanh hạt sen giúp giải nhiệt, bồi bổ cơ thể, hạt sen có tác dụng an thần, bổ tỳ, cải thiện giấc ngủ. Các nghiên cứu dược lý cũng cho thấy đậu xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, còn hạt sen giàu alkaloid an thần, hỗ trợ giảm căng thẳng, ngủ sâu giấc.

Cách dùng: Nấu nhừ đậu xanh, hạt sen với gạo tẻ thành cháo. Ăn khi còn ấm, ngày ăn 1 - 2 lần.

Cháo đậu xanh hạt sen giải nhiệt, bồi bổ cơ thể.

Cháo đậu xanh hạt sen giải nhiệt, bồi bổ cơ thể.

3. Lưu ý khi dùng món ăn bài thuốc thanh nhiệt, giải độc mùa hè

- Các món ăn bài thuốc thanh nhiệt giải độc mùa hè đều có tính hàn (lạnh), nên không lạm dụng quá nhiều, vì có thể gây tiêu chảy, đau bụng ở người tỳ vị hư hàn.

- Phụ nữ mang thai, người huyết áp thấp, người đang dùng thuốc tây… cần hỏi ý kiến chuyên môn trước khi dùng. Một số vị thuốc như nhân trần, diệp hạ châu, bồ công anh... có thể tương tác với thuốc tây hoặc không phù hợp với thai phụ nếu dùng liều cao, kéo dài.

- Nên chọn thảo dược sạch, không nhiễm hóa chất hay nấm mốc. Với rau củ, cần rửa kỹ và nấu chín hoàn toàn để tránh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.

- Món ăn, bài thuốc chỉ phát huy tối ưu khi kết hợp với ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya, ăn uống cân bằng và vận động hợp lý.

Những món ăn bài thuốc giúp thanh nhiệt, giải độc không chỉ ngon miệng mà còn mang tính trị liệu nhẹ nhàng, hỗ trợ tăng cường sức khỏe và phòng bệnh cho cơ thể trong mùa hè.

BSNT. Hương Trà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/6-mon-an-bai-thuoc-thanh-nhiet-giai-doc-co-the-mua-he-169250512164930646.htm
Zalo