6 loại thuốc gây tăng cholesterol, liệu có nên dừng thuốc?
Một số loại thuốc điều trị bệnh có thể làm tăng cholesterol. Vậy khi xảy ra tình trạng này có nên ngừng dùng thuốc?
Dưới đây là một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol cần lưu ý:
1. Thuốc chẹn beta điều trị tăng huyết áp
Thuốc chẹn beta là loại thuốc thường được kê đơn để điều trị tăng huyết áp và các dạng bệnh tim khác nhau. Thuốc chẹn beta có thể làm giảm mức cholesterol – HDL (tốt). Một số thuốc gây ra tình trạng này bao gồm: Nadolol, propranolol, atenolol, metoprolol…
Tuy nhiên, lợi ích của thuốc chẹn beta thường lớn hơn rủi ro này. Nếu thuốc chẹn beta ảnh hưởng đáng kể đến cholesterol, bác sĩ có thể giảm liều hoặc thay đổi thuốc huyết áp phù hợp hơn với cá nhân. Người bệnh không nên tự ý dừng thuốc, sẽ nguy hiểm.

Một số loại thuốc điều trị các tình trạng bệnh lý có thể tăng cholesterol.
2. Prednisolon có thể gây tăng cholesterol
Prednisolon là một loại corticoid, được sử dụng để giảm viêm, điều trị hiệu quả nhiều tình trạng viêm, bao gồm phản ứng dị ứng nghiêm trọng, một số loại viêm khớp, lupus, đa xơ cứng, bệnh viêm ruột (IBD)… Tuy nhiên, đôi khi prednisolon làm tăng đáng kể mức cholesterol - LDL (xấu) và làm giảm mức HDL (tốt). Các nghiên cứu cho thấy rằng prednisone liều cao có thể gây ra tình trạng này trong vài tuần và đồng thời làm tăng huyết áp tâm thu.
Prednisone thường được kê đơn cho các tình trạng viêm nghiêm trọng khi lợi ích của việc điều trị lớn hơn rủi ro. Nguy cơ tác dụng phụ tăng theo liều lượng và thời gian điều trị.
3. Amiodaron
Amiodaronlà một loại thuốc được sử dụng để điều trị tình trạng rối loạn nhịp tim - nhịp tim không đều, xảy ra khi các tín hiệu điện trong cơ tim không hoạt động bình thường. Rối loạn nhịp tim có thể khiến tim đập quá nhanh (nhịp tim nhanh), quá chậm (chậm nhịp tim) hoặc không ổn định. Amiodarone có liên quan đến nhiều tác dụng phụ, trong đó có thể làm tăng mức cholesterol – LDL.
Amiodarone thường được dùng để điều trị loạn nhịp tim đe dọa tính mạng hoặc để ngăn ngừa - điều trị rối loạn nhịp tim ở những người có nguy cơ đau tim và các biến chứng nghiêm trọng khác. Do đó, tác dụng của thuốc đối với cholesterol hiếm khi đủ để phải ngừng dùng thuốc.
4. Thuốc cyclosporin
Cyclosporine là một loại thuốc ức chế miễn dịch, được sử dụng để ngăn ngừa tình trạng đào thải các cơ quan cấy ghép trong cơ thể. Thuốc cũng được sử dụng để điều trị các bệnh tự miễn - một nhóm các tình trạng mà hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô của chính cơ thể.
Cyclosporine có nhiều tác dụng phụ, một trong số đó bao gồm tăng mức LDL. Mặc dù vậy, lợi ích của nó trong việc ngăn ngừa đào thải cơ quan hoặc điều trị các bệnh tự miễn thường lớn hơn những lo ngại này. Nếu cần, có thể kê đơn thuốc hạ cholesterol để chống lại tác dụng này.
5. Steroid đồng hóa
Steroid đồng hóalà một nhóm hormone sinh dục nam, bao gồm testosterone, dùng điều trị suy sinh dục (cơ thể không sản xuất đủ testosterone). Steroid đồng hóa có thể gây ra sự gia tăng đáng kể mức LDL (xấu) và làm giảm mức HDL (tốt). Sử dụng lâu dài có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch (xơ cứng động mạch), huyết áp cao, bệnh động mạch vành… Dạng thuốc uống có xu hướng ảnh hưởng đến mức cholesterol nhiều hơn dạng thuốc tiêm.

Sự gia tăng cholesterol là tác dụng phụ tương đối nhỏ và có thể kiểm soát được.
6. Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu được sử dụng để điều trị huyết áp cao. Có hai loại thuốc lợi tiểu làm tăng mức cholesterol:
- Thuốc lợi tiểu thiazide, bao gồm chlorothiazide, metolazone và hydrochlorothiazide
- Thuốc lợi tiểu quai bao gồm furosemide, torsemide và bumetanide…
Thuốc lợi tiểu thiazide gây ra sự gia tăng tạm thời nồng độ cholesterol toàn phần và LDL. Hiện tại, indapamide là thuốc lợi tiểu thiazide duy nhất dường như không ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol. Thuốc lợi tiểu quai cũng làm tăng nồng độ LDL, nhưng một số loại thuốc này cũng làm giảm nhẹ nồng độ HDL.
Thuốc lợi tiểu thường rất cần thiết để hạ huyết áp nên các bác sĩ thường sẽ khuyến nghị thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục thường xuyên và các thay đổi lối sống khác thay vì ngừng thuốc.
Phần lớn, thuốc theo toa có thể làm tăng cholesterol chỉ được sử dụng khi cần thiết để điều trị các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng và bất kỳ sự gia tăng cholesterol nào cũng là tác dụng phụ tương đối nhỏ và có thể kiểm soát được. Ngoại lệ của quy tắc này là việc sử dụng steroid đồng hóa không theo chỉ định, khi đó sự thay đổi đáng kể về mức cholesterol là một biến chứng có khả năng nguy hiểm.
Mời xem thêm video được quan tâm:
5 thói quen xấu dễ tăng mỡ máu | SKĐS