Tài xế uống 1 lít rượu kéo lê xe máy 3km: Nồng độ cồn ở mức nguy hiểm ra sao?

Nồng độ cồn của lái xe Trần Minh Thành ở thời điểm xét nghiệm là 48,7mmol/l. Đây là mức độ nghiêm trọng có thể gây nhiều rủi ro cho cơ thể, cần can thiệp y tế ngay.

Tài xế Trần Minh Thành (41 tuổi) bị bắt khẩn cấp vì có hành vi uống rượu lái xe và kéo lê xe máy khoảng 3km tại đường tỉnh 305B (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) vào tối 21/2.

Trước đó, tài xế Thành uống khoảng 1 lít rượu rồi lái xe 4 chỗ, gây ra va chạm với người đi xe máy trên đường 305B. Sau tai nạn, đối tượng đã tăng ga bỏ chạy, kéo lê xe máy khoảng 3km.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an huyện Bình Xuyên triệu tập tài xế Thành lên trụ sở làm việc. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn của người này ghi nhận mức 48,7mmol/l.

Nồng độ cồn 48,7mmol/l là mức rất cao, có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Ở mức độ này, cồn ảnh hưởng rõ rệt đến nhiều cơ quan trong cơ thể:

Ức chế hệ thần kinh trung ương

Theo Viện nghiên cứu Quốc gia về Lạm dụng rượu và nghiện rượu Mỹ, nồng độ cồn 48,7mmol/l có thể ức chế mạnh mẽ hệ thần kinh trung ương. Khả năng hoạt động của não bị suy yếu, dẫn đến bối rối, buồn ngủ, giảm khả năng phối hợp các chuyển động. Chức năng nhận thức, bao gồm phán đoán và trí nhớ, cũng bị tác động, làm tăng nguy cơ dẫn tới hành vi nguy hiểm và tai nạn.

Tài xế Trần Minh Thành làm việc với cơ quan Công an. Ảnh: CACC

Tài xế Trần Minh Thành làm việc với cơ quan Công an. Ảnh: CACC

Suy giảm khả năng hô hấp

Ở mức cao, cồn can thiệp vào khả năng kiểm soát hô hấp của não, dẫn đến thở chậm, không đều, thậm chí ngừng thở. Người uống rượu bị hạ oxy máu, nguy cơ tử vong nếu không can thiệp kịp thời. Đây là một trong những hậu quả nguy hiểm và ngay lập tức của ngộ độc rượu khi nồng độ cồn trong máu cao.

Hạ thân nhiệt

Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ, cồn làm giãn các mạch máu gần bề mặt da, tạo cảm giác ấm áp, nhưng thực tế lại làm giảm thân nhiệt. Ở mức 48,7mmol/l, thân nhiệt có thể xuống mức nguy hiểm, làm chậm nhịp tim, gây mất ý thức và suy yếu các cơ quan, nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Gây bất ổn tim mạch

Với nồng độ cao như vậy, cồn ảnh hưởng mạnh đến hệ tim mạch. Nhịp tim có thể giảm xuống mức nguy hiểm, hạ huyết áp, dẫn đến máu không được cung cấp đầy đủ cho các cơ quan quan trọng. Cồn cũng làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim. Những tác động này có thể gây suy tim và nếu không được điều trị kịp thời, sẽ làm suy tạng, tử vong.

Nôn mửa, hít dịch nôn

Nồng độ cồn trong máu ở mức cao thường gây nôn mửa, nếu không được xử lý đúng cách có thể dẫn đến hít phải dịch nôn, gây viêm phổi, một tình trạng nghiêm trọng, đôi khi đe dọa tính mạng. Ngoài ra, người uống rượu có thể bị mê man, mất ý thức vì cồn sẽ làm tăng nguy cơ nghẹt thở.

Nguy cơ hôn mê và tử vong

Khi nồng độ cồn ở mức 48,7mmol/l, nguy cơ hôn mê trở nên nghiêm trọng. Người bệnh có thể mất ý thức và không thể phản ứng với các kích thích. Khi nồng độ cồn tiếp tục tăng hoặc bệnh nhân không được điều trị, nguy cơ tử vong càng rõ, chủ yếu do suy hô hấp, suy tim hoặc tổn thương não.

Theo Bộ Y tế, tác hại của cồn trong máu tới cơ thể như sau:

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tai-xe-uong-1-lit-ruou-keo-le-xe-may-3km-nong-do-con-o-muc-nguy-hiem-ra-sao-2374339.html
Zalo