6 câu cửa miệng của người thích đóng vai nạn nhân

Đồng cảm với khó khăn của người khác là điều cần thiết, nhưng bạn cũng cần tỉnh táo để nhận ra ai đó đang đóng vai nạn nhân nhằm đạt mục đích riêng.

1. "Bạn không hiểu đâu": Câu nói này tạo ra một rào cản vô hình giữa trải nghiệm cá nhân của họ và sự cảm thông từ bạn. Mục đích của việc sử dụng câu này là để bác bỏ mọi lời khuyên hay sự giúp đỡ mà bạn đưa ra, với lý do là bạn "không thể hiểu" được tình cảnh của họ. Bằng cách này, "nạn nhân" vẫn nắm giữ quyền kể về những khó khăn của mình và tiếp tục nhận được sự thương hại từ người khác mà không hề có ý định thay đổi thực tế.

2. "Mọi chuyện luôn diễn ra tồi tệ với tôi": Ai cũng phải đối diện với thử thách và gian nan, thế nhưng, một số người lại có xu hướng thường xuyên than vãn về những rủi ro đeo bám, hoặc phóng đại những chuyện không may của mình. Câu nói "Mọi chuyện luôn diễn ra tồi tệ với tôi" là một ví dụ điển hình. Nó khắc họa họ như thể là đối tượng thường xuyên hứng chịu những điều tồi tệ từ cuộc đời.

3. "Không ai hiểu tôi cả": Việc liên tục khẳng định rằng "không ai hiểu được những gì tôi đang trải qua" có thể khiến người nói luôn ở vai nạn nhân, từ đó dễ dàng thu hút sự chú ý và lòng thương hại từ những người xung quanh. Theo thời gian, điều này có thể trở thành một lối hành xử tiêu cực, khiến họ dựa dẫm vào sự cảm thông thay vì đối mặt và vượt qua khó khăn.

4. "Tôi không hề muốn điều này": Không ai mong muốn khó khăn đến với bản thân. Thế nhưng, cụm từ này lại là một "vũ khí" quen thuộc của những người thích đóng vai nạn nhân. Họ dùng nó để nhấn mạnh việc mình hoàn toàn bị động trong tình huống, từ đó củng cố câu chuyện về sự bất lực của bản thân và khơi gợi lòng thương hại từ người khác.

5. “Sao chuyện này cứ xảy ra với tôi mãi?”: Đây thường là một câu hỏi tu từ, không thực sự nhằm tìm kiếm câu trả lời. Thay vào đó, nó được dùng như một cách để gợi lòng thương hại và khắc họa một cuộc sống đầy rẫy những điều không may liên tiếp.

6. "Cuộc đời thật bất công với tôi": Câu nói này không chỉ là một lời than vãn đơn thuần, mà còn là biểu hiện của việc họ tự xem mình là người luôn chịu thiệt thòi, là nạn nhân của mọi hoàn cảnh. Họ thường có xu hướng đổ lỗi cho ngoại cảnh, cho số phận hoặc người khác thay vì nhìn nhận trách nhiệm cá nhân trong những gì xảy ra. Việc lặp đi lặp lại câu nói này không chỉ nhằm thu hút sự chú ý và lòng thương hại từ người khác, mà còn giúp họ biện minh cho sự bất lực hoặc thiếu hành động của chính mình.

Ngọc Bích

Ảnh: Pexels

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/6-cau-cua-mieng-cua-nguoi-thich-dong-vai-nan-nhan-post1547956.html
Zalo