Sinh viên 'thối não', kiệt sức vì dành hàng giờ lên mạng cãi nhau
Phương Nghi trở nên cáu kỉnh sau thời gian dài liên tục tranh cãi trên mạng xã hội, trong khi Thu Trà lo 'thối não' vì tiếp nhận nhiều thông tin ngắn, gây sốc nhưng ít giá trị.

Nhiều sinh viên dành hơn 5 giờ mỗi ngày để lên mạng hóng drama. Ảnh: Phương Lâm.
Mỗi sáng thứ hai đầu tuần, Phương Nghi (20 tuổi, sinh viên tại TP.HCM) lại nhận được thông báo về thời gian sử dụng điện thoại trong tuần. Trung bình mỗi ngày, cô dùng điện thoại khoảng 9-10 giờ, trong đó, thời gian sử dụng mạng xã hội đôi khi chiếm đến 70-80%.
Mỗi khi nhận được thông báo này, cô gái giật mình vì không nghĩ bản thân lại dùng mạng xã hội nhiều như vậy. Nhưng suy nghĩ lại, Nghi nhận ra bản thân đang bị cuốn vào vòng xoáy vô tận của việc sử dụng các ứng dụng này vì thích tham gia tranh luận.
“Mình thường lên mạng ‘combat’, nhất là với những bài đăng gây ra quan điểm trái chiều trên Facebook và Threads. Gần đây nhất, mình thường đi bình luận trong những bài viết nói về drama tình ái của ViruSs, bằng tiến sĩ của Thùy Tiên hoặc bê bối kẹo rau củ của Hằng Du Mục…”, Nghi kể với Tri Thức - Znews.
Dành trên 5 giờ mỗi ngày để hóng drama
Kể lại về những lần lên mạng cãi nhau, Nghi cho biết “địa điểm” cô thường tham gia trên Facebook là một hội nhóm chuyên để phản biện và một hội nhóm chuyên hóng drama trong nước, thế giới.
Với hội nhóm chuyên phản biện, Phương Nghi sẽ tham gia vào các chủ đề mà cô thấy hứng thú như lịch sử, bình đẳng giới…

Phương Nghi dùng mạng xã hội với tần suất thường xuyên vì đam mê tranh luận. Ảnh: NVCC.
Đặc biệt, dù chưa kết hôn, Nghi lại rất thích tranh luận chuyện hôn nhân, gia đình và sẽ ngay lập tức phản biện nếu ai đó có những ý kiến gay gắt, gây tổn thương người làm mẹ, làm vợ.
Còn với hội nhóm chuyên “hóng drama” trong nước và thế giới, nữ sinh TP.HCM sẽ tham gia tranh luận chủ đề liên quan nghệ sĩ, người nổi tiếng.
Là một người hâm mộ, khi bắt gặp những chủ đề bôi nhọ, gây hại đến hình ảnh của người mình yêu quý, Nghi có thể dành nhiều giờ để tranh cãi, đưa ra các bằng chứng nhằm bảo vệ thần tượng.
“Mình tranh luận nhiều, nhưng không phải là kiểu tranh luận mù quáng. Ví dụ, khi bảo vệ thần tượng, mình sẽ chỉ chọn lọc những chủ đề phỉ báng, mang tính bịa đặt. Còn nếu thần tượng của mình làm sai, mình sẽ chọn cách im lặng”, Nghi chia sẻ.
Giống như Phương Nghi, Phan Thanh, sinh viên tại Hà Nội, cũng dành hàng giờ mỗi ngày chỉ để lên Threads cãi nhau. Nữ sinh kể nền tảng này thường xuất hiện những bài đăng mang tính “nâng cao quan điểm”, đi ngược với đạo đức, chuẩn mực xã hội nên thường viral và thu hút hàng trăm, hàng nghìn lượt bình luận tranh cãi.
Khi gặp các bài viết gây khó chịu, Thanh cũng tham gia tranh luận, thậm chí mắng luôn chủ bài đăng. Cô cũng từng bị mắng lại bằng những lời khó nghe, thậm chí bị phân biệt giới tính hoặc xúc phạm ngoại hình vì lỡ để lộ ảnh cá nhân trên trang.
Không ít lần, tham gia cãi nhau kéo dài cả chục lượt bình luận, Thanh tức tối, quyết định kết thúc “cuộc chiến” bằng cách chặn những người không cùng ý kiến với mình. Nhưng sau đó, cô vẫn tiếp tục ôm điện thoại và bấm like cho những bình luận mà bản thân đồng tình.
Trong khi đó, không tranh cãi gay gắt trên mạng, song Thu Trà (sinh viên năm cuối tại Hà Nội) cũng có tới 6 mạng xã hội, từ Facebook, Instagram, TikTok, Threads đến Zalo, Locket, chủ yếu để hóng drama. Trung bình mỗi ngày, Trà dành tới 4-5 giờ, thậm chí hơn để lướt mạng xã hội.
“Cứ có thông báo là mình mở ra xem ngay, sợ bị bỏ lỡ”, Trà nói mỗi sáng ngủ dậy, thấy có thông tin chưa kịp cập nhật, cô sẽ cảm thấy tiếc, bị chậm so với mọi người. “Khi bạn bè bàn tán, mình lại ngơ ngác”.
Trà lý giải việc lướt mạng xã hội, “hóng drama” giúp cô giải trí, cập nhật thông tin, đồng thời có thêm góc nhìn mới để ứng dụng vào ngành học Xã hội học mà mình đang theo đuổi.
Bất kể chuyện gì, lĩnh vực nào, Trà đều biết từ sơ sơ đến tường tận. Không chỉ đọc nội dung hay xem video trên các nền tảng, nữ sinh còn đọc từng bình luận, tò mò xem nhân vật chính - phụ trong tranh cãi còn thông tin nào được cho là góc khuất không.
“Buổi tối đi ngủ, mình không ngủ ngay mà phải lướt màn hình 30 phút đến 1 giờ, có khi hơn, đến khuya rồi mới ngủ. Có hôm đang học trên lớp, mình cũng mở máy ra xem”, nữ sinh nói.
“Thối não” vì mạng xã hội
Mục đích ban đầu dùng mạng để giải trí, cập nhật thông tin, song Thu Trà thừa nhận bản thân tốn quá nhiều thời gian cho việc này. Trong khi đó, mạng xã hội ngày càng nhiều thông tin độc hại, vô bổ. Các cuộc tranh cãi nổ ra liên tục khiến nữ sinh không kịp “tiêu thụ”.
“Mình cảm thấy bị cuốn theo những thông tin tiêu cực. Năng lượng, tinh thần vì thế cũng mệt theo”, nữ sinh nói.

Thu Trà cảm thấy bị "thối não" do tiếp nhận thông tin ngắn, nghèo nàn về mặt giá trị quá nhiều. Ảnh: NVCC.
Thu Trà cũng nhắc đến thuật ngữ “brain rot” (thối não - PV), từ khóa được Oxford bình chọn là “Từ của năm 2024”. “Thối não” chỉ tình trạng suy thoái về tinh thần hoặc trí tuệ do tiêu thụ quá mức một loại nội dung “tầm thường hoặc không có thách thức”.
Nữ sinh đã cảm nhận được sự ảnh hưởng này, khi bản thân có thể dễ mất tập trung cho những việc cần nhiều thời gian hơn.
“Mình cũng lo ngại thế hệ mình hay thế hệ sau sẽ bị ‘thối não’ như trên, dần dần nhận thức sẽ bị lệch lạc”, Trà nhìn nhận.
Trong khi đó, dù biết cãi nhau trên mạng không tốt cho tinh thần, Phan Thanh vẫn không thể dừng lại, thậm chí đắm chìm và dành nhiều thời gian cho việc đó.
Mạng xã hội và những dòng tranh luận không ngừng nghỉ khiến nữ sinh ngày càng mất tập trung. Đôi lúc, dù đang quay cuồng với bài tập, cô vẫn phải dừng để lên mạng hóng chuyện, bình luận cãi nhau rồi quên luôn việc học.
Từng xóa mạng xã hội để thử “thanh lọc” bản thân sau những cuộc chiến căng thẳng trên mạng, nhưng cuối cùng, Thanh vẫn đầu hàng, phải tải lại để dùng vì “không dùng thì bứt rứt”.
Kết quả, cô vẫn không thể thoát khỏi những năng lượng tiêu cực do người khác và bản thân tạo ra, đành tự biến mình thành “nô lệ” của mạng xã hội.
Giống như Thu Trà và Phan Thanh, sau một thời gian dài sa vào mạng xã hội và bị cuốn vào vòng lặp vô tận của những sự tranh cãi, Phương Nghi nhận thấy sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần của bản thân ngày càng tệ đi.
Nhiều hôm, cô thức đến tận 3h chỉ để cãi nhau với người lạ trên mạng. Kết quả, nữ sinh tới lớp trong tình trạng kiệt quệ, ngủ gà ngủ gật và không thể học bài.
Mải mê “combat” cũng khiến Nghi trở nên cáu kỉnh, cọc cằn và khó chịu hơn trước. Nữ sinh tự nhận thấy việc cãi nhau trên mạng vô tình mang lại rất nhiều năng lượng tiêu cực. Bản thân cô “hút” những năng lượng đó, rồi tiếp tục “truyền” cho những người xung quanh.
“Tính khí mình khó chịu hơn trước, cũng bị ‘thối não’. Giả sử, mình dành 1-2 giờ cãi nhau trên mạng, nguyên ngày hôm đó, mình không thể tập trung làm gì khác vì chỉ nghĩ đến chủ đề cãi nhau. Thậm chí, trước khi ngủ, mình vẫn nghĩ đến chuyện đó rồi tự ấm ức vì lúc tranh luận không nghĩ ra được luận điểm hay hơn”, Phương Nghi chia sẻ.