Nguyên nhân đau họng về đêm và cách giảm đau nhanh tại nhà

Nếu cảm thấy cổ họng thường xuyên ngứa ngáy, khó chịu thậm chí nóng rát hoặc đau họng về đêm, hãy thận trọng với một số nguyên nhân sức khỏe tiềm ẩn cần thăm khám bác sĩ sớm.

1. Đau họng về đêm là bệnh gì?

Theo Medical News Today, đau họng ban đêm có thể do các nguyên nhân dưới đây. Lưu ý các thông tin này không thể thay cho chẩn đoán của bác sĩ tại bệnh viện:

- Không khí trong phòng quá khô: Khi không khí trong phòng quá khô, niêm mạc ở cổ họng cũng sẽ trở nên khô và dễ kích ứng hơn dẫn tới viêm đau. Cả lò sưởi hay điều hòa đều có thể khiến không khí bạn hít vào khô hơn và đây cũng chính là lý do tại sao bạn thường bị đau họng về đêm, nhất là người có thói quen thở bằng miệng khi ngủ.

Khi không khí trong phòng quá khô, cổ họng cũng sẽ trở nên khô và dễ kích ứng hơn dẫn tới viêm đau (Ảnh: ST)

Khi không khí trong phòng quá khô, cổ họng cũng sẽ trở nên khô và dễ kích ứng hơn dẫn tới viêm đau (Ảnh: ST)

- Chảy dịch mũi sau: Chảy dịch mũi sau là tình trạng dịch từ mũi chảy xuống thành họng sau gây kích ứng, tệ hơn khi nằm xuống. Lúc này tình trạng đau họng có thể xảy ra ở một hoặc đau họng cả hai bên do bạn thường xuyên phải hắng giọng hoặc ho khạc.

Có nhiều nguyên nhân gây chảy dịch mũi sau, gồm: Đồ ăn cay, tiếp xúc với chất gây dị ứng, sự thay đổi thời tiết, tác dụng phụ của thuốc, lệch vách ngăn mũi, các nhiễm trùng đường hô hấp.

Các triệu chứng chảy dịch mũi sau khác có thể gặp gồm: Hơi thở có mùi hôi thối, buồn nôn vì dịch nhầy xuống dạ dày, thường xuyên phải hắng giọng hoặc nuốt liên tục, cơn ho nghiêm trọng hơn về đêm.

- Dị ứng: Tiếp xúc với các chất gây dị ứng trong suốt một ngày dài có thể là nguyên nhân khiến bạn bị đau họng vào cuối ngày, bao gồm cả đau họng vào ban đêm. Dị ứng có thể theo mùa hoặc xảy ra quanh năm. Các chất gây dị ứng tiềm ẩn có thể bao gồm: Vảy da chết hoặc lông thú cưng, phấn hoa, bụi, khói thuốc lá, không khí ô nhiễm,...

Các triệu chứng dị ứng phổ biến có thể kể đến như: Ngứa mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt, sổ mũi, ho.

Trong đó, viêm mũi dị ứng có thể gây đau họng. Đau họng do dị ứng lúc này là kết quả của tình trạng chảy dịch mũi sau khi hệ thống miễn dịch kích hoạt sản xuất chất nhầy để giữ lại các chất gây dị ứng xâm nhập vào mũi. Chất nhầy tích tụ ở phía sau cổ họng có thể gây khó chịu và đau họng.

Tiếp xúc với các chất gây dị ứng trong suốt một ngày dài có thể là nguyên nhân khiến bạn bị đau họng vào cuối ngày (Ảnh: ST)

Tiếp xúc với các chất gây dị ứng trong suốt một ngày dài có thể là nguyên nhân khiến bạn bị đau họng vào cuối ngày (Ảnh: ST)

- Sử dụng giọng nói quá mức: Nếu bạn sử dụng giọng nói quá mức với âm lượng to vào ban ngày liên tục thì bạn có thể cảm thấy đau họng về đêm do thanh quản bị tổn thương hoặc căng cơ cổ họng quá mức.

- Trào ngược axit dạ dày - thực quản: Trào ngược axit là triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD), xảy ra khi axit dạ dày trào ngược vào thực quản, cổ họng và miệng. Tình trạng trào ngược axit thường tệ hơn khi nằm xuống hoặc ngay sau bữa ăn. Lúc này, trào ngược axit có thể gây đau họng, nóng rát ngực nếu axit trào lên cổ họng trong thời gian dài khiến niêm mạc họng bị kích ứng, tổn thương.

Bên cạnh đau họng, trào ngược axit dạ dày - thực quản có thể gây ra các triệu chứng gồm: Khó nuốt, miệng có vị chua, ợ nóng hoặc khó chịu ở ngực.

- Nhiễm trùng họng do virus hoặc vi khuẩn:Đau họng dữ dội và không thuyên giảm sau khi ăn hoặc uống có thể liên quan tới các tình trạng nhiễm trùng họng do virus hoặc vi khuẩn, có thể kể đến như: Viêm họng liên cầu khuẩn, viêm amidan, bệnh bạch hầu, cúm, cảm lạnh thông thường.

Một vài dấu hiệu của nhiễm trùng họng bao gồm: Đau họng nghiêm trọng ảnh hưởng tới việc nói chuyện, ngủ hoặc ăn uống; sưng amidan, giả mạc trắng hoặc mủ trên amidan hay thành sau họng, sốt, ớn lạnh, chán ăn, hạch bạch huyết sưng to, đau ở cổ, đau đầu, mệt mỏi, yếu ớt.

- Ung thư: Mặc dù hiếm gặp nhưng đau họng mãn tính, thường xuyên tái phát có thể là một dấu hiệu của ung thư vùng họng, chẳng hạn như ung thư thanh quản, ung thư ha họng. Cả hai loại ung thư này đều có thể khiến bạn bị đau họng dai dẳng, bao gồm cả đau họng về đêm.

Các triệu chứng ung thư vùng họng cần chú ý gồm: Đau khi nuốt, khó nuốt, ho dai dẳng, đau tai, cục u ở cổ, chán ăn và giảm cân không rõ nguyên nhân.

2. Cách giảm đau họng vào ban đêm

Việc điều trị nguyên nhân đau họng về đêm sẽ giúp giảm và loại bỏ tình trạng đau họng của bạn. Chẳng hạn nếu đau họng liên quan tới nhiễm trùng do virus cúm, cảm lạnh thì khi nhiễm trùng được điều trị và đào thải thì cơn đau họng cũng sẽ thuyên giảm.

Để giảm đau họng tại nhà, bạn có thể thử các cách sau:

- Ưu tiên nghỉ ngơi và uống đủ nước để cổ họng luôn ẩm và ngăn ngừa mất nước. Bạn có thể sử dụng thêm các thiết bị bù ẩm như máy phun sương, máy lọc không khí.

- Súc miệng bằng nước muối ấm nhiều lần trong ngày.

- Sử dụng viên kẹo ngậm dịu họng cho trẻ trên 5 tuổi và người lớn.

- Rửa xoang mũi bằng nước muối ấm và bình rửa mũi chuyên dụng.

- Uống đồ uống ấm như nước chanh mật ong (trừ trẻ dưới 12 tháng tuổi), trà gừng, trà chanh ấm, trà cam thảo, trà xanh,... Tuy nhiên cần tránh uống ngay trước khi đi ngủ bởi bạn có thể phải thức dậy nhiều lần hơn để tiểu tiện, làm gián đoạn giấc ngủ. Nếu như cơn đau họng về đêm khiến bạn thức giấc, có thể để một cốc nước ấm bên cạnh giường và uống ngụm nhỏ để làm dịu họng.

- Thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen có thể giúp giảm đau họng về đêm, giúp bạn dễ ngủ hơn.

Thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen có thể giúp giảm đau họng về đêm, giúp bạn dễ ngủ hơn (Ảnh: ST)

Thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen có thể giúp giảm đau họng về đêm, giúp bạn dễ ngủ hơn (Ảnh: ST)

Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cơn đau họng sẽ khiến trẻ khó chịu và cần những biện pháp giảm đau họng khác với người lớn. Đầu tiên bạn vẫn cần làm ẩm không khí mà trẻ hít thở, lưu ý vệ sinh máy bù ẩm hay phun sương sạch sẽ; khuyến khích trẻ uống càng nhiều nước càng tốt, tránh nước trái cây có tính axit cao có thể gây kích ứng họng; không nên cho trẻ dưới 5 tuổi ngậm kẹo cứng vì có thể gây nghẹn,...

3. Đau họng về đêm khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhìn chung, nếu bạn không chắc chắn về nguyên nhân gây đau họng về đêm là gì hoặc cơn đau họng kéo dài trên 1 tuần thì việc thăm khám bác sĩ sớm là cần thiết. Khi khám, hãy cho bác sĩ biết về cảm giác đau họng và bất kỳ triệu chứng nào khác mà bạn gặp phải, cảm giác đau họng xuất hiện khi nào và điều gì khiến cơn đau họng về đêm giảm nhẹ hoặc tăng nặng hơn,...

Nếu bạn bị đau họng kèm theo các triệu chứng này, hãy nhanh chóng kiểm tra với bác sĩ: Đau khi nuốt hoặc khi nói, sưng hạch bạch huyết ở cổ, các mảng trắng giả mạc hoặc mủ ở thành sau họng, phát ban da, đờm hoặc nước bọt có lẫn máu, sốt, sờ nắn thấy một khối u ở vùng họng, chảy nước dãi liên tục, chóng mặt và khó thở.

Châu Anh (Tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguyen-nhan-dau-hong-ve-dem-va-cach-giam-dau-nhanh-tai-nha-20250423090733281.htm
Zalo