50 năm non sông nối liền một dải: Ký ức không quên của người cựu binh

Trong những ngày mà cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện cùng cựu chiến binh Nguyễn Đức Lập, trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn - chiến sĩ giải phóng quân trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

“Những ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên/Máu xương họ đã xây nền độc lập/Đại thắng mùa Xuân, chiến dịch thần tốc/Mỗi nghĩa trang, một cột mốc vinh quang/Những người lính gặp nhau thật hiên ngang/Cả cuộc đời chẳng màng chức tước/Họ đã sống trọn tình non nước/Chiếc huy chương của mình được đồng đội đeo thay”.

Đó là những câu thơ đầy nghẹn ngào mà ông Lập đọc trong buổi tọa đàm gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) do UBND phường Chi Lăng tổ chức vào trung tuần tháng 4 vừa qua.

Ông Lập kể chuyện cách mạng cho cháu nội nghe

Ông Lập kể chuyện cách mạng cho cháu nội nghe

Ông Lập sinh năm 1955, năm 17 tuổi, khi nhìn bạn bè cùng trang lứa lần lượt lên đường tòng quân cứu nước, ông Lập khao khát được khoác lên mình bộ quân phục màu xanh áo lính, song thuở đó, chàng thanh niên trẻ chỉ nặng vỏn vẹn 42kg. Sau 2 lần khám lính không đạt chỉ tiêu, ông Lập quyết định “ăn gian” để được nhập ngũ. Ông kể lại: Vì không đủ cân nặng nên tôi đã lén đeo thêm vài cân sắt vào 2 bắp chân, khi lên cân tôi vừa tròn 45kg, vậy là tôi được nhập ngũ vào tháng 10/1973 khi vừa tròn 18 tuổi và được biên chế vào Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 thuộc Quân khu 5.

Sau thời gian dài huấn luyện, đầu năm 1975, ông Lập nhận lệnh hành quân vào miền Nam, chi viện cho chiến trường miền Nam lúc bấy giờ đang hết sức khốc liệt. Với khí thế hừng hực và lòng căm thù giặc sâu sắc, chàng chiến sĩ trẻ hòa mình cùng các đồng đội, mỗi người mang trên mình hơn 30kg quân tư trang băng băng tiến về miền Nam ruột thịt.

Nhớ về những ngày chiến đấu quên mình vì Tổ quốc, ông Lập xúc động kể: Tôi nhớ rất rõ ngày 26/4/1975, tại rừng cao su, chỉ huy đơn vị phổ biến về mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến dịch mang tên Bác: Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đúng 17 giờ cùng ngày, quân ta nổ súng bắt đầu cuộc tiến công lớn vào Sài Gòn, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ 5 hướng Tây - Bắc, Đông - Bắc, Đông, Đông - Nam, Tây và Tây - Nam, các binh đoàn thọc sâu có xe tăng dẫn đầu, đập tan các khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch, tiếp cận Sài Gòn. Khi đó, tiểu đoàn của tôi nhận nhiệm vụ đánh hướng Đông Nam Sài Gòn (thuộc Vũng Tàu). Đúng 10 giờ 30 ngày 30/4/1975, Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng.

Sau khi giải phóng Vũng Tàu, đơn vị của ông Lập cử một đội quân ra Côn Đảo để giải phóng Côn Đảo, còn ông Lập ở lại Vũng Tàu và rồi nghe tin chiến thắng qua radio. Dù không được tận mắt chứng kiến khoảnh khắc cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, song, tin chiến thắng khiến những người lính mới tuổi đôi mươi như ông Lập vỡ òa cảm xúc bởi ao ước về ngày thống nhất cuối cùng cũng thành hiện thực, 2 miền Nam Bắc được sum họp, những người lính rồi sẽ được trở về với gia đình.

Bức ảnh kỷ niệm của ông Lập chụp cùng bạn sau khi giải phóng Vũng Tàu ngày 30/4/1975

Bức ảnh kỷ niệm của ông Lập chụp cùng bạn sau khi giải phóng Vũng Tàu ngày 30/4/1975

Trong khói lửa chiến tranh, những người lính như ông Lập phải trải qua biết bao nhiêu gian khổ, thiếu thốn, có khi phải chia nhau từng vắt cơm, mẩu lương khô bé tẹo. Chính những năm tháng gian nan ấy đã có những câu chuyện đẹp về tình người, ngay cả đối với địch. Ông Lập nhớ lại: Trong một lần đang nhận lệnh bắn thì chúng tôi gặp một tên sĩ quan ngụy tháo chạy bằng xe máy, phía sau chở một người phụ nữ. Thấy chúng tôi, người này giơ tay đầu hàng, ngay lập tức, tiểu đội trưởng của chúng tôi hô lệnh không bắn vì họ đã đầu hàng và hơn hết là có phụ nữ đi cùng. Bởi chúng tôi đều nhớ lời dặn của Bác Hồ là phải nêu cao tinh thần nhân đạo.

Những kỷ niệm sâu sắc nhất về một thời oanh liệt, nhất là khoảng thời gian tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh được ông Lập gìn giữ, ghi lại trong một cuốn hồi ký được ông viết tay từ năm 1976. Nhìn ông Lập lật từng trang hồi ký, với những trang giấy, nét bút đã nhuốm màu thời gian, song qua mỗi câu chữ đều chứa đựng bao cảm xúc, bao giấc mơ về ngày đất nước thống nhất của người lính trẻ, chúng tôi cảm nhận được rõ hành trình, khát vọng của chàng chiến sĩ giải phóng quân, từ những ngày đầu bỡ ngỡ nhập ngũ, miệt mài huấn luyện đến khi hành quân vào miền Nam và được trực tiếp cầm súng, góp sức mình cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Nói về lý do viết cuốn hồi ký này, ông Lập cười nói: Lúc trẻ còn nhớ được gì thì tranh thủ viết lại để sau này còn có cái làm kỷ niệm và cũng là để cho con cháu được biết ông cha mình đã một thời chiến đấu oanh liệt đến vậy. Giờ có tuổi rồi, trí nhớ ngày càng giảm nên cuốn nhật ký này là “của để dành” của tôi đấy!

Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh, năm 1976, ông Lập trở lại miền Bắc và đi học sĩ quan tại Trường Quân chính Quân khu 3 ở Hải Dương. Những năm sau đó, ông Lập vẫn tiếp tục tham gia các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Sau nhiều năm cầm súng chiến đấu, ông Lập được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Nhất, huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Huy chương Kháng chiến hạng Nhì...

Đến năm 1990, ông Lập phục viên trở về địa phương. Được sự tín nhiệm của cử tri và tổ chức phân công, từ năm 2004 đến năm 2015, ông Lập giữ các chức vụ như: Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND phường Chi Lăng, đại biểu HĐND phường, rồi được nghỉ theo chế độ. Trong những năm công tác, ông Lập luôn phát huy tinh thần người lính, nêu cao trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, được các cấp, ngành ghi nhận, biểu dương.

Ông Nguyễn Hữu Đông, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Chi Lăng chia sẻ: Ông Nguyễn Đức Lập là hội viên Hội cựu chiến binh, ông luôn gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, quy định của địa phương và đã được các cấp hội cựu chiến binh biểu dương, khen thưởng.

Ngọn lửa chiến tranh đã tắt nhưng ký ức về những trận chiến quyết liệt đã khắc sâu vào tâm hồn của các cựu chiến binh để rồi giờ đây, khi mà cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thì những ký ức đó trở thành câu chuyện để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, để thế hệ đi sau phát huy truyền thống anh hùng, kiên trung của cha anh đi trước, đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

DƯƠNG KIM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/50-nam-non-song-noi-lien-mot-dai-ky-uc-khong-quen-cua-nguoi-cuu-binh-5045549.html
Zalo