50 năm, ngày chiến thắng trở về
Ngày 30/4/1975, mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc, không chỉ đánh dấu ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mà còn là ngày trở về đầy xúc động của hàng ngàn chiến sĩ cách mạng từng bị địch giam giữ ở các nhà tù như 'địa ngục trần gian'. 50 năm sau khúc khải hoàn ca ấy, họ lại hội ngộ, cùng nhau tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống và nhắc nhớ một thời không tiếc xương máu, giữ trọn khí tiết, anh dũng kiên trung để đổi lấy ngày đất nước được độc lập, tự do.

Các chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày ngày gặp mặt
• NHỮNG TRÁI TIM KIÊN CƯỜNG
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hơn 170 cán bộ, chiến sĩ và cơ sở cách mạng từng bị địch bắt, tù đày đã có dịp hội ngộ trong buổi gặp mặt ý nghĩa do Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Trong không khí trang trọng, các đại biểu cùng nhau ôn lại những năm tháng đầy gian khổ, nhưng kiên cường, bất khuất nơi lao tù của thực dân, đế quốc.
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, hàng triệu người con đất Việt đã hiến dâng tuổi xuân, máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tại Lâm Đồng, nhiều cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng đã bị địch bắt, giam cầm và tra tấn dã man trong những nhà tù như: Côn Đảo, Phú Quốc, Hỏa Lò, Phú Lợi, Chí Hòa, Phú Tài... cùng hàng trăm trại giam khác trên khắp miền Nam. “Chính trong bóng tối của những nhà tù khắc nghiệt ấy, nơi kẻ thù dùng mọi thủ đoạn để khuất phục ý chí cách mạng, các chiến sĩ vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản, một lòng kiên trung với Đảng và Nhân dân”, bà Trần Thị Thảo - Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh chia sẻ.
Từ “những địa ngục trần gian” ấy, biết bao câu chuyện về lòng quả cảm được viết nên bằng máu, nước mắt và niềm tin son sắt vào lý tưởng cách mạng. Như câu chuyện đau thương của bà Nguyễn Thị Xuân (bí danh Xu Nguyên), trước những cực hình man rợ của kẻ thù, bà vẫn cắn răng chịu đựng, không khai nửa lời, để rồi hy sinh anh dũng ở tuổi 31, mang theo đứa con 6 tháng chưa kịp chào đời. Hay liệt sĩ Nguyễn Thị Tràng, cô giao liên nhỏ tuổi kiên cường quyết giữ bí mật nơi đóng quân, địch điên cuồng đánh đập, hãm hiếp và giết chết người con gái tuổi đời mới 15. Kể đến đây, bà Thảo nghẹn lời vì xúc động.
Còn có những tấm gương quả cảm, không khuất phục trước bạo tàn, như ông Ngô Duy Hoàng đã tham gia trừng trị tên trật tự ác ôn tại nhà tù Côn Đảo; ông Mai Bốn (tức Mai Thanh Minh) tham gia cách mạng khi mới 13 tuổi, bị bắt, đày ra Côn Đảo và Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt, tại đây, ông đã tự mổ bụng mình để đòi quyền dân sinh, dân chủ cho người tù. Những người mẹ như Nguyễn Thị Phú, Lê Thị Ve, mẹ Năm Mên... tuy giản dị nhưng phi thường, âm thầm đào hầm, nuôi giấu cán bộ, bảo vệ vũ khí, giữ gìn mạch máu cách mạng giữa lòng địch. Khi bị bắt, họ vẫn kiên trung bảo vệ tổ chức.
Và còn rất nhiều cán bộ, chiến sĩ và gia đình cơ sở cách mạng đã chịu đựng tra tấn dã man tại các nhà tù nhưng vẫn kiên cường giữ vững niềm tin vào Đảng và cách mạng. Ghi nhận những hy sinh to lớn đó, sau ngày đất nước thống nhất, hơn 1.000 chiến sĩ tỉnh Lâm Đồng đã được Đảng và Nhà nước trao tặng kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày”.
• PHÁT HUY TINH THẦN BẤT KHUẤT, NGHĨA TÌNH
50 năm sau, khi đất nước đã được thống nhất, những người từng trải qua đau thương, mất mát trong những nhà tù đế quốc, gặp lại nhau. Trong buổi gặp mặt đầy xúc động ấy, những người còn sống sót không khỏi ngậm ngùi khi nhớ về đồng đội đã hy sinh trong những năm tháng tăm tối, chưa kịp thấy ngày đất nước hòa bình. Bà Trần Thị Thảo - Chủ tịch Hội chia sẻ: “Ngày đất nước thống nhất cũng là ngày giải phóng các nhà tù, các chiến sĩ chính thức được tự do, vì vậy Tỉnh Hội quyết định tổ chức buổi gặp mặt này. Dù điều kiện khó khăn, sức khỏe không còn như xưa, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực gặp lại nhau. Đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ, tri ân các đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc mà còn là cơ hội để chúng tôi sống lại những khoảnh khắc hào hùng, tận hưởng phút giây vô giá của tự do, hòa bình”.
Dù tuổi đã ngoài 80, bà Võ Thị Tá (xã Xuân Trường, TP Đà Lạt) vẫn có mặt tại buổi gặp mặt kỷ niệm. Nguyên là Bí thư Chi bộ thôn Xuân Sơn, bà từng bị địch bắt giam tại nhà tù Đà Lạt nhưng kiên cường giữ vững khí tiết cách mạng. Được thả, bà tiếp tục hoạt động, góp công sức cho ngày giải phóng. “Gặp lại những chiến sĩ từng cùng hoạt động cách mạng và bị bắt tù đày năm xưa, tôi rất xúc động. Một thời đấu tranh gian khổ nhưng lý tưởng vô cùng cao đẹp”, bà chia sẻ.
Cùng chung cảm xúc đó, trong ngày gặp mặt, các chiến sĩ từng bị địch bắt tù đày tay bắt mặt mừng, những câu chuyện về một thời cùng chung lao tù, kiên cường vượt qua gian khổ ùa về như mới hôm qua.
Xúc động phát biểu tại buổi lễ, ông Đinh Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và sự kính trọng chân thành đối với những hy sinh, cống hiến bền bỉ và thầm lặng của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, đã kiên cường đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ông tin tưởng rằng, các chiến sĩ cách mạng kiên trung năm xưa sẽ tiếp tục phát huy tinh thần “Kiên trung, bất khuất, tình nghĩa, thủy chung”, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng phát triển, văn minh, phồn vinh và hạnh phúc.
50 năm trôi qua, ký ức lao tù vẫn khắc sâu trong tim những người chiến sĩ kiên trung. Cuộc hội ngộ hôm nay không chỉ là dịp tri ân đồng đội đã ngã xuống, mà còn là lời nhắc nhở thế hệ mai sau về giá trị của độc lập, tự do, để từ đó tiếp tục nỗ lực gìn giữ, xây dựng và phát triển đất nước.