5 năm thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội: Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đôBài 3: Nỗ lực thu hẹp khoảng cách miền núi và đô thị

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình) của thành phố Hà Nội giai đoạn I từ 2021 đến 2025 vẫn còn một số khó khăn, thách thức.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Dân tộc và Tôn giáo thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân phát biểu tại buổi làm việc với huyện Ba Vì. Ảnh: Đình Hiệp

Phó Giám đốc phụ trách Sở Dân tộc và Tôn giáo thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân phát biểu tại buổi làm việc với huyện Ba Vì. Ảnh: Đình Hiệp

Dù trình độ phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được nâng lên, song vẫn còn khoảng cách chênh lệch so với vùng đồng bằng và đô thị của thành phố.

Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

Thuộc vùng bán sơn địa, Trần Phú là xã duy nhất của huyện Chương Mỹ có đồng bào dân tộc Mường đang sinh sống tại thôn Đồng Ké. Là xã có nền kinh tế thuần nông nên việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng lớn của xã gặp nhiều khó khăn. Mặc dù xã đã được đầu tư, nhưng đến nay, một số tuyến giao thông nông thôn, nội đồng bị xuống cấp; một số công trình văn hóa chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp cùng với những thiết chế đi kèm để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân trên địa bàn.

Từ những khó khăn trên, Chủ tịch UBND xã Trần Phú Nguyễn Văn Long mong muốn các cấp, ngành liên quan của thành phố Hà Nội điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để xã phát triển du lịch sinh thái, tâm linh; sản xuất nông nghiệp sạch, chuyên canh hàng hóa, hoa, cây cảnh. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt về xã; tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng chưa được bê tông hóa.

“Dù đồng bào DTTS sinh sống tập trung ở thôn Đồng Ké, nhưng đều sử dụng chung cơ sở vật chất của xã Trần Phú. Vì thế, chúng tôi mong muốn thành phố quan tâm để đời sống của bà con được nâng lên. Trong đó, quan tâm đầu tư xây dựng nhà sàn của đồng bào DTTS trong thôn vì xuống cấp nhiều năm nay, nguy hiểm đến tính mạng của người dân khi tổ chức sinh hoạt cộng đồng”, ông Nguyễn Văn Long kiến nghị.

Chương trình giai đoạn 2021-2030 của thành phố đề ra chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người tăng bình quân 20%/năm; đến năm 2025 cơ bản bằng mức thu nhập bình quân khu vực nông thôn đồng bằng của huyện. Định hướng đến năm 2030, mức sống và thu nhập của nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng đồng bằng của huyện.

Tuy nhiên, đến nay, đi qua gần nửa chặng đường, nhiều xã DTTS và miền núi của thành phố chưa đạt được chỉ tiêu đề ra vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trên địa bàn xã Minh Quang có nghề làm miến dong nhưng chưa có đơn vị nào bao tiêu đầu ra. Ảnh: CTV

Trên địa bàn xã Minh Quang có nghề làm miến dong nhưng chưa có đơn vị nào bao tiêu đầu ra. Ảnh: CTV

Trong đó, huyện Ba Vì mới đạt thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 10-12%/năm. Lý giải về nguyên nhân này, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang Nguyễn Mạnh Thước cho biết, đa số người dân trên địa bàn xã sống bằng nghề nông nghiệp nên thu nhập hằng năm bấp bênh. Trên địa bàn xã có nghề làm miến dong nhưng chưa có đơn vị nào bao tiêu đầu ra.

“Giá cả do thương lái đưa ra, nên thường họ "ép" bao nhiêu, người nông dân bán bấy nhiêu. Vì thế, việc tăng thu nhập cho người dân nơi đây là bài toán khó vẫn chưa có lời giải”, ông Nguyễn Mạnh Thước bày tỏ.

Để góp phần giải quyết bài toán nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho rằng cần phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng DTTS. Trong đó, làm tốt công tác quy hoạch đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo vùng; đồng thời, có sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sát với thực tế.

“Cần tập trung nguồn lực đầu tư thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các chương trình, chính sách, kế hoạch đã đề ra. Trong đó, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS miền núi để giải quyết cơ bản đói nghèo”, ông Nguyễn Đức Anh nhấn mạnh.

Cần thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù

Để thực hiện hiệu quả Chương trình giai đoạn tiếp theo trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho rằng, cần khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch sinh thái, kết hợp nuôi trồng thủy sản và trồng cây hoa sen, cây thuốc nam.

Trong đó, lấy phát triển nông nghiệp làm căn bản, từng bước ứng dụng các tiến bộ, khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đồng thời, phát huy lợi thế tiềm năng, đặc biệt là vùng chuyên canh hoa sen, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Quốc Oai cũng gặp một số khó khăn. Cụ thể, việc huy động nguồn lực từ nhân dân đóng góp và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện các chương trình ở địa phương gặp nhiều khó khăn, vì người dân được hưởng lợi là thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào DTTS, ngân sách của huyện còn hạn chế.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng, một số nội dung lần đầu tiên triển khai thực hiện, do đó, có sự lúng túng, chậm trễ trong việc tổng hợp, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.

Để triển khai hiệu quả Chương trình giai đoạn tiếp theo, huyện Quốc Oai kiến nghị UBND thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư mọi mặt để huyện xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến một số chính sách hiệu quả chưa cao, chưa thường xuyên, liên tục. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn của huyện và chính quyền cơ sở có lúc còn chưa được nhịp nhàng, chế độ thông tin báo cáo của các ngành liên quan có lúc chưa kịp thời.

Thời gian tới, huyện Thạch Thất kiến nghị Trung ương, thành phố tiếp tục có những cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù cho địa bàn vùng DTTS, người đồng bào DTTS, nhằm khuyến khích, động viên đồng bào, qua đó góp phần đảm bảo cuộc sống của người DTTS về cả tinh thần và vật chất.

Các xã DTTS và miền núi kiến nghị mở các lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu về văn hóa dân tộc Mường cho thế hệ trẻ để bảo tồn và lưu truyền mãi về sau. Ảnh: CTV

Các xã DTTS và miền núi kiến nghị mở các lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu về văn hóa dân tộc Mường cho thế hệ trẻ để bảo tồn và lưu truyền mãi về sau. Ảnh: CTV

Là người có uy tín của xã Yên Trung (huyện Thạch Thất), ông Đinh Quang Thọ quan tâm đến các giải pháp cũng như sự hỗ trợ của các cấp chính quyền thành phố để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào DTTS.

“Lớp trẻ hiện nay có nhiều mối quan tâm khác nên bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Mường cũng gặp khó khăn. Chúng tôi mong rằng thành phố cũng như huyện tiếp tục quan tâm đầu tư, trong đó hỗ trợ kinh phí duy trì các CLB cồng chiêng. Đồng thời, có các chuyên gia hỗ trợ đào tạo cho các thế hệ trẻ hiểu và bảo tồn văn hóa dân tộc mình”, ông Thọ kiến nghị.

Nêu thực tế các thiết chế văn hóa ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn lạc hậu do thiếu kinh phí - dẫn ví dụ một bộ chiêng để nghe được phải đầu tư trên 50 triệu đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) Nguyễn Thị Ngọc Hà cho rằng cần có giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào DTTS.

“Chúng tôi mong rằng thành phố tiếp tục quan tâm các xã miền núi của huyện nói chung, xã Vân Hòa nói riêng. Trong đó, có thể mở các lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu về văn hóa dân tộc Mường cho các thế hệ trẻ để bảo tồn và lưu truyền mãi về sau”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà bày tỏ.

Báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy, việc thực hiện chính sách văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào DTTS luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố quan tâm triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực để thực hiện công tác chuyên môn tại địa phương còn thiếu, chưa được đào tạo chuyên môn về công tác dân tộc nên còn gặp khó khăn trong quá trình nghiên cứu. Nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng, bảo tồn các công trình văn hóa, thiết chế văn hóa còn hạn chế nên việc triển khai thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu.

Vì thế, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kiến nghị các cấp tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại một số Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã để đồng bào DTTS có điểm tập luyện thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về công tác dân tộc cho các cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên từ cấp thành phố đến cơ sở; quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy chữ dân tộc.

Cùng với đó, có chính sách ưu tiên đối với giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở có bằng sư phạm là người DTTS, có kiến thức, hiểu biết về tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình và được bố trí giảng dạy phù hợp tại các trường có đông đồng bào DTTS.

(Còn nữa)

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/5-nam-thuc-hien-nghi-quyet-so-88-2019-qh14-cua-quoc-hoi-doi-thay-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-thu-do-bai-3-no-luc-thu-hep-khoang-cach-mien-nui-va-do-thi-701056.html
Zalo