5 câu hỏi thường gặp về hội chứng Budd-Chiari

Hội chứng Budd-Chiari (tắc tĩnh mạch gan do dòng vào nhiều hơn dòng ra) là một rối loạn hiếm gặp, trong đó các tĩnh mạch dẫn máu ra khỏi gan (tĩnh mạch gan) bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp do cục máu đông. Tình trạng này gây ra ứ máu trong gan, dẫn đến tổn thương gan và các biến chứng nghiêm trọng.

1. Đông y có chữa được hội chứng Budd-Chiari không?

Nội dung

1. Đông y có chữa được hội chứng Budd-Chiari không?

2. Hội chứng Budd-Chiari có nguy hiểm không?

3. Hội chứng Budd-Chiari có chữa khỏi không?

4. Cách chăm sóc người mắc hội chứng Budd-Chiari tại nhà

5. Chi phí khám điều trị hội chứng Budd-Chiari

Đông y không thể chữa khỏi hội chứng Budd-Chiari. Hội chứng Budd-Chiari là một tình trạng hiếm gặp gây ra bởi sự tắc nghẽn dòng máu tĩnh mạch từ gan, dẫn đến ứ máu ở gan, gây tổn thương và suy giảm chức năng gan.

Nguyên nhân gây tắc nghẽn có thể do huyết khối (cục máu đông), hẹp tĩnh mạch gan hoặc tĩnh mạch chủ dưới, hoặc các bệnh lý khác.

Một số phương pháp của Đông y như các bài thuốc, châm cứu, bấm huyệt có thể được xem xét để hỗ trợ trong việc quản lý triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh, có sự tư vấn, theo dõi của bác sĩ y học hiện đại.

Không nên tự ý sử dụng các phương pháp Đông y để điều trị thay thế cho các phương pháp y học hiện đại đã được chứng minh hiệu quả đối với hội chứng Budd-Chiari. Người bệnh muốn kết hợp các phương pháp Đông y để hỗ trợ, cần tham khảo ý kiến của cả bác sĩ chuyên khoa gan - mật và thầy thuốc Đông y có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

2. Hội chứng Budd-Chiari có nguy hiểm không?

Hội chứng Budd-Chiari là một bệnh lý rất nguy hiểm do sự tắc nghẽn dòng máu tĩnh mạch từ gan. Ảnh minh họa.

Hội chứng Budd-Chiari là một bệnh lý rất nguy hiểm do sự tắc nghẽn dòng máu tĩnh mạch từ gan. Ảnh minh họa.

Hội chứng Budd-Chiari là một bệnh lý rất nguy hiểm do sự tắc nghẽn dòng máu tĩnh mạch từ gan. Nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, hội chứng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng:

Suy gan cấp tính hoặc mạn tính: Do máu ứ đọng, gan bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến suy giảm chức năng gan.

Xơ gan: Tổn thương gan kéo dài có thể gây ra xơ hóa gan, làm mất chức năng gan vĩnh viễn.

Tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Sự tắc nghẽn dòng máu ra khỏi gan làm tăng áp lực trong tĩnh mạch cửa, gây ra các biến chứng.

Cổ trướng: Tích tụ dịch trong ổ bụng.

Giãn tĩnh mạch thực quản và dạ dày: Các tĩnh mạch này có thể vỡ và gây chảy máu tiêu hóa nghiêm trọng.

Bệnh não gan (hôn mê gan): Suy giảm chức năng não do gan không thể loại bỏ các chất độc hại khỏi máu.

Lách to: Do tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Suy thận: Trong một số trường hợp nặng, có thể dẫn đến suy thận.

Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC): Bệnh nhân mắc hội chứng Budd-Chiari mạn tính có nguy cơ cao phát triển ung thư gan.

Tử vong: Nếu không được điều trị, đặc biệt là trong các trường hợp tắc nghẽn hoàn toàn, hội chứng Budd-Chiari có thể dẫn đến tử vong trong vòng vài tháng đến vài năm do suy gan.

3. Hội chứng Budd-Chiari có chữa khỏi không?

Mặc dù hội chứng Budd-Chiari không phải lúc nào cũng có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng với việc điều trị thích hợp và kịp thời, tình trạng này thường có thể được đảo ngược hoặc kiểm soát hiệu quả, giảm đáng kể nguy cơ tổn thương gan và cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân.

Các mục tiêu chính của điều trị là:

Giải tỏa tắc nghẽn ở tĩnh mạch gan hoặc tĩnh mạch chủ dưới.
Ngăn ngừa sự hình thành hoặc tiến triển của cục máu đông.
Kiểm soát các triệu chứng như cổ trướng (tích tụ dịch trong bụng).
Ngăn ngừa tổn thương gan thêm nữa và tạo điều kiện cho các tế bào gan tái tạo.

Các chiến lược điều trị có thể bao gồm thuốc chống đông máu, các thủ thuật cải thiện lưu lượng máu (nong mạch và đặt stent, ghép gan…)

Khả năng đảo ngược hội chứng và triển vọng lâu dài phụ thuộc vào các yếu tố như nguyên nhân gây tắc nghẽn, tốc độ chẩn đoán và điều trị, mức độ tổn thương gan và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Chẩn đoán và can thiệp sớm là yếu tố then chốt để có tiên lượng tốt hơn.

4. Cách chăm sóc người mắc hội chứng Budd-Chiari tại nhà

Quan trọng nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, người bệnh và đội ngũ y tế. Việc tuân thủ điều trị và thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà đúng cách có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người mắc hội chứng Budd-Chiari.

Tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ: Uống thuốc đúng giờ và đúng liều lượng, đặc biệt là thuốc chống đông máu để ngăn ngừa hình thành thêm cục máu đông. Không tự ý thay đổi hoặc ngừng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Lưu ý các dấu hiệu bất thường sau khi uống thuốc và báo cáo ngay cho bác sĩ. Người bệnh đi khám đúng lịch hẹn để bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh và điều chỉnh điều trị khi cần thiết.

Việc theo dõi cân nặng hàng ngày là rất quan trọng, vì sự tăng cân nhanh có thể báo hiệu tình trạng tích tụ dịch. Bên cạnh đó, cần hạn chế lượng muối trong chế độ ăn uống để tránh giữ nước, từ đó làm giảm cổ trướng. Người bệnh cũng cần tuân thủ chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng, đôi khi cần điều chỉnh lượng chất lỏng tiêu thụ. Tư thế nghỉ ngơi Fowler (nửa nằm nửa ngồi) có thể giúp giảm áp lực lên cơ hoành, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc hô hấp.

Chế độ ăn tuân theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng, cần hạn chế muối, đảm bảo đủ protein (nhưng không quá nhiều), và tránh rượu bia. Ăn nhiều rau xanh và trái cây để cung cấp vitamin và chất xơ cho cơ thể. Người bệnh nên uống đủ nước theo khuyến nghị của bác sĩ và tránh các thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh. Người bệnh cần tránh uống rượu bia tuyệt đối vì rượu bia gây tổn thương gan nghiêm trọng.

Một số lưu ý quan trọng khác

Người bệnh cần theo dõi sức khỏe tại nhà, đo vòng bụng hàng ngày (nếu có cổ trướng) và ghi lại báo cáo cho bác sĩ. Theo dõi lượng nước tiểu, báo cáo bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào.

Cần chú ý các dấu hiệu của biến chứng như vàng da, vàng mắt, đau bụng dữ dội, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, thay đổi ý thức (lú lẫn, buồn ngủ quá mức). Cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay lập tức nếu có các dấu hiệu này.

Để giảm phù chân, người bệnh nên kê cao chân khi nghỉ ngơi, sử dụng vớ ép y khoa theo chỉ định của bác sĩ và hạn chế thời gian đứng hoặc ngồi lâu.

Đối với tình trạng mệt mỏi, việc sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh các hoạt động gắng sức và duy trì một lịch trình sinh hoạt đều đặn là rất quan trọng để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Người bệnh có thể ngứa do ứ mật, tham khảo ý kiến bác sĩ về các biện pháp giảm ngứa, tránh các sản phẩm gây kích ứng da và mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát.

Không hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với các chất độc hại: Hóa chất, thuốc trừ sâu...Duy trì vệ sinh cá nhân tốt để phòng ngừa nhiễm trùng.

Bệnh mạn tính có thể gây ra lo lắng, buồn bã hãy lắng nghe và chia sẻ với người bệnh. Khuyến khích người bệnh tham gia các hoạt động nhẹ nhàng, nhận được hỗ trợ từ gia đình, bạn bè…

5. Chi phí khám điều trị hội chứng Budd-Chiari

Người mắc hội chứng Budd-Chiari có thể đến các bệnh viện có chuyên khoa Gan – Mật các bệnh viện đa khoa. Chi phí khám và điều trị Hội chứng Budd-Chiari phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ sở y tế công lập, tư nhân hoặc phòng khám quốc tế. Các xét nghiệm cần thiết; Phác đồ điều trị; Thời gian nằm viện (nếu có)…

Nếu bệnh nhân có bảo hiểm y tế, chi phí khám và điều trị có thể được chi trả một phần hoặc toàn bộ, tùy thuộc vào loại bảo hiểm và cơ sở y tế. Để biết thông tin chi phí cụ thể, tốt nhất nên xem thông tin của bệnh viện mà người bệnh dự định đến khám và điều trị.

BS. Trần Ngọc Lợi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-cau-hoi-thuong-gap-ve-hoi-chung-budd-chiari-169250415142648344.htm
Zalo