4 bước chinh phục 'cá mập'

Trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh, việc thu hút nhà đầu tư lớn vừa là thách thức đầy cam go, vừa là cơ hội để mở rộng quy mô và nâng tầm vị thế.

Điều này có thể khiến họ mất điểm trước các nhà đầu tư vốn đặt kỳ vọng cao về tính minh bạch, khả năng tăng trưởng, và mức độ rủi ro thấp. Vậy doanh nghiệp có thực sự cần gọi vốn, và nếu cần, nên gọi bao nhiêu là đủ?

Câu hỏi trên sẽ được tác giả Tôn Nữ Xuân Quyên trả lời qua cuốn sách “Chinh phục cá mập” (NXB Thế Giới, công ty phát hành Alpha Books).

Tác giả đã đưa ra lời khuyên đầy thực tiễn: “Từ 25%, 36% đến 51%, chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của những con số này. Và khi chạm ngưỡng 75%, đó là lúc nên cân nhắc bán công ty. Đối với các công ty lớn, 25% đã là quá nhiều. Do đó, chỉ khi nhà sáng lập hiểu rõ doanh nghiệp của mình và nắm vững tình hình thị trường, họ mới có thể giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi ích khi hợp tác với nhà đầu tư”.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, tác giả chỉ ra rằng việc lựa chọn đánh giá đúng mức giá trị doanh nghiệp và tìm đối tác phù hợp là một nghệ thuật. Từ đó đưa ra 4 bước để tạo lòng tin và sự đồng thuận từ nhà đầu tư.

Bước 1, xác định mục tiêu rõ ràng. Trước khi gọi vốn, doanh nghiệp cần trả lời được ba câu hỏi: Mục tiêu gọi vốn là gì? Cần bao nhiêu vốn để đạt được mục tiêu? Lợi ích nhà đầu tư sẽ nhận được?

Bước 2, chuẩn bị tài liệu gọi vốn chuyên nghiệp. Bộ tài liệu này bao gồm: Báo cáo tài chính minh bạch, thể hiện dòng tiền, lợi nhuận, và khả năng sinh lời trong tương lai. Kế hoạch kinh doanh chi tiết, phác thảo rõ các bước doanh nghiệp sẽ thực hiện để đạt được mục tiêu, bao gồm các mốc thời gian cụ thể.

Và phân tích thị trường, chứng minh doanh nghiệp hiểu rõ thị trường mình đang hoạt động, các đối thủ cạnh tranh, và chiến lược để chiếm lĩnh thị phần.

Bước 3, luyện tập kỹ năng thuyết trình và phản biện. Một ý tưởng hay không thể tự “bán mình” được, nó cần được trình bày một cách thuyết phục và hấp dẫn. Cuốn sách đề cập đến tầm quan trọng của việc luyện tập thuyết trình, đặc biệt là chuẩn bị các câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa từ nhà đầu tư.

Trong đó, các nhà sáng lập cần tập trung vào giá trị cốt lõi, thuyết trình ngắn gọn, dễ hiểu và đi thẳng vào vấn đề. Chuẩn bị phương án phản biện, nhà đầu tư có thể đưa ra những câu hỏi về rủi ro hoặc điểm yếu của doanh nghiệp, do đó việc chuẩn bị sẵn các câu trả lời sẽ tạo ấn tượng rằng doanh nghiệp đã nghiên cứu kỹ lưỡng.

Bước 4, xây dựng mối quan hệ trước khi gọi vốn. Ngoài việc chuẩn bị về nội dung, tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối với nhà đầu tư từ trước khi chính thức gọi vốn. Tham gia các sự kiện kinh doanh, hội thảo, hoặc thậm chí các buổi gặp gỡ cá nhân sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng lòng tin và tạo ấn tượng ban đầu.

Theo tác giả, định giá không chỉ dựa trên những con số như doanh thu hay lợi nhuận hiện tại, mà cần phản ánh được tầm nhìn dài hạn và khả năng mở rộng quy mô của doanh nghiệp.

Thùy Lâm

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/4-buoc-chinh-phuc-ca-map-post120463.html
Zalo