4 anh chị em trong một gia đình đuối nước tử vong thương tâm vì điều này

Bốn anh chị em trong một gia đình ở Ấn Độ được xác định là đã đuối nước tử vong thương tâm trong một chiếc ao khi đi chăn dê.

Theo India Today, 4 đứa trẻ trong một gia đình, bao gồm 3 bé gái và 1 bé trai đã không may đuối nước tử vong trong một cái ao khi đang chăn dê trên một cánh đồng ở Jaipur, bang Rajasthan tại miền Tây Ấn Độ vào ngày 15/5.

Một cảnh sát trưởng địa phương đã cố gắng nhảy xuống ao để cứu những đứa trẻ, nhưng nỗ lực của anh đã trở nên vô ích vì tất cả các nạn nhân đều đã tử vong trước khi có thể cứu hộ.

4 trẻ em trong một gia đình tử vong thương tâm do đuối nước. Ảnh minh họa: Getty Images

Sĩ quan cảnh sát Deepak Khandelwal cho biết những đứa trẻ được xác định là Kamleshi, Hema, Rameshwari và Vinod đã đi chăn đàn dê ở cánh đồng gần đó, nơi có một cái ao lớn ở giữa cánh đồng.

Lúc này, một trong 4 em bị trượt chân và rơi xuống ao. Những đứa trẻ còn lại đã nhảy xuống ao để cứu nạn nhân. Cảnh sát đã đến hiện trường ngay sau khi được thông báo rằng có 4 đứa trẻ ở dưới ao.

Bất chấp sự nỗ lực từ vị cảnh sát trưởng những tất cả 4 nạn nhân đều đã tử vong dưới ao. Sau đó, các thi thể đã được tìm thấy và đưa ra khỏi ao với sự giúp đỡ của dân làng.

Thi thể của 4 nạn nhân đã được lưu giữ tại nhà xác của một bệnh viện gần đó và sẽ được trao trả cho gia đình sau khi khám nghiệm tử thi.

Theo cảnh sát, nước trong chiếc ao đã tràn bờ và không có hàng rào xung quanh để ngăn ngừa bất kỳ sự cố đáng tiếc nào. Cảnh sát cho biết thêm rằng cuộc điều tra sâu hơn về vấn đề này đang được tiến hành.

Kỹ năng cứu người bị đuối nước

Tùy vào tình hình thực tế và năng lực của mỗi cá nhân mà có phương pháp, biện pháp cứu người bị đuối nước sao cho phù hợp. Để đảm bảo vừa cứu được người bị nạn và vừa an toàn cho người ứng cứu, chúng ta có thể chia ra một số trường hợp sau:

Khi người tham gia cứu nạn không biết bơi thì cần phải bình tĩnh suy xét và nhanh chóng quan sát xung quanh tìm những vật có khả năng cứu người như cành cây, can nhựa, phao cứu sinh, dây thừng hoặc các vật thể nổi khác. Sau đó đưa (hoặc quăng) các vật dụng đó đến vị trí người bị nạn để họ bám, víu rồi kéo dần người bị nạn vào bờ.

Trường hợp vị trí của nạn nhân ở cách xa bờ, không thể sử dụng tay hoặc cành cây để cứu, khi đó có thể sử dụng các vật như phao tròn, dây thừng…, nhanh chóng quăng đến vị trí người bị nạn để họ có thể bám vào phao, dây và bơi dần vào bờ.

Trong trường hợp người bị nạn ở quá xa bờ, vượt khỏi tầm quăng đến của các phương tiện cứu nạn như dây thừng, phao kéo… thì người cứu phải bằng mọi cách hô hoán, gọi cứu trợ để cứu người bị nạn một cách nhanh nhất có thể.

Theo India Today

Phương Uyên

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/4-anh-chi-em-trong-mot-gia-dinh-duoi-nuoc-tu-vong-thuong-tam-vi-dieu-nay-16042.html
Zalo