35 tuổi vẫn phải nhập viện vì mắc sởi
Người đàn ông 35 tuổi đến bệnh viện sau 4 ngày sốt cao, tiêu chảy. Các bác sĩ chẩn đoán anh mắc bệnh sởi, đã bắt đầu xuất hiện biến chứng.
Trước đó, anh N.H.N. (35 tuổi, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) bỗng dưng sốt cao. Nghĩ bản thân bị cảm thông thường, anh đến tiệm thuốc tây để mua thuốc hạ sốt. Sau đó, anh N. bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban ở mặt, lan dần đến tay, chân, bụng.
Đến ngày thứ 4, anh kiệt sức, mắt đỏ ngầu, ho, sốt, tiêu chảy, nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk) cấp cứu. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán anh N. mắc bệnh sởi.
"Tôi không nghĩ mình mắc sởi nên chủ quan ở nhà điều trị. Tôi không ngờ bệnh sởi lại gây ra các biến chứng nguy hiểm đến vậy”, anh N.H.N nói.
Một trường hợp khác là chị H.R.H. (35 tuổi, trú tại xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Trước khi vào viện, chị sốt cao liên tục 5 ngày, có uống thuốc nhưng không thuyên giảm.
Sau khi được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chị bắt đầu phát ban tại vùng mặt, bụng, ho viêm phổi, khó thở, đỏ mắt, nhìn mờ và tiêu chảy. Tương tự anh N., chị H. cũng được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh sởi biến chứng và điều trị theo phác đồ.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, địa phương đã ghi nhận gần 650 trường hợp mắc sởi, tập trung nhiều nhất tại TP Buôn Ma Thuột với 316 trường hợp
Đáng chú ý, trong đợt dịch sởi năm nay, bệnh không chỉ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ mà số lượng người lớn mắc sởi cũng đang gia tăng nhanh. Trong số các trường hợp mắc bệnh, hơn 10% là bệnh nhân từ 15 tuổi trở lên.
Bác sĩ H’Nuen Hđớk, Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết từ đầu tháng 10 đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho gần 80 bệnh nhân mắc sởi với độ tuổi trung bình dao động từ 20 đến 40.
Trong số đó, có một vài trường hợp gặp biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp phải hỗ trợ chăm sóc ICU.
Nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân trưởng thành mắc sởi là virus lây lan qua đường hô hấp. Những người chưa từng mắc sởi, chưa được tiêm vaccine hoặc đã tiêm nhưng miễn dịch đã suy giảm, đều có nguy cơ cao.
“Bệnh sởi lây theo đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh cho người xung quanh, so với Covid-19, tốc độ lây lan bệnh sởi còn nhanh hơn", bác sĩ H’Nuen nhận định
Khi mắc sởi, bệnh nhân sẽ gặp biến chứng viêm họng, viêm đường hô hấp dưới, viêm phổi, viêm màng não, viêm não, biến chứng đường tiêu hóa...
Bác sĩ H’Nuen cho biết nhiều bệnh nhân thường kiêng tắm rửa khi mắc sởi do thấy có phát ban trên da. Tuy nhiên, đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Khi mắc sởi, bệnh nhân phải lưu ý tắm rửa vệ sinh sạch sẽ để tránh bội nhiễm gây nhiễm trùng da.
Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và chú ý đeo khẩu trang, cách ly không lây bệnh cho người xung quanh.