300 triệu đồng/ha - kỹ sư Dương làm giàu từ dưa chuột
Từ bỏ công việc ổn định trong cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp lớn, anh Phùng Mạnh Dương (35 tuổi), quê ở xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ) lựa chọn khởi nghiệp tại quê hương.
Mô hình trồng dưa chuột theo chuỗi liên kết của anh đang tạo việc làm cho khoảng 50 lao động địa phương, mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân ở xã Long Thượng...

Cánh đồng trồng dưa chuột của anh Phùng Mạnh Dương được sản xuất theo quy trình ViepGAP. Ảnh: Nguyễn Mai
Tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), anh Dương từng công tác tại Viện Nghiên cứu ngô (Bộ NN&PTNT, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Trạm Bảo vệ thực vật huyện Phúc Thọ và sau đó là Công ty VinEco (Tập đoàn Vingroup). Từ năm 2022, anh quyết định trở về quê, thuê đất tại xã Long Thượng (gần xã Sen Phương) để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết.
“Phúc Thọ có thế mạnh về nông nghiệp, người dân có trình độ canh tác tốt, đất đai, giao thông đều thuận lợi. Tuy nhiên, sản xuất còn manh mún, thiếu chuỗi liên kết bền vững, tôi muốn tận dụng lợi thế địa phương để phát triển sản xuất lâu dài”, anh Dương chia sẻ.

Anh Phùng Mạnh Dương - người tiên phong trong thực hiện chuỗi liên kết trong trồng dưa chuột ở Phúc Thọ. Ảnh: Nguyễn Mai
Ban đầu, anh Dương thuê 4ha đất tại xã Long Xuyên cũ (nay hợp nhất với xã Thượng Cốc thành xã Long Thượng) với mức giá 1 triệu đồng/sào/năm. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương kết hợp với người dân nơi đây chủ yếu làm nghề mộc, ít gắn bó với ruộng đồng, nên việc tích tụ đất thuận lợi. Sản xuất ban đầu gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, nhưng từ các vụ sau, mô hình dần vào guồng, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Hiện tại, anh Dương canh tác trên diện tích 10ha, tập trung trồng dưa chuột giống Nhật Bản. Mỗi năm, anh sản xuất hai vụ dưa chính vào mùa xuân và mùa đông, xen canh ngô hoặc lúa để cải tạo đất vào mùa hè. Toàn bộ sản phẩm được liên kết bao tiêu với Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) để chế biến xuất khẩu, một phần tiêu thụ nội địa, doanh thu mỗi héc-ta dưa/vụ, đạt khoảng 300 triệu đồng.

Toàn bộ sản lượng dưa được ký hợp đồng với doanh nghiệp để chế biến, xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Mai
Đáng chú ý, mô hình tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động địa phương, chủ yếu là phụ nữ từ 55 đến 65 tuổi, thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Làm việc cho anh Dương từ những ngày đầu tiên xây dựng mô hình trồng dưa, bà Nguyễn Thị Năm (thôn Bảo Vệ 1, xã Long Thượng) chia sẻ: “Gia đình tôi có nghề mộc, thành viên trong gia đình đều tập trung làm nghề nên cho thuê 3 sào ruộng để anh Dương trồng dưa. Tôi tuổi cao nên không làm nghề, đi trồng dưa cho anh Dương, mỗi ngày được 200 nghìn đồng, phù hợp với sức khỏe và sở thích”. Tương tự, bà Nguyễn Thị Chuyền cũng cho anh Dương thuê 6 sào ruộng trồng dưa. Bà Chuyền cho biết, dù đã 66 tuổi nhưng mỗi tháng vẫn làm khoảng 25 công, chủ yếu là làm đất, trồng, làm cỏ, thu hoạch, có thêm thu nhập, nên rất phấn khởi.

Vùng trồng dưa của anh Dương đang tạo việc làm cho khoảng 50 lao động nữ ở địa phương. Ảnh: Nguyễn Mai
Hiện anh Dương đang xúc tiến thành lập Hợp tác xã chuyên sản xuất và tiêu thụ rau, củ, quả sạch để phát triển mô hình liên kết bền vững hơn. “Tôi mong chính quyền hỗ trợ tích tụ ruộng đất, đầu tư hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng để mở rộng vùng sản xuất tập trung”, anh Dương bày tỏ.