Làm giàu từ cây ca cao

Hạt ca cao (hay còn gọi là cù lắc) là nguyên liệu chính trong sản xuất sô cô la. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, giá của hạt ca cao tăng theo từng năm làm người trồng ca cao rất phấn khởi. Đặc biệt, những năm gần đây, các hộ nông dân trồng chuyên canh cây ca cao còn thử nghiệm mô hình sản xuất, chế biến chuỗi giá trị gia tăng của cây ca cao gắn với du lịch trải nghiệm. Qua đó, đã mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân, giúp nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn miền núi, biên giới xóa đói giảm nghèo, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Nhờ trồng cây ca cao nên nhiều hộ nông dân vùng miền núi, biên giới đã đổi đời và thoát khỏi đói nghèo. Ảnh: Minh Anh

Nhờ trồng cây ca cao nên nhiều hộ nông dân vùng miền núi, biên giới đã đổi đời và thoát khỏi đói nghèo. Ảnh: Minh Anh

Tín hiệu vui

Cây ca cao có nguồn gốc ở lưu vực sông Amazon, Nam Mỹ, đã được trồng nhiều ở Việt Nam khoảng hơn 10 năm nay. Đây là loại cây thích hợp khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, với ánh sáng tán xạ và với tầng đất canh tác dày. Cây ca cao có thể phát triển trên nhiều loại đất khác nhau, trên đất cát, đất phù sa ven sông và cả trên đất nghèo dinh dưỡng nhưng có bóng che và gần nguồn nước. Tuy nhiên, cây ca cao thích hợp nhất với các loại đất có tầng canh tác dày, dễ thoát nước, có cấu trúc tốt, giữ được ẩm, giàu chất dinh dưỡng như đất đỏ bazan, đất cát, đất feralit vàng... Chính vì rất dễ trồng nên nhiều người vẫn nói ví von rằng, ca cao chính là “cây của người nghèo”, “cây xóa đói, giảm nghèo”...

Hiện nay, ở nước ta có 3 vùng trồng cây ca cao chính là khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Cụ thể, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cây ca cao chủ yếu được trồng ở các tỉnh như: Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng. Vùng Tây Nguyên, cây ca cao được trồng tại các tỉnh Đắc Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Còn ở vùng Đông Nam Bộ, cây ca cao được trồng tập trung ở các tỉnh như: Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở mỗi vùng đất khác nhau do đặc điểm thổ nhưỡng (đất đai, nguồn nước, khí hậu...) và cách chế biến quả ca cao sau thu hoạch của người nông dân khác nhau, nên hạt ca cao của mỗi vùng lại mang một hương vị độc đáo khác nhau. Tuy nhiên, chất lượng của ca cao Việt Nam dù trồng ở vùng nào cũng được đánh giá là một trong những nước sản xuất bột ca cao có hương vị ngon nhất thế giới.

Hiện nay, giá ca cao tăng mạnh do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nguồn cung, giúp cây ca cao trở nên hấp dẫn hơn về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, nhờ áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, năng suất và chất lượng ca cao tại các vùng chuyên canh trồng cây ca cao đã được cải thiện đáng kể. Theo ghi nhận, giá hạt ca cao trên thị trường thế giới đã gần chạm ngưỡng cao nhất trong gần nửa thế kỷ qua. Giá ca cao kỳ hạn trên sàn giao dịch Liên lục địa (ICE) ở New York, Mỹ đã tăng vọt lên trên 11,600.00 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 29/1/2025, trước khi giảm xuống còn khoảng 7,728.00 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 16/3/2025.

Đổi đời từ cây ca cao

Trước đây, hàng trăm ha trồng cây ca cao của bà con các dân tộc thiểu số vùng miền núi và biên giới thuộc các tỉnh như Đắk Lắk, Đắk Nông, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bình Phước... từng bị "xóa sổ", do đầu ra bấp bênh thì nay đã trở thành cây trồng cho thu nhập cao nhờ doanh nghiệp và nông dân liên kết xây dựng chuỗi giá trị gia tăng từ cây ca cao, đồng thời đảm bảo bền vững về mặt kinh tế, xã hội, môi trường.

Hiện nay, có nhiều nông hộ đang thử nghiệm, triển khai mô hình trồng cây ca cao gắn với du lịch trải nghiệm. Ảnh: Minh Anh

Hiện nay, có nhiều nông hộ đang thử nghiệm, triển khai mô hình trồng cây ca cao gắn với du lịch trải nghiệm. Ảnh: Minh Anh

Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Nam Trường Sơn, tỉnh Đắk Lắk cho biết, với khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, hệ thống núi non trùng điệp được bao quanh bởi các cao nguyên, Đắk Lắk là mảnh đất rất thích hợp để trồng và phát triển cây ca cao. Hơn nữa, cây ca cao sinh trưởng và phát triển tốt trên các vùng đất trồng cà phê già cỗi, sâu bệnh phải thanh lý, không thể tái canh cà phê, vùng đất bạc màu. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hiện có khoảng 1.140ha trồng ca cao, năng suất đạt khoảng 15,56 tạ/ha, sản lượng ca cao bình quân hàng năm đạt khoảng 1.525 tấn. Một số huyện có diện tích ca cao lớn như Ea Kar, Ea Súp, Krông Ana, Ea H’leo.

Sự đồng hành của doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển ca cao bền vững. Đáng chú ý, nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và bà con đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đến nay, tỉnh đã có 6 doanh nghiệp thu mua ca cao xuất khẩu với khoảng hơn 20 đại lý thu mua trên địa bàn các huyện. Ngoài ra, còn có các công ty, hợp tác xã nông nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm từ cây ca cao như: bột ca cao, bơ ca cao, sô cô la, rượu vang ca cao...

Ông Thái Đăng Đàm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar cho biết, cách đây nhiều năm, bên cạnh cây cà phê, điều, mác ca, hồ tiêu, tỉnh Đắk Lắk đã chọn cây ca cao là một trong những loại cây trồng giảm nghèo chủ lực của bà con dân tộc thiểu số. Hợp tác xã hiện có 65 thành viên, liên kết với 179 hộ dân, diện tích hơn 300ha ca cao ở 6 xã, thị trấn. Thời gian qua, hợp tác xã đã được Nhà nước hỗ trợ về vốn để mua máy móc, trang thiết bị hiện đại..., đẩy mạnh sản xuất. Đến nay, hợp tác xã đã có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Bên cạnh đó, hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm cho đông đảo bà con đồng bào dân tộc địa phương, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất, lên men để bảo đảm chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ca cao ngày càng tăng ở thị trường xuất khẩu và nội địa.

Trên đường đi thăm khu rẫy trồng cây ca cao của gia đình chị La Thị Thùy Linh, thôn 14, xã Ea Knốp, huyện Ea Kar, chúng tôi được chị chia sẻ, trước đây, đời sống người dân trong vùng vô cùng khó khăn, thiếu thốn trăm bề, cuộc sống chỉ quanh quẩn với cây ngô, củ sắn mà luôn trong tình trạng thiếu ăn. Từ khi cây ca cao bén duyên với mảnh đất này, mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với những cây trồng kém hiệu quả trước đây, người dân cũng bắt đầu mơ về sự đổi đời với cuộc sống đủ đầy hơn. Nhận thấy tiềm năng và lợi thế từ cây ca cao, cách đây hơn 5 năm về trước, gia đình chị đã đầu tư trồng hơn 1ha cây ca cao. Năm nay, năng suất của gia đình đạt 2,5 tấn hạt khô. Trừ chi phí, gia đình chị thu lãi khoảng 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình chị tham gia Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar nên được hợp tác xã thu mua tận vườn.

Từ mong muốn giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo, cây ca cao giờ đây đã trở thành cây công nghiệp chủ lực ở các tỉnh miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các sản phẩm của cây ca cao đã và đang từng bước chinh phục các thị trường trên thế giới, góp phần khẳng định thương hiệu ca cao Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Minh Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lam-giau-tu-cay-ca-cao-post489079.html
Zalo