30 phút kịch tính cứu sản phụ bị ngưng tuần hoàn trên bàn sinh mổ
'Tôi đã công tác gần 30 năm nhưng đây là một trong những ca cấp cứu ngừng tuần hoàn dài nhất mà tôi từng chứng kiến. Tỷ lệ bệnh nhân có thể sống sót và hồi phục gần như bằng không. Nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết không bỏ cuộc dù chỉ còn một tia hy vọng rất nhỏ', bác sĩ chuyên khoa II Bạch Minh Thu, Phụ trách khoa Phẫu thuật-Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ.
![Ê-kíp tiến hành cấp cứu cho sản phụ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_14_51475777/a7cddc04ee4a07145e5b.jpg)
Ê-kíp tiến hành cấp cứu cho sản phụ.
Sáng 4/2, một ca cấp cứu đặc biệt đã diễn ra tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương khi ê-kíp y, bác sĩ đã cứu sống một sản phụ ngừng tuần hoàn hơn 30 phút với 4 lần sốc điện phá rung.
Bệnh nhân là chị L.T.K.N (34 tuổi, phường Long An, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được chẩn đoán trước mổ là mang thai lần 3, thai 38 tuần, rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược trên nền tăng huyết áp thai kỳ, mổ đẻ cũ. Chị N. đẻ thường 1 lần, mổ lấy thai 1 lần và có tăng huyết áp thai kỳ.
Khi lên phòng mổ, sản phụ được tiến hành gây mê nội khí quản, kiểm soát hô hấp và huyết động chặt chẽ, đặt đường truyền lớn để đề phòng các nguy cơ.
Ca mổ bắt đầu lúc 9 giờ 35 phút, bé trai nặng 4,3kg chào đời an toàn trong niềm hạnh phúc của gia đình. Nhưng chỉ vài giây sau khi lấy thai, sản phụ bất ngờ tím tái, SpO₂ giảm nhanh.
![Sản phụ bị ngưng tuần hoàn trên bàn mổ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_14_51475777/18f89a30a87e4120186f.jpg)
Sản phụ bị ngưng tuần hoàn trên bàn mổ.
Dù được phát hiện và xử trí tích cực ngay lập tức nhưng tình trạng diễn biến rất cấp tính và rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn. Ngay lập tức, đội ngũ y bác sĩ kích hoạt báo động đỏ toàn viện, huy động toàn bộ nhân lực cấp cứu, các chuyên gia hàng đầu của bệnh viện.
Bác sĩ chuyên khoa II Bạch Minh Thu cho biết, bệnh nhân đã được cấp cứu ngừng tim trong hơn 30 phút với 4 lần sốc điện phá rung. Ê-kíp cấp cứu đã thực hiện ép tim ngoài lồng ngực liên tục, thông khí kiểm soát với oxy 100%, sử dụng vận mạch trợ tim, truyền các chế phẩm máu khẩn cấp. Sau hơn 30 phút căng thẳng tột độ, kỳ tích đã xảy ra: bệnh nhân có tái lập tuần hoàn tự nhiên, tim bắt đầu đập có hiệu quả, huyết áp dần ổn định.
Tắc mạch ối là một biến chứng sản khoa cực kỳ nguy hiểm, không có dấu hiệu báo trước, tỷ lệ mắc rất thấp chỉ từ 1-12/100.000 ca sinh nhưng nguy cơ tử vong lại rất cao.
Cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân kéo dài hơn 2 tiếng với sự tham gia của toàn bộ ê-kíp hồi sức cấp cứu. Các bác sĩ đã phối hợp chặt chẽ, không ngừng đánh giá, hội chẩn, khẩn trương cấp cứu để mang lại cơ hội sống sót cho người bệnh từ những hy vọng mong manh. Cả ê-kíp như vỡ òa trong niềm vui, nhưng thử thách vẫn chưa dừng lại ở đó, phía trước còn cả quãng đường gian nan.
Sau khi qua cơn nguy kịch, sản phụ tiếp tục được điều trị tích cực. Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Xuân Khánh, Đơn vị Chống đau cũng là một thành viên trong ê-kíp trực tiếp tham gia cấp cứu ngừng tuần hoàn và hồi sức sau mổ cho bệnh nhân chia sẻ, mặc dù có tái lập tuần hoàn tự nhiên nhưng sau đó là vô vàn vấn đề cần lo lắng. Sau khi tim đập có hiệu quả trở lại, mặc dù huyết áp được duy trì nhưng bệnh nhân phải dùng các thuốc vận mạch-trợ tim liều cao, toan chuyển hóa nặng, rối loạn đông máu khó kiểm soát và bắt đầu có dấu hiệu suy giảm chức năng các tạng sau ngừng tim.
![Sản phụ được chăm sóc đặc biệt.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_14_51475777/9748168024cecd9094df.jpg)
Sản phụ được chăm sóc đặc biệt.
"Chúng tôi lo ngại nhất là tình trạng tổn thương não bộ do ngừng tim kéo dài và các hậu quả của hội chứng tái tưới máu. Nhưng thật may mắn, đáp lại với sự hồi sức và cố gắng nỗ lực 24/24 giờ của ê-kíp, sản phụ dần tỉnh lại, tri giác tốt dần, các rối loạn được kiểm soát và được dừng an thần, dừng vận mạch, cai thở máy. Đây thực sự là một điều kỳ diệu", bác sĩ Khánh nói.
Đặc biệt, ca bệnh này nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao từ Ban giám đốc bệnh viện cùng các chuyên gia đầu ngành đã trực tiếp hội chẩn và chỉ đạo liên để tìm ra phương án cứu sống bệnh nhân một cách tối ưu nhất. Sự phối hợp nhanh chóng, chặt chẽ giữa các khoa phòng cùng sự hỗ trợ từ các thầy thuốc chuyên môn cao đã tạo nên thành công vang dội trong công tác cấp cứu.
Ngày 12/2, chị N. được ra viện sau gần 1 tuần điều trị, bệnh nhân có thể trở về cuộc sống hoàn toàn bình thường và là ca bệnh hết sức hy hữu của ngành sản phụ khoa được cứu chữa thành công.
Anh H. (chồng bệnh nhân L.T.K.N) đón vợ về trong niềm xúc động nghẹn ngào. Anh bảo, khi được nhận tin từ phòng mổ, anh đã thật sự tắt niềm hy vọng. Nhưng kỳ tích đã đến với vợ anh nhờ những thầy thuốc tận tâm mà anh coi đó là "người hùng" với vợ chồng anh.
![Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Trung ương chúc mừng gia đình sản phụ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_14_51475777/02c08808ba4653180a57.jpg)
Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Trung ương chúc mừng gia đình sản phụ.
Cũng trong ngày chị N. ra viện, Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Trung ương đã trực tiếp đến thăm, động viên sản phụ và gia đình.
Giám đốc bệnh viện chia sẻ, tắc mạch ối là biến chứng hiếm gặp, có tỷ lệ tử vong lên tới 85% tùy từng trường hợp, diễn biến đột ngột, không có dấu hiệu báo trước. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng phác đồ cấp cứu bài bản và sự phối hợp nhịp nhàng của toàn bộ ê-kíp, các bác sĩ đã giành lại sự sống cho sản phụ một cách ngoạn mục. Đây không chỉ là một kỳ tích y khoa mà còn là minh chứng rõ nét cho sự chuyên nghiệp, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.