16 nhiệm vụ và 6 giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư pháp

Cùng với cả nước, trong năm 2024, công tác tư pháp tại Hà Tĩnh tiếp tục chuyển biến và đạt những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

 Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp).

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp).

Sáng 17/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2025. Hội nghị diễn ra bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu của các tỉnh, thành trên cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cùng các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì tại điểm cầu Hà Nội.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Trần Đình Gia cùng tham dự.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Trong năm 2024, công tác chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành Tư pháp được thực hiện thống nhất, đồng bộ; bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội về tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được quan tâm chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng dự án, dự thảo, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật. Năm 2024, Bộ Tư pháp đã thẩm định đối với 33 đề nghị xây dựng văn bản QPPL và 176 dự án, dự thảo văn bản QPPL. Tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã thẩm định 692 dự thảo văn bản QPPL. Các địa phương đã thẩm định 8.058 dự thảo văn bản QPPL.

 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh trình bày báo cáo tại hội nghị (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh trình bày báo cáo tại hội nghị (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp).

Công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn và gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 6.099 văn bản QPPL. Riêng Bộ Tư pháp tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.040 văn bản; các địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 5.195 văn bản.

Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 566.479 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho hơn 55 triệu lượt người; tổ chức 10.239 cuộc thi cho hơn 14 triệu lượt người dự thi; phát hơn 46 triệu tài liệu tuyên truyền, PBGDPL.Công tác thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luậtđược chú trọng, đến nay có 10.188 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 94,7%). Năm 2024, các hòa giải viên trong cả nước đã tiếp nhận 97.082 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành trung bình là 84,8%. Về trợ giúp pháp lý, thụ lý mới 39.641 vụ việc, hoàn thành 37.343 vụ việc, trong đó có 30.538 vụ việc tham gia tố tụng.

Ngoài ra, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính; hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm, bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp... đạt nhiều kết quả tích cực.

 Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Hội nghị cũng đã định hướng nhiệm vụ công tác năm 2025. Theo đó, ngành Tư pháp tập trung rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật gắn với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được Quốc hội, Chính phủ giao. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực… theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Hội nghị cũng đã đưa ra 16 nhiệm vụ cụ thể và 6 giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư pháp trong thời gian tới.

Tại Hà Tĩnh, trong năm 2024, công tác xây dựng văn bản QPPL được triển khai đúng quy định, đảm bảo tính dự báo và ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách, bức thiết. Toàn tỉnh đã ban hành 82 văn bản QPPL; Sở Tư pháp đã thẩm định 86 dự thảo văn bản QPPL, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng 57 văn bản QPPL.

Công tác PBGDPL tiếp tục được quan tâm thực hiện, phát huy hiệu quả với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Công tác hòa giải ở cơ sở từng bước được nâng cao về chất lượng; tổ chức và hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, huy động được sự tham gia của những người có uy tín, kinh nghiệm, có kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ hòa giải.

Ngành Tư pháp Hà Tĩnh chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng trên phạm vi toàn tỉnh; đã tiếp nhận và giải quyết 16.007 hồ sơ liên thông, trong đó có 10.535 hồ sơ liên thông đăng ký khai sinh, 5.472 hồ sơ liên thông đăng ký khai tử...

 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc quán triệt tại hội nghị (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc quán triệt tại hội nghị (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp).

Tiếp đó, hội nghị được nghe Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc quán triệt Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp. Theo đó, nước ta đã hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, cơ bản điều chỉnh tất cả lĩnh vực đời sống xã hội; tạo nền tảng pháp lý để phát triển KT-XH, bảo đảm AN-QP. Lĩnh vực hành chính tư pháp ngày càng thuận lợi cho người dân, DN thông qua các nền tảng số. Công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý được triển khai rộng rãi. Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp từng bước trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, cần đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật; phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng, thi hành pháp luật; tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách tối đa thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, thành thạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp...

Tại hội nghị, đại biểu đã tham gia thảo luận, từ đó thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới.

 Toàn cảnh điểm cầu Hà Tĩnh.

Toàn cảnh điểm cầu Hà Tĩnh.

Hội nghị cũng đã phát động phong trào thi đua năm 2025 của ngành Tư pháp với chủ đề "Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả".

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị bộ, ngành Tư pháp kịp thời xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật; rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bộ, ngành bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Đổi mới căn bản tư duy xây dựng và hoàn thiện pháp luật; xây dựng hệ thống pháp luật khả thi, thực chất, đến được với người dân, DN; thực hiện hiệu quả công tác sửa đổi, bổ sung pháp luật gắn với tổ chức bộ máy; tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý điều hành...

Đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm nhằm triển khai thực hiện hiệu quả công tác tư pháp.

Thùy Dương

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/16-nhiem-vu-va-6-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-tu-phap-post279316.html
Zalo