Yêu trong sự từ bi theo triết lý của Phật giáo
Theo quan niệm của nhà Phật, khi dành tình cảm cho đối phương, con người sẽ vượt qua cái vị kỷ để nghĩ cho người khác, dành cho người mình yêu sự bao dung và cảm thông.

Tình yêu cần được xây dựng cùng sự thấu hiểu và tôn trọng mà đôi bên dành cho nhau. Ảnh minh họa: tVN.
Vâng, tất nhiên là không có chuyện Đức Phật hẹn hò. Ở thời của Người, không ai thực sự có được khoảng thời gian hẹn hò riêng tư. Theo lễ giáo trong nền văn hóa thời đó, cũng như nhiều nền văn hóa khác, thì “nam nữ thụ thụ bất thân”. Vậy nên, nếu nam nữ muốn tìm hiểu về nhau, cần có người trung gian, tức là người mai mối.
Đức Phật cũng là một con người bình thường. Danh xưng Đức Phật/Bụt (Buddha) là do các đệ tử của Người đặt cho. Nó có nghĩa là người giác ngộ, hay người tỉnh thức.
Theo cuốn sách What the Buddha Taught (tạm dịch: Những điều Phật đã dạy) của Walpola Rahula, Đức Phật tên thật là Siddhartha Gautama, con trai của Hoàng hậu Maya và Đức vua Suddhodana, người cai trị vương quốc Sakyas.
Thái tử Siddhartha kết hôn năm mười sáu tuổi với một công nương khả ái, nhưng dù sống trong cung điện tráng lệ với đầy đủ tiện nghi xa xỉ, Người vẫn luôn có thôi thúc muốn tìm ra con đường giải thoát khổ đau cho tất thảy chúng sinh.
Năm 29 tuổi, sau khi con trai đầu lòng ra đời được một thời gian ngắn, thái tử Siddhartha rời cung điện để tìm đường học đạo, trở thành một nhà tu khổ hạnh, nghĩa là sống một đời rất giản dị, kham khổ và khiết tịnh.
Trong sáu năm, Người lang bạt khắp nơi, tìm gặp và theo học nhiều vị đạo sư nổi tiếng, nỗ lực tu tập theo pháp tu khổ hạnh. Nhưng vì vẫn không tìm được câu trả lời mà mình muốn tìm kiếm, nên Người đã từ bỏ những lối tu tập truyền thống này. Ở độ tuổi 35, Người đã đạt đến Niết bàn và giác ngộ sau bốn mươi chín ngày ngồi thiền dưới gốc cây Bồ đề (Bodhi), loài cây biểu trưng cho sự giác ngộ và trí tuệ.
Người nhận ra chân lý về bản chất thực sự của mọi sự vật, sự việc, tánh Không - sắc tức thị không, không tức thị sắc, rằng vạn vật là một, tất cả đều liên kết với nhau.
Trong 45 năm sau đó, Người đã thuyết pháp cho tất cả những ai muốn tìm thấy trí tuệ bên trong mình, từ vua chúa tới bần nông. Đức Phật không bao giờ nói “Hãy tôn thờ ta”, mà Người chỉ dạy mọi người cách gỡ bỏ những lớp màn ảo tưởng mê mờ của họ, để họ có thể nhìn thấy ánh sáng bên trong chính mình, hay như một số người nói, ánh sáng vốn có bên trong tất cả chúng sinh, suối nguồn tự nhiên của lòng từ bi, thiện lành và bình an.
Người tin rằng sự thật này sẽ giúp con người có thể thấu hiểu nhau hơn, buông bỏ được những mong cầu phù phiếm đối với tương lai và ngừng vương vấn quá khứ.
Từ khi thành đạo, dù Siddhartha Gautama được tôn xưng là Đức Phật (Buddha) - người giác ngộ, nhưng chưa bao giờ tự xưng là bậc thần thánh hơn người. Mặc dù đạo Phật thường được người ngoài hình dung như một tôn giáo với lối tu hành khắc khổ và những giáo lý cao siêu xa vời, nhưng trên thực tế, đạo Phật có tính nhân văn và thực tiễn rất cao, với mục đích giúp con người biết hướng đến cái thiện và thoát khổ.
Đồng thời, nó đưa chúng ta vượt ra khỏi tư tưởng vị kỷ, cho mình là cái rốn của vũ trụ, là đặc biệt, bởi thay vì đồng nhất bản thân với trải nghiệm, chúng ta nên đồng nhất mình với nhận thức.
Ban đầu, những người đi theo Phật giáo là các tu sĩ, họ tập hợp lại thành một tăng đoàn, cam kết từ bỏ vật chất và giữ nghiêm giới luật. Đó là lý do tại sao có rất ít chủ đề về tình dục và mối quan hệ tình cảm trong các tác phẩm của Phật giáo, bởi thực tế là có rất nhiều vị thầy sống độc thân. Tuy nhiên, ở phương Tây, các hành giả Phật giáo đã bắt đầu khám phá cách dung hòa tình dục và các mối quan hệ với hành trình tâm linh.
"Hẹn hò với tâm thái của một vị Phật có nghĩa là gì?". Là thay vì quá hồi hộp đến mức mất kiểm soát hành vi, chúng ta sẽ thoải mái vui vẻ trong quá trình gặp gỡ và tìm hiểu đối phương. Thay vì chỉ muốn “tìm đại ai đó để yêu”, chúng ta sẽ đối xử với người kia bằng lòng từ bi, sự quan tâm và tình cảm chân thật. Chúng ta sẽ không bao giờ cố gắng kiểm soát họ, sẽ không quỵ lụy hay tự coi mình là kèo trên.
Chúng ta sẽ luôn nhớ rằng trên con đường tâm linh, ai đến với cuộc đời mình cũng đều là để giúp ta thức tỉnh và hiểu bản thân cùng người thương một cách sâu sắc, mà không có sự phán xét hay tự cao tự đại.
Trên con đường tâm linh, chúng ta sẽ bước vào một mối liên kết đích thực, nơi ta trân trọng và sẻ chia với nhau, mở rộng khả năng yêu thương vô điều kiện trong tâm mình. Chúng ta cũng sẽ chấp nhận rằng hành trình này có thể không dễ dàng, khó đoán biết, đầy thử thách và nhiều điều bất ngờ.