Đại lễ Vesak 2025: Lan tỏa thông điệp đoàn kết, bao dung
Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2025 khai mạc trọng thể tại Học viện Phật giáo Việt Nam sáng 6/5 là dịp để người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về truyền thống lịch sử, văn hóa Phật giáo nước ta cũng như lan tỏa thông điệp hòa bình, khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Có mặt từ rất sớm, chị Lê Thị Hông Diễm, giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM rất ấn tượng với quy mô của Đại lễ Vesak năm nay. Chị Diễm được tham gia chiêm bái xá lợi đức Phật, nghi thức tắm Phật với mong muốn tốt đẹp đến với mọi người.
"Khi tôi đi đến chùa, tôi không bao giờ cầu nguyện riêng cho bản thân mình. Khi tôi thực hiện nghi thức tắm Phật, trong thâm tâm của tôi luôn cầu nguyện cho tất cả chúng sanh, tất cả mọi người trên toàn thế giới, không kể dân tộc hay tôn giáo nào, mọi người đều có cuộc sống ấm no hạnh phúc", chị Diễm cho hay.
Đây là lần thứ tư Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc. Sự kiện thu hút 2.700 đại biểu trong và ngoài nước tham dự. Bên cạnh hai thông điệp chính về “đoàn kết” và “bao dung” - vốn là truyền thống văn hóa Việt Nam - sự kiện còn là dịp để khẳng định với quốc tế về chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như thực tiễn đời sống tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Đại đức Thích Trí Định, Trụ trì Chùa Giác Hải, tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: "Đại lễ Vesak không chỉ là lễ hội tôn giáo mà còn là lễ hội văn hóa của nhân loại toàn cầu. Mình phải cố gắng làm sao để bạn bè quốc tế nhìn mình với ánh nhìn thiện cảm để thấy rằng, con người Việt Nam là một con người rất là thân thiện, đất nước Việt Nam là nơi họ cần đến và nhất định họ phải đến".
Đại lễ Vesak 2025 lần đầu tiên diễn ra ở TP. HCM, dự kiến sẽ có khoảng 10.000 phật tử tham gia với nhiều hoạt động ý nghĩa như: chiêm bái xá lợi Đức Phật Thích Ca - bảo vật quốc gia Ấn Độ; nghi thức thượng Đại kỳ Phật giáo; giao lưu nghệ thuật “Vesak thiêng liêng”, triển lãm Văn hóa Phật giáo...