Yêu quê hương qua tác phẩm văn học nghệ thuật

Cuộc thi Sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024) do Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên phát động đã về đích với nhiều niềm vui. Vui nhất là dù phát động trong thời gian khá ngắn, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh. Gần 630 tác phẩm của 132 tác giả dự thi ở các chuyên ngành đã khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương Phú Yên.

Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi diễn ra vào ngày 29/6 tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Gần 80 giải thưởng được trao cho các tác giả có tác phẩm nổi bật ở các chuyên ngành: Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc và Sân khấu.

Báo Phú Yên phỏng vấn nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Trưởng ban tổ chức, về cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật mang dấu ấn 35 năm quê hương Phú Yên đổi mới, phát triển.

* Thưa nhà thơ, anh đánh giá như thế nào về chất lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật dự thi?

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc

- Cuộc thi Sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 35 năm Ngày tái lập tỉnh được phát động chỉ trong hơn 1 tháng, từ ngày 27/4-7/6. Ban đầu, ban tổ chức khá lo lắng, e ngại, bởi sáng tác văn học nghệ thuật cần thời gian, có khi cả năm vẫn chưa nghĩ ra đề tài hoặc chưa đủ độ chín để thể hiện qua tác phẩm.

Nhưng rất đáng mừng là văn nghệ sĩ Phú Yên và những người yêu văn chương nghệ thuật ở một số tỉnh thành khác đã tích cực hưởng ứng cuộc thi.

Sau hơn 1 tháng, kết quả khá bất ngờ. Ban tổ chức nhận được 628 tác phẩm dự thi của 132 tác giả ở các chuyên ngành: Văn học, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Sân khấu và Múa. Tác phẩm dự thi phong phú.

Nhiếp ảnh là chuyên ngành có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất: 439 tác phẩm của 32 tác giả. Chuyên ngành Mỹ thuật có 50 tác phẩm của 33 tác giả dự thi. Các tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh được ban giám khảo chấm công khai tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên.

Từ kết quả của 2 ban giám khảo, ban tổ chức cuộc thi chọn 31 tác phẩm mỹ thuật và 53 tác phẩm nhiếp ảnh để triển lãm tại lễ tổng kết, trao giải thưởng cuộc thi.

Bộ tranh và bộ ảnh cho thấy các tác giả có sự đầu tư về số lượng lẫn chất lượng. Đây là điều đáng mừng!

Văn học là chuyên ngành mà chúng tôi nghĩ rằng sẽ khó để hoàn thành tác phẩm trong thời gian ngắn, nhất là thể loại truyện ngắn, vì phải “thai nghén” và cần có thời gian chín muồi để tạo ra tác phẩm.

Vậy nhưng trong vòng hơn 1 tháng, ban tổ chức đã nhận được hơn 100 tác phẩm của 46 tác giả dự thi, trong đó có 16 truyện ngắn, gần 60 bài thơ. Đây là những con số rất đáng khích lệ. Điều đáng phấn khởi nữa là những tác phẩm thơ và truyện ngắn đều có hàm lượng văn học, cho thấy sự sáng tạo nghiêm túc, vừa đúng chủ đề cuộc thi vừa đáp ứng được những tiêu chí nghệ thuật của chuyên ngành Văn học.

Còn những tác phẩm ký thì khiêm tốn hơn so với truyện ngắn và thơ, bởi vì hàm lượng văn học chưa đạt lắm, vẫn mang tính tư liệu lịch sử là chính. Tuy nhiên số lượng tác phẩm ký dự thi cũng rất đáng mừng. Theo thể lệ cuộc thi, ở chuyên ngành Văn học có 3 bộ giải thưởng dành cho truyện ngắn, thơ và ký.

Từ trái sang: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Hoàng Long, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Trưởng ban giám khảo, và các nghệ sĩ nhiếp ảnh: Trương Hữu Hùng, nguyên Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; Bảo Hưng, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, thành viên Ban giám khảo, chấm ảnh dự thi. Ảnh: YÊN LAN

Từ trái sang: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Hoàng Long, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Trưởng ban giám khảo, và các nghệ sĩ nhiếp ảnh: Trương Hữu Hùng, nguyên Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; Bảo Hưng, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, thành viên Ban giám khảo, chấm ảnh dự thi. Ảnh: YÊN LAN

Chuyên ngành Sân khấu có 16 tác phẩm của 7 tác giả dự thi, hầu hết là bài chòi, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Chuyên ngành Âm nhạc không có nhiều người dự thi, tuy nhiên ban tổ chức vẫn nhận được 12 ca khúc - số lượng đủ để chấm và trao giải. Nghe các ca khúc của các tác giả gửi dự thi, tôi cảm nhận có nhiều cung bậc cảm xúc, chuyển tải được ý nghĩa về quê hương Phú Yên đổi mới và phát triển.

Riêng chuyên ngành Múa, vì đa số hội viên là nghệ sĩ biểu diễn, không sáng tác kịch bản múa, nên số lượng tác phẩm ở chuyên ngành Múa không đủ để chấm và trao giải.

* Bên cạnh sự tích cực tham gia của văn nghệ sĩ chuyên và không chuyên, những người “cầm cân nảy mực” cũng có vai trò quan trọng, góp phần làm nên sự thành công của cuộc thi. Là trưởng ban tổ chức cuộc thi, anh nói gì về điều này?

- Ban tổ chức cũng rất đắn đo, cân nhắc. Sau khi tham khảo và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của hội viên ở các chuyên ngành, ban tổ chức cuộc thi mới quyết định là tùy theo từng chuyên ngành mà mời giám khảo trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Thành viên các ban giám khảo đều là những người có thâm niên hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật, có kinh nghiệm chấm thi, có uy tín. Ở một số chuyên ngành, trưởng ban giám khảo là ủy viên Hội đồng Nghệ thuật của hội chuyên ngành trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành hội chuyên ngành trung ương, từng tham gia cầm cân nảy mực tại các sân chơi lớn.

* Khép lại cuộc thi, Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên sẽ làm gì để những tác phẩm đoạt giải đến với công chúng?

- Các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh có chất lượng tốt được chọn triển lãm tại lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi. Trong buổi lễ, một số bài thơ, ca khúc, bài chòi đoạt giải cũng sẽ được trình diễn để khán giả thưởng thức.

Nhằm tiếp tục lan tỏa những tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi này, Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên có kế hoạch in một tập sách đánh dấu sự kiện kỷ niệm 35 năm tái lập tỉnh, kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của tàu Không số vào bến (28/11/1964-28/11/2024), đồng thời tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025).

* Xin cảm ơn anh!

Nhằm tiếp tục lan tỏa những tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi này, Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên có kế hoạch in một tập sách đánh dấu sự kiện kỷ niệm 35 năm tái lập tỉnh, kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của tàu Không số vào bến, đồng thời tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất.

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc

Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, Trưởng ban tổ chức cuộc thi

YÊN LAN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/317969/yeu-que-huong-qua-tac-pham-van-hoc-nghe-thuat.html
Zalo