'Yêu lắm Việt Nam' lan tỏa giá trị văn hóa lịch sử
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Báo Nhân Dân phối hợp các đối tác công nghệ triển khai Dự án 'Yêu lắm Việt Nam' thực hiện lắp đặt bảng gắn chip NFC (công nghệ kết nối không dây) tại các địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch nổi tiếng tại tỉnh Gia Lai. Hoạt động nhằm quảng bá các địa danh lịch sử, văn hóa trên mọi miền Tổ quốc, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của Việt Nam.

Giới trẻ thích thú với trải nghiệm Dự án “Yêu lắm Việt Nam”.
Dự án “Yêu lắm Việt Nam” tỉnh Gia Lai được triển khai tại 3 địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch của tỉnh, gồm: Quảng trường Đại đoàn kết, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku; Biển Hồ (Hồ T’ Nưng), xã Biển Hồ, thành phố Pleiku; Vườn chè-Hàng thông trăm tuổi, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh.
Biển Hồ còn được người bản địa gọi là Ia Nueng hoặc hồ T’nưng là một hồ nước ngọt nằm cách thành phố Pleiku 7km về phía Tây Bắc, có độ cao khoảng 800 mét so với mực nước biển. Nguồn nước Biển Hồ được gìn giữ vệ sinh nghiêm ngặt, vì đây là hồ nước ngọt cung cấp nước cho thành phố Pleiku.

Thắng cảnh Biển Hồ Pleiku.
Biển Hồ gồm 2 hồ chứa nước thông nhau, rộng gần 300ha, nước trong xanh màu ngọc bích, nằm giữa một vùng núi cao, có một dải đất chạy dài ra giữa lòng hồ tạo cho khách tham quan có thể nhìn được toàn cảnh Biển Hồ.
Con đường xuống Biển Hồ uốn lượn đẹp như tranh vẽ, hai bên ngút ngàn thông xanh mát mắt. Nơi cuối đường là các bậc tam cấp bằng đá dẫn khách tham quan chiêm ngưỡng sự thơ mộng của Biển Hồ. Nơi đây trước kia là đài vọng để du khách ngắm Biển Hồ.
Hàng thông trăm tuổi có địa chỉ tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku khoảng 15km về phía bắc. Các cụ cao niên ở đây cho biết, tuổi đời của hàng thông đến nay vừa tròn 100 năm.
Thời điểm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Công ty trà Biển Hồ gặp nhiều khó khăn, công ty không đủ tiền trả lương cho công nhân. Ban lãnh đạo công ty tính bán hàng thông này, tuy nhiên khi bắt đầu cưa hạ được vài cây, đại diện công đoàn công ty đã kịp thời ngăn lại, cùng nhau gìn giữ cho đến ngày hôm nay. Cùng với Biển Hồ, núi lửa Chư Đăng Ya, quảng trường Đại đoàn kết, hàng thông trăm tuổi trở thành điểm check-in lý tưởng không thể bỏ qua đối với du khách khi đến tham quan, trải nghiệm phố núi Pleiku-Gia Lai.

Hàng thông trăm tuổi gắn với tuổi thơ của bao thế hệ.
Chị Nguyễn Thị Mi Sa, sống tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, chia sẻ, chị lớn lên hàng thông trăm tuổi đã cao lớn sừng sững hai bên đường. Tuổi thơ đến trường gắn liền với con đường đi học, con đường thông trăm tuổi như một hình ảnh thân quen, mộc mạc đối với người dân sống gần.
Điểm check-in có nhiều nội dung mới, giới thiệu hình ảnh đẹp của hàng thông trăm tuổi, như một cầu nối chuyển tải vẻ đẹp quê hương đến với cộng đồng du khách trong và ngoài nước đó là niềm tự hào của bà con ở đây.

Hàng thông trăm tuổi hút khách dịp cuối tuần.

Hàng thông trăm tuổi - một vẻ đẹp bình yên, lãng mạn.
Các bảng gắn chip được thiết kế hai màu vàng đỏ lấy cảm hứng từ quốc kỳ Việt Nam và có thể hoạt động tự động mà không cần nguồn điện. Đến với các điểm đến trên, du khách sử dụng điện thoại tương tác với bảng gắn chip NFC sẽ được chứng nhận đã check-in tại địa danh, lưu giữ hình ảnh cá nhân, nhận thông tin hữu ích về địa danh, di tích hoặc điểm đến.

Bảng gắn chip được thiết kế hai màu vàng đỏ lấy cảm hứng từ quốc kỳ Việt Nam.
Mỗi bảng gắn chip sẽ cung cấp câu chuyện, hình ảnh, video hoặc mô hình 3D về địa điểm, di tích nơi bảng gắn chip được đặt; đồng thời cung cấp tính năng tra cứu, dẫn đường, tìm hiểu thông tin để khám phá các địa điểm du lịch tại nơi đang đứng và các khu vực lân cận. Khi du khách trải nghiệm hết các điểm có gắn chip tại một địa phương sẽ nhận được quà của chương trình và chứng nhận số khi hoàn thành khám phá ở đó.
Bạn Trần Thị Hiền, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, cho biết, quảng trường Đại đoàn kết là trái tim của thành phố Pleiku cũng như của tỉnh Gia Lai nói chung. Tương tác với màn hình điện tử tại Quảng trường Đại đoàn kết giúp chị và các con có thêm thông tin cũng như trải nghiệm mới. Đối với khách ở xa chỉ cần tương tác tại đây có thể có đủ thông tin về các điểm đến nổi tiếng tại Gia Lai.
Quảng trường được xây dựng trong 5 năm (2007-2012) có tổng diện tích 10,6ha, gồm các hạng mục: Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”, bộ cồng chiêng, đền thờ Bác Hồ, mô hình núi Hàm Rồng, Thạch thư, tháp đá... nằm trong quần thể các công trình: Bảo tàng Hồ Chí Minh-chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, Bảo tàng cổ vật, Bảo tàng Gia Lai. Phần sân có diện tích hơn 23.000m2, với hơn 2.000 cây xanh và 205 ô cỏ, bảo đảm cho những sự kiện tập trung hơn 50 nghìn người trong cùng thời điểm.
Quảng trường Đại Đoàn Kết tọa lạc tại trung tâm thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, còn được người dân địa phương gọi là quảng trường lớn. Quảng trường Đại Đoàn Kết là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của tỉnh Gia Lai, là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa và là biểu tượng đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Điểm check-in tại Quảng trường Đại đoàn kết thành phố Pleiku.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Phòng văn hóa, Khoa học và Thông tin thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, đánh giá, Dự án “Yêu lắm Việt Nam” là một ý tưởng độc đáo, áp dụng chuyển đổi số nhằm mang lại những trải nghiệm mới, thú vị cho người dân và du khách. Từ thông tin đến cách trình bày, thiết kế tương tác đều rất logic và khoa học dễ sử dụng. Ứng dụng có nhiều thứ tiếng giúp du khách nước ngoài nhanh chóng tìm kiếm dữ liệu điểm đến tin cậy, giảm bớt thời gian tra cứu trên mạng xã hội.

Người dân, du khách hào hứng trải nghiệm check-in.
Sau hơn 4 tháng triển khai, đã có hàng chục nghìn lượt check-in thành công, chia sẻ hình ảnh của du khách tại các bảng gắn chip NFC trên cả nước. Từ những địa danh thiêng liêng như cột cờ Lũng Cú tại Hà Giang, Hoàng thành Thăng Long ở Thủ đô Hà Nội hay mũi Cà Mau - cực nam của Tổ quốc đều đã có sự hiện diện của các trạm tương tác thông minh.
Ông Huy Nguyễn, Tổng Giám đốc Phygital Labs, cho biết, Phygital Labs đã từng tham gia xây dựng các dự án trải nghiệm đa tương tác ở một số địa điểm như: Đại nội Huế, Fansipan Lào Cai… Thế nhưng, phải đến khi được hợp tác cùng Báo Nhân Dân và triển khai “Yêu lắm Việt Nam”, Phygital Labs mới có cơ hội thực hiện một dự án mang tầm vóc quốc tế.
“Thời gian gần đây, xu hướng du lịch đã có nhiều sự thay đổi. Từ việc du lịch theo cách truyền thống, thông thường, giờ đây, ngành du lịch đang hướng đến những trải nghiệm đa tương tác. Đặc biệt là giới trẻ, khi tới một địa điểm, họ luôn mong muốn có sự hòa vào không gian bản địa, được cá nhân hóa những trải nghiệm du lịch”, ông Huy Nguyễn nhận định.
Theo ông Huy Nguyễn, “Yêu lắm Việt Nam” là một hướng dẫn viên, là một chủ nhà có thể cung cấp rất nhiều thông tin, tích hợp công nghệ Blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI). Thông tin này không cố định mà được cập nhật theo thời gian bởi qua AI, ứng dụng sẽ học được cả những kiến thức, nắm được thông tin đã tương tác trước đó, từ đó, đưa ra những đánh giá, hướng dẫn mang tính cá nhân hóa.