Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Định vị chất lượng

Sau 10 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha (phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) đã xây dựng thành công thương hiệu cho các sản phẩm yến thô, yến tinh chế và đa dạng sản phẩm từ yến hũ đến rượu yến đông trùng. Nhờ ứng dụng quy trình sản xuất hiện đại, các sản phẩm của Công ty đều được cấp đầy đủ chứng nhận, mã vạch và được công nhận OCOP 4 sao. Trong đó có 2 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2024.

Ông Nguyễn Trọng Nhuế-Giám đốc Công ty-cho biết: “Ngoài 9 nhà nuôi yến, chúng tôi thu mua thêm tổ yến nguyên liệu phục vụ chế biến. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là thành lập Hiệp hội Yến sào Ayun Pa để liên kết phát triển sản xuất, hướng tới xuất khẩu”.

 Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Tuy mới phát triển trong thời gian gần đây song huyện Phú Thiện cũng có 8 sản phẩm yến sào đạt chứng nhận OCOP gồm: yến sơ chế cao cấp Sâm Phố, yến thô cao cấp Sâm Phố của hộ kinh doanh Đinh Thị Sâm; tổ yến thô Ricky Fams, yến sào thượng hạng Ricky Fams, Vua Lửa bối tửu Platinum Class (rượu ngâm nhung hươu, tổ yến), Vua Lửa bối tửu Purity Class (rượu ngâm tổ yến) của Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (cùng ở thị trấn Phú Thiện); tổ yến tinh chế Nguyễn Gia, tổ yến chưng hũ Nguyễn Gia của hộ kinh doanh Nguyễn Ngọc Lưu (xã Ia Hiao).

Anh Hoàng Văn Sơn-Phó Giám đốc HTX Phố Yến-cho biết: “Nói đến Phú Thiện là nói đến truyền thuyết Vua Lửa. Nơi này lại có thế mạnh về khai thác, kinh doanh tổ yến. Vì vậy, bên cạnh sản xuất yến hũ tiệt trùng, chúng tôi có ý tưởng sản xuất Vua Lửa bối tửu (rượu từ tổ yến) để không chỉ mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm giàu dưỡng chất mà còn giới thiệu được nét văn hóa đặc trưng của vùng đất. Từ đó, chúng tôi có điều kiện tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện HTX đang khảo sát nhằm xuất khẩu yến sào sang thị trường Trung Quốc”.

 Sản phẩm yến sào Sơn Đông là sản phẩm yến sào đầu tiên của huyện Ia Pa đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: V.C

Sản phẩm yến sào Sơn Đông là sản phẩm yến sào đầu tiên của huyện Ia Pa đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: V.C

Trong khi đó, tại huyện vùng khó Ia Pa, nghề nuôi chim yến cũng đang mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế địa phương. Hiện Ia Pa có 2 sản phẩm yến sào đạt chứng nhận OCOP gồm yến sào Sơn Đông (hộ kinh doanh Hà Thị Đông) và yến sào An Tuệ (HTX Dịch vụ nông nghiệp An Tuệ).

Ông Nguyễn Văn Soát-Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Tuệ-chia sẻ: Hợp tác xã hiện có 7 thành viên với 7 nhà nuôi chim yến. Để chim yến làm tổ và ở lại lâu dài, các thành viên tuân thủ quy trình nghiêm ngặt trong việc vệ sinh khử mùi, tạo độ ẩm trong nhà nuôi. Công đoạn thu hoạch, sơ chế sản phẩm đảm bảo giữ nguyên giá trị dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Sau 1 năm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm yến sào của HTX Dịch vụ nông nghiệp An Tuệ đã mở rộng thị trường tiêu thụ ra khắp cả nước. Mục tiêu của HTX là mở rộng các kênh bán hàng, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ”-ông Soát chia sẻ.

Hướng phát triển bền vững

Khu vực Đông Nam tỉnh có nhiều lợi thế phát triển nghề nuôi chim yến với thảm thực vật phong phú cùng hệ thống ao hồ tạo nguồn thức ăn dồi dào cho chim yến sinh sôi, phát triển. Tuy chỉ mới xuất hiện khoảng hơn 10 năm nay nhưng nghề nuôi chim yến tại khu vực này đã phát triển mạnh với hơn 200 nhà nuôi chim yến, mang lại lợi nhuận cao cho người dân.

Từ 1-2 nhà nuôi yến ban đầu, nhiều hộ đã có trong tay 9-10 nhà nuôi yến với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Cũng chính vì vậy, nghề nuôi chim yến được coi là “mỏ vàng trắng”, là nghề siêu lợi nhuận của người dân nơi đây.

Để tránh sự phát triển ồ ạt theo hình thức tự phát gây ô nhiễm môi trường, huyện Phú Thiện đã quy hoạch vùng nuôi chim yến rộng 50 ha dọc bờ sông Ia Sol, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển nghề nuôi yến tại địa phương.

Theo Phó Giám đốc HTX Phố Yến, quy hoạch vùng nuôi chim yến nằm xa khu dân cư nên cần song hành với quy hoạch điện, đường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Có như vậy, người nuôi chim yến mới thực sự yên tâm với nghề, đồng thuận xây dựng nhà yến nằm trong vùng quy hoạch.

 Cơ sở yến sào Sơn Đông (xã Chư Răng) tham gia hội chợ nông sản-thực phẩm an toàn để quảng bá sản phẩm. Ảnh: V.C

Cơ sở yến sào Sơn Đông (xã Chư Răng) tham gia hội chợ nông sản-thực phẩm an toàn để quảng bá sản phẩm. Ảnh: V.C

Là cái nôi của nghề nuôi chim yến, thị xã Ayun Pa có 166 nhà nuôi yến. Trưởng phòng Kinh tế thị xã Nguyễn Thanh Quang cho hay: Cùng với việc hỗ trợ các chủ thể đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất yến sào, UBND thị xã cũng đã ban hành các văn bản đề nghị người chăn nuôi yến chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, quy định về xây dựng nhà yến, cách phòng trừ, quản lý dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm tổ yến.

Thị xã cũng khuyến khích chủ thể liên kết với nhau thành lập Hiệp hội Yến sào Ayun Pa nhằm xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Còn ông Trần Minh Phương-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa thì cho biết: Với chất lượng tổ yến được đánh giá tốt, lại là vùng nguyên liệu trọng điểm, ngành yến sào khu vực Đông Nam tỉnh đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới.

Để yến sào trở thành sản phẩm chủ lực, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào nuôi và chế biến tổ yến đang là hướng đi cần thiết nhằm chuẩn hóa quy trình thu hoạch và chế biến. Các chủ thể cần xây dựng chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh cần xem xét hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội thảo khoa học phát triển nghề nuôi chim yến nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Có như vậy, sản phẩm yến sào tại địa phương mới có cơ hội vươn ra thị trường thế giới.

VŨ CHI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/yen-sao-dong-nam-tinh-gia-lai-khang-dinh-vi-the-post306199.html
Zalo