Yên Bái tập trung giảm nghèo ở 'vùng lõi'

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo tập trung ở những 'vùng lõi' nghèo, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt triển khai các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo một cách có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, ưu tiên các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn…

Người dân xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn nhận bò giống từ hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Người dân xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn nhận bò giống từ hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Suối Quyền với 98% dân số là đồng bào Dao - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn. Đầu năm 2022, khi thực hiện giảm nghèo theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo ở xã chiếm trên 50%. Để tạo việc làm, giảm nghèo và tăng thêm thu nhập cho người dân, xã đã xây dựng kế hoạch sản xuất theo hướng đa canh, phù hợp với lợi thế địa phương và trình độ canh tác của nhân dân, gắn việc giải quyết lương thực tại chỗ với phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi. Đến nay, địa phương đã hình thành được vùng trồng quế trên 650 ha, 140 ha lúa, 60 ha ngô cùng trên 1.600 con gia súc chính, trên 2.000 con gia cầm…

Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế, Suối Quyền đều tiến hành xác định nguyên nhân nghèo, thực tế thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, nhu cầu của từng hộ nghèo để xây dựng phương án cụ thể, phù hợp, khả thi, hỗ trợ các hộ nghèo thoát nghèo; triển khai đầy đủ, đúng đối tượng các chế độ, chính sách cho hộ nghèo như: giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sinh kế.

Ông Đặng Kim Lý - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: "Riêng năm 2024, từ nguồn hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia, xã đã cấp téc nước cho 50 hộ, 99 con bò sinh sản cho 68 hộ, hỗ trợ 4 hộ nghèo làm nhà ở, giải quyết việc làm cho 65 người... Xã còn giao nhiệm vụ cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã phụ trách từng thôn; các đảng viên trực tiếp phụ trách 1 - 2 hộ dân kết hợp với các hội, đoàn thể cùng nhau giúp đỡ các hộ nghèo bằng cây, con giống. Đồng thời, xã tăng cường tuyên truyền, vận động để đồng bào có nhận thức đúng, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, có ý thức tự giác vươn lên thoát nghèo”. Hết năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn xã Suối Quyền giảm còn 22,85%, thu nhập bình quân tăng lên 30 triệu đồng/người/năm.

Các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn được coi là "vùng lõi” nghèo với tỷ lệ hộ nghèo thường cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ nghèo chung của tỉnh, của cả nước. Bởi vậy, từ nhiều năm nay, tỉnh Yên Bái đã tập trung nguồn lực của Trung ương, địa phương và các nguồn lực khác để tìm kiếm các giải pháp vừa nâng cao thu nhập vừa nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, nỗ lực giảm nghèo nhanh nhưng bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới.

Từ năm 2021 đến nay, tận dụng nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Yên Bái đã xây dựng và triển khai 307 dự án, mô hình phát triển sản xuất, trong đó có 5 dự án phát triển sản xuất liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và 302 dự án phát triển sản xuất cộng đồng với trên 6.000 hộ nghèo, cận nghèo hưởng lợi, tập trung chủ yếu ở "vùng lõi” nghèo.

Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa trên 4.000 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ mua sắm nông cụ, chuyển đổi nghề cho 1.658 hộ; hỗ trợ trên 39.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn từ hệ thống ngân hàng chính sách xã hội với 2.787 tỷ đồng; hỗ trợ nước phân tán cho 6.933 hộ; mua sắm, cấp bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em… Yên Bái cũng đã đầu tư 2.520,69 tỷ đồng cho các chính sách hỗ trợ giáo dục; chi 1.383,5 tỷ đồng để đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, tỉnh còn giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp tỉnh phụ trách tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo tại 59 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Với đa dạng hoạt động hỗ trợ cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết khó khăn, vướng mắc từ các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã giúp đỡ khoảng 1.000 hộ nghèo thoát nghèo mỗi năm.

Rõ ràng, với cơ chế hỗ trợ của giai đoạn 2021 - 2025, việc "giảm cho không, tăng hỗ trợ có điều kiện” cùng hệ thống chính sách bao trùm từ hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm đến các dịch vụ xã hội cơ bản: nhà ở, việc làm, y tế, giáo dục, nước sạch… đã tạo động lực mạnh mẽ cho hộ nghèo ở các "vùng lõi” nghèo vươn lên.

Đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Yên Bái so với tổng số hộ DTTS giảm từ 30,36% vào cuối năm 2021 xuống còn 10,04%, giảm bình quân 6,73%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo Trạm Tấu giảm trung bình 6,89%/năm và huyện nghèo Mù Cang Chải giảm trung bình 9,45%/năm; 28/59 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người DTTS tăng trên 2 lần, đạt 33,25 triệu đồng/năm.

Hoài Anh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/349876/yen-bai-tap-trung-giam-ngheo-o-vung-loi.aspx
Zalo