Yên Bái: Hợp tác xã chủ động sản xuất, đẩy mạnh liên kết để nâng cao hiệu quả kinh tế
Để đạt mục tiêu về sản lượng và lợi nhuận trong năm 2025, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang tích cực đẩy mạnh sản xuất, tranh thủ tối đa các chương trình hỗ trợ từ Nhà nước, tỉnh, địa phương và Liên minh HTX. Nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư mở rộng nhà xưởng, đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc, đa dạng hóa sản phẩm và hình thành chuỗi liên kết bền vững, góp phần tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Yên Bái tham quan mô hình nuôi tằm của HTX trồng dâu nuôi tằm Quyết Hùng, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên.
Tại xã Xuân Ái, huyện Văn Yên, những ngày này, các thành viên HTX Nông lâm sản Xuân Ái đang khẩn trương sản xuất, sơ chế và đóng gói các mặt hàng quế sáo để kịp giao đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Dù mới đi vào hoạt động từ tháng 10/2024, HTX đã xuất bán được 200 tấn quế nhờ quy trình sản xuất khoa học, đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng, số lượng và tiến độ giao hàng.
Chị Nguyễn Thị Hoài - thành viên HTX cho biết: "Tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu quế của huyện Văn Yên, HTX sản xuất nhiều mặt hàng như quế sáo, quế ống điếu, quế nguyên ống không bào… phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu sang Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc, Trung Đông. Ngoài ra, HTX còn đầu tư chế biến thêm các nông sản như hồi, ớt, nghệ để mở rộng quy mô, tạo việc làm ổn định cho người lao động”.
Ông Vũ Đại Phong - Giám đốc HTX cho biết: "HTX chú trọng xây dựng nhà xưởng tập trung, đầu tư công nghệ hiện đại, tăng cường liên kết với người dân trồng quế, đồng thời tích cực tìm kiếm đối tác mới để tiêu thụ sản phẩm lâu dài”
Cũng tại xã Xuân Ái, HTX trồng dâu nuôi tằm Quyết Hùng đã nhanh chóng phục hồi sản xuất sau thiệt hại do bão Yagi vào tháng 9/2024. Được sự hỗ trợ từ tỉnh và Liên minh HTX, các thành viên đã trồng lại diện tích dâu bị hỏng và tiếp tục chăm sóc hơn 10 ha dâu đang cho thu hoạch. Ông Triệu Xuân Hòa - Giám đốc HTX chia sẻ: "Sau một tuần nuôi, lứa tằm mới của gia đình tôi dự kiến cho 65 kg kén, với giá 210.000 đồng/kg, đem lại thu gần 14 triệu đồng, lợi nhuận trên 11 triệu đồng. Đầu tháng 4, gia đình cũng đã xuất bán 151 kg kén, thu về hơn 32 triệu đồng”.
Bí thư Đảng ủy xã Xuân Ái, ông Nguyễn Văn Thức cho biết, toàn xã hiện có hơn 10 HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ nắm vững kỹ thuật và được hưởng chính sách hỗ trợ từ tỉnh như Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh về xây dựng chuồng trại, giống, vật tư và kết nối thị trường, các HTX đã yên tâm mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Tại xã Vân Hội, huyện Trấn Yên, thời tiết thuận lợi đầu năm đã giúp HTX nuôi ong Vân Hội chủ động di chuyển đàn ong đến các vùng có nguồn hoa dồi dào như thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn. HTX liên kết với các chủ vườn đặt ong lấy mật, đồng thời hợp tác với các hộ nuôi ong địa phương để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Ông Trần Văn Lý - Giám đốc HTX cho biết: "Nhờ tổ chức sản xuất linh hoạt và liên kết hiệu quả, sản phẩm mật ong của HTX ngày càng được thị trường ưa chuộng”.

Thành viên HTX nông nghiệp và du lịch Nà Hẩu, huyện Văn Yên giới thiệu sản phẩm cá tầm.
Hiện nay, toàn tỉnh có 5.769 Tổ hợp tác với trên 28.800 thành viên; 839 HTX với gần 34 nghìn thành viên hoạt động đa dạng các lĩnh vực, tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 nghìn lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị, kinh tế – xã hội của địa phương. Năm 2024, doanh thu bình quân của HTX trong tỉnh đạt 2,2 tỷ đồng/HTX, nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 53 tỷ đồng. Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh đã tăng cường công tác tham mưu, đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp và tư vấn, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn.
Cùng trong năm 2024, Liên minh HTX tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các huyện, thị, thành phố thành lập mới 113 HTX; tư vấn, hỗ trợ 35 HTX thực hiện thủ tục, hồ sơ củng cố HTX; kết nạp mới 105 đơn vị thành viên. Liên Minh HTX tỉnh thực hiện quản lý và triển khai cho các HTX vay vốn ưu đãi từ các nguồn vốn, hiện đã có 65 dự án sử dụng vốn, với tổng số tiền trên 40 tỷ đồng.
Cùng đó, Liên minh HTX đã hỗ trợ xây dựng 5 mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị; tư vấn xây dựng hồ sơ OCOP cho 9 sản phẩm; thực hiện quảng bá trên 500 sản phẩm OCOP và đặc sản vùng, miền của các HTX, Tổ hợp tác, doanh nghiệp thành viên tại các triển lãm, hội trợ, hội nghị trong và ngoài tỉnh; phối hợp hỗ trợ máy móc cho 4 đơn vị HTX với tổng số tiền 676 triệu đồng... Nhờ những hoạt động thiết thực trên đã góp phần củng cố và tạo chuyển biến tích cực cho các HTX trong tỉnh mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Có thể thấy, sự chủ động, linh hoạt của Liên minh HTX và các HTX trong sản xuất, kinh doanh cùng với sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án cấp tỉnh và trung ương đang là "chìa khóa” giúp HTX vượt qua khó khăn, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả, từ đó khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái.