Yên Bái đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Tính hết tháng 11/2024, tỉnh Yên Bái đạt 67% kế hoạch giải ngân, cao hơn bình quân chung cả nước (60,5%). Riêng vốn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đạt trên 82,7%.
Những ngày này trên công trình Dự án Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái và Dự án Trụ sở Tỉnh ủy và các ban Đảng tỉnh Yên Bái, hàng trăm công nhân, cán bộ thuộc nhà thầu Liên danh LANMAK LANMAK - Sơn Tây - Trừ Mối Việt Nam đang tập trung cao độ đẩy nhanh tiến độ các hạng mục, phần việc theo kế hoạch. Đây cũng là hai công trình trọng điểm của tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng, kịp thời phục vụ Đại hội XX Đảng bộ tỉnh sẽ diễn ra trong nửa cuối năm 2025.
Dự án Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái có quy mô đầu tư 1 tòa nhà làm trung tâm hội nghị, là công trình xây dựng cấp II gồm 4 tầng; có diện tích xây dựng 6.650m2, tổng diện tích sàn 11.620m2, diện tích sàn kỹ thuật cơ khí điều khiển giàn âm thanh ánh sáng 580m2. Công trình được bố trí thành 3 khối chức năng chính, gồm: khối hội trường với phòng họp chính 1.024 chỗ, thiết kế 2 tầng khán đài và các phòng chức năng, phòng hội thảo, hội trường đa năng, các phòng nghiệp vụ…; có tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, riêng phần xây lắp 187 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc điều hành Dự án cho biết: "Công trình được khởi công xây dựng tháng 12/2023 và dự kiến hoàn thành tháng 6/2025. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và các đơn vị có liên quan, thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo trên 200 cán bộ, công nhân làm 3 ca, 4 kíp, có thời điểm làm xuyên đêm để đẩy nhanh tiến độ xây lắp. Đến nay, tiến độ thi công ước đạt 50% giá trị hợp đồng, tỷ lệ giải ngân vốn đạt 46%”.
Dự án Trụ sở Tỉnh ủy và các ban Đảng tỉnh Yên Bái cũng đang trong giai đoạn gấp rút đẩy tiến độ. Dự án có quy mô đầu tư nhà chính, gồm: công trình cấp I, gồm tầng trệt, tầng 1 đến 6 và tầng tum, công năng bố trí làm khối nhà làm việc của Tỉnh ủy và các ban Đảng, nhà công vụ, nhà đa năng...; có tổng mức đầu tư 410 tỷ đồng, riêng phần xây lắp trên 200 tỷ đồng.
Ông Vũ Bằng Việt - kỹ sư trưởng chỉ đạo thi công công trình cho biết: "Công trình được khởi công tháng 7/2023 và dự kiến hoàn thành quý I/2025. Nhờ sự quan tâm sát sao của tỉnh, các đơn vị thi công đã huy động nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch, mục tiêu đề ra. Đến nay, tiến độ thực hiện ước đạt trên 60% giá trị hợp đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 50%”.
Những năm qua, với nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, nhất là chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư xây dựng, phê duyệt kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện và giải ngân của từng dự án, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân, người đứng đầu gắn với trách nhiệm và thời gian hoàn thành đối với từng công việc nên việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện 26 dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư hơn 13.300 tỷ đồng.
Ông Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Vốn đầu tư công xác định là vốn "mồi", có vai trò chủ đạo dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế để đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm. Vì vậy, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng được tỉnh đặc biệt ưu tiên, đôn đốc triển khai, thực hiện.
Nhờ vậy, hằng năm, Yên Bái luôn nằm trong nhóm 20/63 tỉnh có tỉ lệ giải ngân cao của cả nước, được bộ, ngành đánh giá cao. Với kết quả này, hằng năm, tỉnh Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch vốn ngân sách trung ương (năm 2021 được giao bổ sung 250 tỷ đồng; năm 2022 được giao bổ sung 350 tỷ), qua đó có thêm nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác sử dụng các dự án đầu tư công, tạo năng lực mới thúc đẩy tăng trưởng.
Năm 2024 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Yên Bái đặt ra mục tiêu đẩy mạnh đầu tư xây dựng, trong đó xác định đầu tư công là động lực dẫn dắt, thu hút đầu tư ngoài Nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kịch bản chi tiết thực hiện và giải ngân các dự án, trong đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp, phân công rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị gắn với nhiệm vụ cụ thể; thành lập Tổ công tác đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các dự án trọng điểm.
Đặc biệt, trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đơn vị chủ đầu tư trong công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở, ngành chỉ đạo và chịu trách nhiệm đối với từng dự án thành phần, được các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao.
"Trong quá trình thực hiện, Sở đã chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền; ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, đặc biệt đối với các chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, lựa chọn danh mục đầu tư, thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, qua đó giảm tối đa việc điều chỉnh dự án.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng; thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân để kịp thời gỡ khó trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch triển khai dự án; thực hiện giải pháp giải phóng mặt bằng đến đâu triển khai đến đó... Nhờ vậy, hết tháng 11/2024, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Yên Bái đạt 67% kế hoạch, cao hơn bình quân chung cả nước (là 60,5%). Riêng giải ngân vốn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt trên 82,7%”, ông Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp... để đáp ứng yêu cầu phát triển; quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, trong đó ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm, cấp thiết; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tổ chức, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo kịch bản đã đề ra, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.