Sáng kiến du lịch 'hoang đường' của Thái Lan

Thái Lan ra sức thuyết phục một số thành viên ASEAN ủng hộ chính sách thị thực chung, nhưng ý tưởng đầy tham vọng này chưa đi đến đâu sau một năm nỗ lực.

 Du khách Việt Nam vui chơi tại Khu du lịch Legoland Malaysia. Ảnh: Linh Huỳnh.

Du khách Việt Nam vui chơi tại Khu du lịch Legoland Malaysia. Ảnh: Linh Huỳnh.

Vào đầu những năm 90 của thế kỉ XX, Thủ tướng Malaysia bấy giờ Mahathir Mohamad thúc đẩy sáng kiến thành lập Hội đồng Kinh tế Đông Á (EAEC). Một bữa trưa kết hợp hội họp đã được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) nhằm vận động sự ủng hộ từ các quốc gia châu Á khác cho ý tưởng này.

Khi cuộc họp kết thúc, một nhà báo kỳ cựu đến từ Indonesia đặt câu hỏi cho chính trị gia Ấn Độ Ajit Singh: "ASEAN cần thêm bao nhiêu bữa trưa như vậy nữa để EAEC trở thành hiện thực?".

Khi đó, Tổng thư ký ASEAN chỉ cười, nói rằng kế hoạch này vẫn đang trong giai đoạn đầu, rồi bước đi.

Kết quả, ý tưởng thành lập EAEC không thể tiến xa và cuối cùng rơi vào quên lãng.

Một câu hỏi tương tự cũng được đặt ra cho sáng kiến "Sáu quốc gia, một điểm đến" mà Thái Lan đang thúc đẩy. "Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cần thêm bao nhiêu cuộc họp nữa để kế hoạch này có thể thành hiện thực?".

Đông Nam Á trở thành khu vực thu hút khách bậc nhất trên thế giới với đa dạng trải nghiệm, chi phí phải chăng. Ảnh: Linh Huỳnh.

Đông Nam Á trở thành khu vực thu hút khách bậc nhất trên thế giới với đa dạng trải nghiệm, chi phí phải chăng. Ảnh: Linh Huỳnh.

"Sáu quốc gia, một điểm đến" lấy cảm hứng từ khối Schengen của Liên minh châu Âu. Theo đó, du khách có thể nhập cảnh vào một quốc gia và tự do di chuyển đến 5 quốc gia còn lại.

Thái Lan ra sức cố gắng thuyết phục một số nước thành viên ASEAN ủng hộ chính sách này, bao gồm Myanmar, Việt Nam, Campuchia, Lào và Malaysia. Những nỗ lực vận động hành lang đã bắt đầu từ thời cựu Thủ tướng Srettha Thavisin và vẫn được tiếp tục đến ngày nay.

Trên lý thuyết, kế hoạch này có vẻ dễ dàng và hấp dẫn vì có thể mang lại lợi ích cho ngành du lịch của các nước tham gia. Vậy thì tại sao đã gần một năm trôi qua, sáng kiến này vẫn chưa có tiến triển gì đáng kể?

Trước hết, sáng kiến gây ấn tượng xấu ngay từ đầu khi Thái Lan đưa Myanmar vào danh sách. Điều này khiến kế hoạch trở nên kém hấp dẫn vì hiện nay, nhiều du khách tránh xa Myanmar sau khi chính quyền quân sự lật đổ chính phủ dân cử do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo vào 4 năm trước. Sau đó, Thái Lan lặng lẽ loại Myanmar ra khỏi danh sách và thay thế bằng Brunei.

Vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Các thủ tục hành chính cũng là một rào cản lớn, vì cả 6 quốc gia cần đơn giản hóa, thống nhất các quy định về nhập cảnh và thị thực để thuận tiện cho du khách.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất lại đến từ khía cạnh kinh doanh.

Ngành du lịch là một lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt khi mỗi quốc gia đều tìm cách thu hút du khách đến và chi tiêu nhiều hơn tại đất nước mình.

Thái Lan vẫn giữ quan điểm cũ rằng họ sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách thị thực chung vì các sân bay ở Bangkok có thể đóng vai trò là trung tâm trung chuyển du khách đến các nước còn lại. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi.

Hiện nay, các nước láng giềng không còn phụ thuộc vào Thái Lan để tiếp cận du khách. Ai có thể tưởng tượng rằng Emirates, một hãng hàng không có trụ sở tại Dubai, sẽ mở đường bay thẳng đến Phnom Penh? Và Lao Aviation - một hãng hàng không quốc gia của Lào - lại có chuyến bay thẳng đến Seoul để đón khách Hàn Quốc?

Trong khi đó, Malaysia đang nâng cấp Sân bay quốc tế Kuala Lumpur để trở thành một trong những trung tâm hàng không tốt nhất trong khu vực.

 Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra kiểm tra tiến độ xây dựng tuyến đường nối trạm kiểm soát hải quan Sadao mới với trạm kiểm soát hải quan Bukit Kayu Hitam (Malaysia) vào ngày 18/2. Ảnh: Tòa nhà Chính phủ Thái Lan.

Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra kiểm tra tiến độ xây dựng tuyến đường nối trạm kiểm soát hải quan Sadao mới với trạm kiểm soát hải quan Bukit Kayu Hitam (Malaysia) vào ngày 18/2. Ảnh: Tòa nhà Chính phủ Thái Lan.

Khi du lịch là một ngành kinh doanh, điều đó có nghĩa là 6 quốc gia này thực chất đang cạnh tranh với nhau để thu hút khách, trong khi Thái Lan vẫn xem đây là một kế hoạch "đôi bên cùng có lợi".

Trong nỗ lực mới nhất nhằm thúc đẩy kế hoạch "Sáu quốc gia, một điểm đến", Thái Lan tổ chức các cuộc đàm phán với Campuchia và Malaysia.

Vào tháng 10/2024, trong cuộc đàm phán với Campuchia, Thái Lan nhanh chóng tuyên bố sáng kiến này được Phnom Penh ủng hộ. Tuyên bố đó sau đó đã bị Phnom Penh phủ nhận.

"Chúng tôi không thể nói bất cứ điều gì về chính sách này trừ khi mọi thứ được chính phủ Thái Lan làm rõ", Top Sopheak, phát ngôn viên Bộ Du lịch Campuchia, giải thích.

Khi Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn đến Malaysia vào tháng 12/2024, bà cũng đề cập đến vấn đề này với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Phó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan - bà Sasikarn Watthanachan - nhanh chóng tuyên bố rằng Malaysia ủng hộ ý tưởng này. Tuy nhiên, bản tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp lại cho thấy điều ngược lại. Trong tuyên bố có đoạn: "Hai thủ tướng hoan nghênh các quan chức tiếp tục thảo luận" về vấn đề này.

Bất kỳ ai hoạt động trong giới ngoại giao đều hiểu ý nghĩa của một tuyên bố được viết như vậy. Nó có thể được hiểu rằng cần thêm thời gian để nghiên cứu ý tưởng này, hoặc có thể chỉ là cách lịch sự để nói rằng "chúng tôi vẫn chưa đồng ý với ý tưởng của các bạn".

Có thể thấy, Thủ tướng Thái Lan và nhóm của bà cần tổ chức thêm nhiều cuộc họp nữa nếu muốn kế hoạch này có thể thực sự đi vào thực tế trong tương lai.

Bài viết là phân tích của Saritdet Marukatat, cây viết và cựu Biên tập viên Digital Media tại nhật báo 79 năm tuổi tại Thái Lan Bangkok Post. Bài báo được đăng tải trên Bangkok Post ngày 19/2.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/sang-kien-du-lich-hoang-duong-cua-thai-lan-post1532925.html
Zalo