'Xương đồng da sắt' hay 'chân đồng da sắt'?
Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên) thu tập bản 'Chân đồng da sắt' và chú thích như 'Chân đồng vai sắt'.

Trong một chương trình trò chơi tìm hiểu về tiếng Việt trên truyền hình, ban tổ chức đưa ra yêu cầu “Hoàn thiện cụm từ sau: Ch_n đ_n_d_s_t”
Người chơi lúng túng. Người dẫn chương trình đưa ra gợi ý “Ý nói người kiên trì, gan dạ, mạnh mẽ”. Nhưng người chơi vẫn không trả lời được, và đáp án của chương trình là “Chân đồng da sắt”.
Ở đây có hai điểm cần bàn:
Thứ nhất, nội dung gợi ý của người dẫn chương trình “Ý nói người kiên trì, gan dạ, mạnh mẽ”, không chính xác, không ứng với nghĩa của thành ngữ mà ban tổ chức yêu cầu người chơi hoàn thiện.
Thứ hai, bản “Chân đồng da sắt” mà Đại từ điển tiếng Việt thu thập, và chương trình trò chơi tiếng Việt đưa ra là một kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Sau đây là một vài phân tích.
1. Tính chính xác của văn bản
Liên quan đến lối nói ẩn dụ lấy “sắt” và “đồng” làm biểu tượng, có một số bản như “Xương đồng da sắt”, “Mình đồng da sắt”, “Chân đồng vai sắt”. Chúng ta thấy có những điểm ràng buộc gì trong từng cặp so sánh này?
- Xương đồng da sắt (từ căn cốt bên trong đến sự bao quát bên ngoài).
- Chân đồng vai sắt (từ trên xuống dưới với hai điểm nhấn là trụ cột vững chãi và nơi gánh vác, chịu đựng).
- Mình đồng da sắt (từ tổng thể, cốt lõi bên trong đến lớp bao phủ bên ngoài).
Còn bản của Đại từ điển tiếng Việt và chương trình trò chơi tìm hiểu về tiếng Việt trên truyền hình thì sao?
Nhà biên soạn từ điển và người làm kịch bản đã cắt phần “chân đồng” của bản “Chân đồng vai sắt” để ghép với “da sắt” ở bản “Xương đồng da sắt”,... rồi biến thành “Chân đồng da sắt”. Đây là lối so sánh què quặt, không tạo được sự bao quát từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ trụ cột cho đến điểm gánh chịu sức nặng.
2. Nghĩa chính xác của thành ngữ
Các bản đồng nghĩa “Chân đồng vai sắt”, “Xương đồng da sắt”, “Mình đồng da sắt” được nhiều cuốn từ điển ghi nhận và giải nghĩa. Tiêu biểu như Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Vietlex) giảng “Xương đồng da sắt” là: “tả người có sức khỏe và sức chịu đựng gian khổ hơn hẳn người khác” và lấy ví dụ “Con nhà nông, trời đã cho sẵn bộ xương đồng da sắt để chống với nắng mưa (Nguyễn Công Hoan)”, với lời chú đồng nghĩa với “chân đồng vai sắt, mình đồng da sắt”. Tố Hữu trong bài “Ba mươi năm đời ta có Đảng” đã vận dụng chính xác thành ngữ này “Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây, xương sắt da đồng”.
Như vậy, các bản chính xác là Xương đồng da sắt, Chân đồng vai sắt, Mình đồng da sắt; còn bản “Chân đồng da sắt” thiếu chính xác về mặt văn bản.
Các bản thành ngữ đồng nghĩa Xương đồng da sắt, Chân đồng vai sắt, Mình đồng da sắt nói về sức mạnh thể chất, ví với người có sức khỏe, sức chịu đựng gian khổ. Trong khi cũng dùng “sắt”, “đồng”, “vàng”, “đá”,... để ví von so sánh, nhưng một số thành ngữ đồng nghĩa như “Gan vàng dạ sắt”, “Dạ sắt gan vàng”, “Lòng gang, dạ thép”, “Dạ sắt, gan đồng”, “Dạ đá, lòng gang”, “Dạ ngọc, gan vàng”... lại nói về sức mạnh tinh thần, ví với người luôn giữ vững chí hướng, gan dạ kiên trung, không nao núng, dao động trước mọi khó khăn, thử thách, và chúng sẽ gần nghĩa hơn với nội dung “Ý nói người kiên trì, gan dạ, mạnh mẽ” mà chương trình trò chơi tìm hiểu về tiếng Việt gợi ý.