Sáng 6/5, Quốc hội thảo luận Luật Nhà giáo

Theo chương trình, sáng 6/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.

Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Trước khi thảo luận ở hội trường, ông Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8. Ngày 20/11/2024, Quốc hội dành trọn phiên làm việc buổi sáng để thảo luận về dự án Luật này.

Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 45 điều, quy định về hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế đối với nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo.

Các chính sách trong dự thảo Luật đã được Chính phủ đề xuất và Quốc hội thông qua gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Các chính sách này nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng: “Phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, nhà giáo có vai trò quyết định chất lượng giáo dục”; kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo; đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập về chất lượng và hoạt động nghề nghiệp; tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn quản lý nhà giáo.

Một trong những điểm nhấn của của dự thảo Luật Nhà giáo là, làm rõ định hướng giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; quy định việc tuyển dụng nhà giáo đảm bảo phải có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.

Ngoài ra, theo dự thảo luật, các chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được quy định đầy đủ, làm căn cứ để bố trí, phân công nhà giáo phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp và các yêu cầu của ngành Giáo dục.

Chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật

Theo dự kiến chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, Luật Nhà giáo sẽ được biểu quyết thông qua vào chiều 11/6/2025.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sang-65-quoc-hoi-thao-luan-luat-nha-giao-post729854.html
Zalo