Quảng Nam phấn đấu giáo dục đạt trình độ khu vực vào năm 2030

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành quyết định số 1004/QĐ-UBND phê duyệt Chiến lược Phát triển giáo dục tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phấn đấu phát triển giáo dục Quảng Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Mô hình thư viện số và phòng học STEM tại 3 cơ sở trường học ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam vừa được đưa vào sử dụng cuối năm 2024 với quy mô đầu tư hơn 11 tỉ đồng

Mô hình thư viện số và phòng học STEM tại 3 cơ sở trường học ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam vừa được đưa vào sử dụng cuối năm 2024 với quy mô đầu tư hơn 11 tỉ đồng

Chiến lược Phát triển giáo dục tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu tổng quát kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, hiếu học của Quảng Nam, tiếp thu văn minh nhân loại, chủ động tham gia và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến bộ của khoa học, công nghệ.

Chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, phát huy tối đa tiềm năng, năng lực sáng tạo nhằm xây dựng và phát triển toàn diện con người Quảng Nam, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển của tỉnh trong kỷ nguyên mới, hướng tới đào tạo công dân toàn cầu.

Xây dựng hệ thống giáo dục mở, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận giado dục, phục vụ học tập suốt đời, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.

Phấn đấu phát triển giáo dục Quảng Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Một số mục tiêu cụ thể đặt ra đến năm 2030 như sau: Đối với GD mầm non, 100% địa phương hoàn thành phổ cập GD mầm non; huy động 40% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 98% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường; 100% trẻ đến trường được học 2 buổi/ngày;…

Giáo dục Tiểu học: Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3 theo quy định. Bảo đảm tỷ lệ 1 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp theo quy định; 80% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Bảo đảm đủ tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định và cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học, các hoạt động giáo dục;...

Giáo dục trung học: Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS và 80% địa phương đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi hoàn thành chương trình THCS đạt 99%, THPT đạt 95%.

Tỷ lệ học sinh khuyết tật về trí tuệ trong độ tuổi THCS được tiếp cận giáo dục đạt trên 95%, THPT đạt 90%. Đạt 80% trường có cấp trung học cơ sở và 60% trường có cấp THPT đạt chuẩn quốc gia,...

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đối với GD thường xuyên, GD nghề nghiệp, GD đại học và tầm nhìn 2045 đối với các cấp học. Xây dựng TP Tam Kỳ, Hội An được công nhận là thành phố học tập theo tiêu chuẩn của UNESCO.

Các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra như: Thực hiện các giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Có chính sách khuyến khích, ưu đãi đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành công tác tại vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo; nhất là nhà giáo, cán bộ quản lý là nữ, người dân tộc thiểu số, nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Đổi mới công tác quản lý giáo dục theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, kiến tạo để phát triển. Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Nâng cao chất lượng giáo dục, chú trọng giáo dục các giá trị cốt lõi, nhân bản, phát huy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc. Tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ và công tác y tế trong trường học,…Thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Triển khai hệ thống giáo dục theo hướng mở; linh hoạt, đa dạng hóa các mô hình đào tạo, chương trình giáo dục và phương thức học tập để phù hợp với đối tượng người học; thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và chuyển đổi số trong giáo dục.

Chú trọng phát triển giáo dục miền núi, rà soát, quy hoạch hệ thống mạng lưới trường, lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục. Tăng cường hợp tác quốc tế.

THU HOÀI

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/quang-nam-phan-dau-giao-duc-dat-trinh-do-khu-vuc-vao-nam-2030-131008.html
Zalo