Xung đột Nga-Ukraine: Thỏa thuận ngừng bắn, lòng tin, con bài và bao giờ đến đích

Các bên đều nói đến thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt xung đột. Tiến trình đạt bước tiến nhỏ, nhưng xem ra còn phải vượt qua rất nhiều vật cản.

Thỏa thuận ngừng bắn Nga-Ukraine còn xa? (Nguồn: Getty)

Thỏa thuận ngừng bắn Nga-Ukraine còn xa? (Nguồn: Getty)

Câu chuyện lòng tin

Có ý kiến cho rằng xảy ra xung đột ở Ukaine và vật cản trong đàm phán ngừng bắn là do thiếu lòng tin chiến lược. Tìm kiếm lòng tin chỉ có thể giữa những bên có hiểu nhầm, hiểu sai về nhau. Ở đây, là những ý đồ, mục tiêu, kế hoạch chiến lược được hoạch định và triển khai trong nhiều năm.

Phương Tây coi Moscow là mối đe dọa an ninh lâu dài. NATO nhiều lần mở rộng, siết vòng vây quanh Nga, Ukaine là nước cờ chốt. Kiev lựa chọn con đường đoạn tuyệt Nga, đi theo phương Tây, NATO. Moscow khẳng định xung đột là không tránh khỏi, để bảo đảm an ninh quốc gia. Vấn đề là sự đối đầu chiến lược. Tìm kiếm lòng tin chiến lược không phải là cốt lõi, ít nhất là ở thời điểm này.

Nhưng có một thứ lòng tin khác. Ukaine tin sẽ được kết nạp vào NATO, có “ô an ninh” vĩnh cửu; chắc chắn được phương Tây “chống lưng” và với sức mạnh của liên minh, nhất định Nga sẽ thất bại. Phương Tây tin tưởng vào sức mạnh của số đông, coi đây là cơ hội loại bỏ tận gốc mối đe dọa và cho rằng Moscow đang rất khó khăn. Nga tin chiến dịch quân sự đặc biệt nhất định đạt mục tiêu trong thời gian không dài.

Thực tế điều tin tưởng đã không xảy ra. “Đâm lao thì phải theo lao”, nếu không công sức thành “đổ xuống sông, xuống biển”. Ngoài ra, các bên vẫn tin rằng mình còn “con bài” để buộc đối phương nhượng bộ, thực hiện phần nào mục tiêu đề ra.

Toan tính và những con bài

Mỹ muốn “thoát ra, đứng trên xung đột”, làm người cầm trịch, giải quyết xung đột theo kịch bản của mình, khẳng định vị thế số một, không tốn thêm chi phí mà vẫn thu lợi, tập trung nguồn lực đưa “nước Mỹ trở lại vĩ đại”, đối phó với Trung Quốc, thực hiện mục tiêu chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Con bài của Mỹ là khả năng gây áp lực với cả Ukaine, EU và Nga; Moscow muốn cải thiện quan hệ, tháo gỡ lệnh trừng phạt. Sức ép của Washington có thể buộc Kiev chấp nhận, nhưng khó bắt Moscow nhượng bộ những điều kiện cơ bản.

Con bài của châu Âu là tiếp tục viện trợ quân sự, tài chính, dự tính đưa đội quân “trấn an” đến Ukaine, quyết giữ “vùng đệm an ninh”, kéo dài tiến trình đàm phán, tạo thế cho Kiev xoay chuyển tình thế, tránh bị đẩy ra rìa. Tuy nhiên, dù EU cố gồng mình, thì “lực bất tòng tâm”, khó tác động đến chiều hướng, cục diện nếu thiếu Mỹ. Mà Mỹ thì đang không hài lòng với “động thái cản trở” của châu Âu.

Nga giành lợi thế chiến trường, nên có con bài để mặc cả. Ngoài điều kiện ban đầu, Moscow nhấn thêm việc chấm dứt viện trợ quân sự, dỡ bỏ lệnh trừng phạt và tính pháp lý của chính quyền Kiev. Đây là vấn đề phức tạp, khiến đàm phán ngừng bắn kéo dài. Điều đó không ảnh hưởng lớn đến Nga.

Nga có thể tận dụng sự rạn nứt giữa Mỹ và châu Âu, gia tăng hoạt động quân sự, chiếm thêm mục tiêu quan trọng, đẩy Ukaine vào thế bất lợi, phải nhượng bộ. Nhưng “già néo đứt dây”. Vấn đề của Moscow là dừng đúng lúc.

Ukaine có thể tận dụng nỗi lo đe dọa an ninh của châu Âu và hy vọng có thêm cam kết từ Mỹ, EU. Kiev chấp thuận ngừng bắn theo kế hoạch của Mỹ để tranh thủ sự ủng hộ từ Washington và cho rằng Nga không đồng ý sẽ khiến Tổng thống Donald Trump mạnh tay hơn. Thực chất, Kiev muốn ngừng bắn trên không, trên biển để hạn chế lợi thế của Moscow, tạo điều kiện khôi phục địa bàn trên bộ, đánh chiếm thêm mục tiêu của Nga. Nhưng như đánh giá của Tổng thống Mỹ, Kiev không có con bài đáng kể nào.

Như vậy, vật cản lớn nhất của thỏa thuận ngừng bắn là mục tiêu chiến lược của các bên trái ngược nhau. Vấn đề cốt lõi của đàm phán ngừng bắn là các bên thỏa hiệp, thu hẹp mâu thuẫn bất đồng.

Đúng hướng nhưng vẫn nhiều “hố sâu”

Với tương quan thế và lực, xung đột khó kết thúc theo kiểu “lấm lưng trắng bụng”. Khả dĩ nhất là chấm dứt xung đột trên bàn đàm phán. Thỏa thuận ngừng bắn có điều kiện là bước đột phá. Để đạt thỏa thuận ngừng bắn phải qua những bước nhỏ.

Các bên chấp nhận ngừng tấn công vào cơ sở hạ tầng của nhau và tiếp tục đối thoại về ngừng bắn trên Biển Đen là bước tiến đúng hướng, đáng khích lệ. Nhưng sau ngày 18/3, cả Nga và Ukaine đều tố cáo nhau vi phạm.

Điều vướng nhất để khôi phục sáng kiến Biển Đen là Moscow yêu cầu dỡ bỏ lệnh trừng phạt với nông sản, phân bón và kết nối lại ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) với hệ thống tin nhắn thanh toán toàn cầu (SWIFT). EU từ chối, đòi Nga “rút quân vô điều kiện”.

Tình hình phức tạp đến mức mà Mỹ phải thừa nhận không thể đạt thỏa thuận ngừng bắn theo “Kế hoạch 100 ngày”. Tiếp theo sẽ là các cuộc “ngoại giao con thoi” kèm răn đe. Nhưng con bài “cây gậy và củ cà rốt” cũng khó tác động lớn. Nhân tố quyết định vẫn là cục diện chiến trường và có thể là đột biến chính trị của một bên.

Theo dự báo, trong năm 2025, có thể đạt thỏa thuận ngừng bắn. Nhưng nó cũng có thể bị phá vỡ bởi hành động của một bên. Bước ngoặt xảy ra khi Anh, Pháp quyết đưa quân vào Ukaine. Nga không thể đồng ý và chắc chắn đáp trả. Xung đột có thể mở rộng khó kiểm soát.

Như vậy, con đường đã hình thành, nhưng còn nhiều “hố sâu”, bước ngoặt. Điều chúng ta có thể hy vọng là xung đột không thể kéo dài mãi. Điều cần, hợp với xu thế nhất định sẽ đến.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

TS. Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-nga-ukraine-thoa-thuan-ngung-ban-long-tin-con-bai-va-bao-gio-den-dich-309654.html
Zalo