Thế giới xiêu vẹo trước 'cơn bão' từ Nhà Trắng

Việc Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế suất cao chưa từng có với các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Nhiều chuyên gia lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế diện rộng sau 'cú sốc' từ Nhà Trắng, nhưng cũng có không ít người tin rằng động thái của ông Trump chỉ nhằm gây sức ép để các nước nhượng bộ hơn trong đàm phán thương mại với Washington.

Công thức tính thuế “lạ”

Máy tính xách tay sản xuất ở Đài Loan (Trung Quốc), rượu vang từ Ý, tôm đông lạnh Ấn Độ, giày Nike từ Đông Nam Á hay quả bơ Ireland là những mặt hàng được người Mỹ yêu thích và từng xuất hiện tràn ngập các siêu thị, trở thành minh chứng cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới này rộng mở và hấp dẫn thế nào với hàng hóa từ khắp thế giới. Nhưng tình thế đang thay đổi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng tấm bảng ghi mức thuế với các nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng tấm bảng ghi mức thuế với các nước.

Sau nhiều tuần úp mở về chính sách thuế mới với hàng hóa nước ngoài, Tổng thống Mỹ Donald Trump chiều 2/4 xuất hiện ở Vườn Hồng trong khuôn viên Nhà Trắng cùng tấm bảng nêu mức thuế đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại. Trong đó, khoảng một nửa số nền kinh tế chịu mức thuế chung 10%, hiệu lực từ ngày 5/4; còn các đối tác mà Mỹ có thâm hụt thương mại (Mỹ nhập khẩu giá trị hàng hóa từ nước đó nhiều hơn xuất khẩu) phải chịu mức cao hơn, lên tới 50% và áp dụng sau một tuần, từ ngày 9/4.

Trong số các nền kinh tế lớn bị ảnh hưởng có Liên minh châu Âu (EU) với mức thuế 20%; Trung Quốc chịu thêm 34% ngoài mức 20% của hiện tại; Nhật Bản và Ấn Độ chịu thuế bổ sung lần lượt là 26 và 27%. Các nước khu vực Đông Nam Á nhìn chung hứng mức thuế cao hơn nữa: Việt Nam 46%, Campuchia 49%, Thái Lan 37%, Malaysia 24%... “Nếu các bạn muốn thuế bằng 0, thì hãy sản xuất tại Mỹ”, Tổng thống Trump phát biểu.

Theo New York Times, Nhà Trắng mô tả chính sách vừa công bố không chỉ là thuế quan thông thường mà nó được Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump tính toán dựa trên quan điểm của Mỹ về chính sách của các nước liên quan đến rào cản phi thuế quan hoặc tiền tệ. Nhà Trắng chưa công bố cách tính thuế, nhưng New York Times cho rằng, các quan chức Mỹ đã áp dụng công thức: Thuế quan = (Thâm hụt thương mại song phương) / (Tổng giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ nước đó). Và vì ông Trump nói rằng, Mỹ vẫn đang “tử tế”, nên ông chia đôi kết quả ra và lấy con số cuối cùng để công bố.

Ví dụ, Mỹ có thâm hụt thương mại song phương với Trung Quốc là 291,9 tỷ USD và nhập khẩu 433,8 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Trung Quốc trong năm 2024. Mức thuế theo cách tính nói trên sẽ là 291,9/433,8=67%, sau đó chia đôi là 34%, đúng con số mà ông Trump công bố. Như vậy, cách tính này có lẽ không dựa trên thuế quan thực tế mà các nước công bố mà dựa trên mức độ mất cân bằng thương mại theo cách tính của Mỹ, điều mà ông Trump nhiều lần coi là vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết.

Vẫn còn gần một tuần cho tới khi mức thuế suất mới đi vào hiệu lực, nhưng mức thuế quan mới đã gây bất ngờ trên toàn thế giới vì nó cao hơn mọi dự báo được giới truyền thông Mỹ và các chuyên gia đề cập trước đó. Peter Tchir, giám đốc chiến lược vĩ mô tại Academy Securities, đánh giá: “Con số mà Tổng thống Trump công bố cao một cách đáng kinh ngạc so với những gì mọi người dự báo và điều này không thể giải thích được theo nhiều cách. Đây thực sự là một thảm họa”.

Trong ngày 3/4, thị trường tài chính toàn cầu đã chứng kiến một cú rung chuyển thậm chí mạnh mẽ hơn cả khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, với sắc đỏ tràn ngập thị trường chứng khoán Mỹ và các nước, nhất là châu Á. Trong đó, chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm 4%. Tại châu Á, các chỉ số tiêu chuẩn của Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong giảm từ 2-3%, thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm gần 7%, mức kỉ lục trong nhiều năm qua. Đã có những dấu hiệu phục hồi nhẹ sau phiên hoảng loạn đầu tiên, nhưng có lẽ sẽ mất nhiều tháng để chỉ số trở lại như trước.

Trái ngược với giá chứng khoán, giá vàng thế giới liên tục phá đỉnh, trước khi hạ nhiệt. Các nhà đầu tư đã đổ xô mua thứ kim loại quý này để tích trữ tài sản trước biến động, khiến nó tăng thêm gần 1%, nâng mức tăng trong hơn 3 tháng đầu năm lên 19%, đánh dấu mức tăng đáng kể nhất theo quý từng được ghi nhận từ năm 1986.

Lãnh đạo các nước “ngồi trên đống lửa”

Đối với Tổng thống Trump, quan hệ ngoại giao với Mỹ dường như không mấy tác động đến quyết định của ông về thuế quan. Dù là đồng minh, đối tác thân thiết hay đối thủ, công thức áp thuế tương đối giống nhau. Australia và Brazil, dù nhập khẩu từ Mỹ nhiều hơn xuất khẩu, cũng bị áp thuế. Những giờ qua, lãnh đạo các nền kinh tế lần lượt lên tiếng về động thái áp thuế suất của Mỹ, nhưng sắc thái khác nhau.

Bên trong một nhà máy dệt may ở Campuchia, quốc gia bị Mỹ áp thuế 49%.

Bên trong một nhà máy dệt may ở Campuchia, quốc gia bị Mỹ áp thuế 49%.

Với thái độ kiên quyết, Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới, cũng là nước xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ, khẳng định sẽ thực hiện các “biện pháp đối phó mạnh mẽ để bảo vệ quyền và lợi ích”. Đại diện nền kinh tế thứ ba, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ra tuyên bố lúc 5 giờ sáng (giờ Brussels, nơi bà von der Layen phát biểu), nhấn mạnh khối sẽ sớm ra một phản ứng thống nhất và mạnh mẽ với “đòn giáng vào kinh tế thế giới” của Mỹ.

“Nếu các ông đối đầu với một trong số chúng tôi, các ông sẽ phải đấu với tất cả chúng tôi”, bà phát biểu. Ngay sau đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã yêu cầu doanh nghiệp Pháp đình chỉ đầu tư vào Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Đức Joerg Kukies thì cho biết Berlin hậu thuẫn một phản ứng mạnh mẽ của EU với Washington. Tại Mỹ Latinh, nền kinh tế lớn nhất là Brazil cũng đang cân nhắc các biện pháp đáp trả.

Bằng các tuyên bố bớt gay gắt hơn, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết, thuế quan của Tổng thống Trump là “biện pháp mà tôi cho là sai”, nhưng khẳng định Rome sẽ cùng châu Âu “làm mọi thứ có thể để đạt được thỏa thuận với Mỹ nhằm ngăn một cuộc chiến thương mại sẽ làm suy yếu phương Tây theo hướng có lợi cho các thế lực khác”. Thủ tướng Ireland Micheál Martin thì đánh giá động thái của Nhà Trắng là “vô cùng đáng tiếc” và “không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai”. Nhật Bản mô tả, mức thuế họ bị Mỹ áp đặt “rất đáng tiếc” và có thể vi phạm thỏa thuận trong khuôn khổ WTO cũng như các thỏa thuận thương mại song phương mà hai bên từng ký kết. Thủ tướng Anh Keir Starmer cùng ngày nêu rõ, “không ai thắng trong một cuộc chiến thương mại” và khẳng định, “các cuộc đàm phán về thỏa thuận thịnh vượng kinh tế, vẫn đang tiếp tục và chúng tôi sẽ đấu tranh để có được thỏa thuận tốt nhất cho nước Anh”.

Trong khi đó, hầu hết các nền kinh tế khác tỏ ra mềm mỏng, ngỏ ý sẵn sàng đàm phán trên cơ sở không trả đũa hoặc tìm cách tăng nhập khẩu, giảm thuế hàng hóa Mỹ. Theo Thủ tướng Australia Anthony Albanese, việc Mỹ áp thuế “không có cơ sở logic” nhưng nước này sẽ không chạy đua trả đũa bởi nó chỉ khiến giá cả tăng thêm và tăng trưởng chậm. Malaysia, quốc gia bị áp thuế 24%, khẳng định họ sẽ không tìm cách áp thuế đáp trả và sẽ tích cực làm việc với Mỹ “để tìm kiếm các giải pháp duy trì tinh thần thương mại tự do và công bằng”. Bộ Thương mại Hàn Quốc thì thông báo, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Han Duck-soo đã yêu cầu các quan chức Mỹ làm việc với các nhóm doanh nghiệp để phân tích tác động của mức thuế quan mới 25% nhằm “giảm thiểu thiệt hại”.

Bên trong nước Mỹ, các nhóm doanh nghiệp, chuyên gia thương mại, nhà kinh tế, nhà lập pháp đảng Dân chủ và thậm chí có cả một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đã lên tiếng phàn nàn về quyết định thuế quan của Tổng thống Trump. Cùng lúc đó, các hiệp hội, ngành công nghiệp chật vật lên phương án ứng phó với ảnh hưởng mà họ sắp phải gánh chịu.

Nguy cơ suy thoái hay “độc chiêu” đàm phán?

Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhập khẩu nhiều hàng hóa nhất thế giới với tổng giá trị hàng hóa nước ngoài được đưa vào lãnh thổ nước này năm 2024 là hơn 3.000 tỷ USD, theo số liệu thống kê của Reuters. Olu Sonola, Giám đốc nghiên cứu kinh tế Mỹ tại tổ chức Fitch Ratings, cho biết, mức thuế của Mỹ đối với hàng nhập khẩu hiện ở mức khoảng 22%, tăng từ 2,5% vào năm 2024. Chuyên gia Sonola nói rằng, lần cuối cùng Mỹ áp thuế suất cao như vậy là vào những năm 1910. “Đây là một bước ngoặt, không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia có thể sẽ rơi vào suy thoái”, ông Sonola đánh giá. “Các dự báo kinh tế lâu nay không còn ý nghĩa gì”.

Kinh tế toàn cầu đứng trước phép thử lớn.

Kinh tế toàn cầu đứng trước phép thử lớn.

Trên tờ ABCNews, các chuyên gia lí giải, đối nhiều nước, giá trị hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ chiếm tới hàng chục phần trăm GDP thường niên. Một số quốc gia như Bangladesh hay Sri Lanka đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ các cuộc khủng hoảng kinh tế trong nội địa. Nếu Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa của họ nhiều hơn các nước khác, họ sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh, đánh mất các đơn hàng, dẫn đến việc các doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động. Hậu quả là kinh tế sẽ sụt giảm, lượng công nhân thất nghiệp gia tăng. Hai nước này bị áp thuế lần lượt là 37 và 44%.

Đối với đồng minh và đối tác giàu có hơn của Mỹ, đòn thuế mới nhất mà Tổng thống Trump tung ra nhiều khả năng làm rạn nứt mối quan hệ giữa họ và Washington, đồng thời suy giảm ảnh hưởng của Washington trên trường quốc tế và định hình lại trật tự kinh tế toàn cầu. Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell (Mỹ), cho biết ông Trump tìm cách sửa đổi các quy tắc quản lý thương mại toàn cầu nhắm mục tiêu ngăn ngừa các nền kinh tế khác gây tổn hại đến kinh tế và người tiêu dùng Mỹ, nhưng cách áp thuế quan lần này có thể “phá hủy hệ thống quản lý thương mại quốc tế”. Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện Liên minh châu Âu, thậm chí nêu quan điểm, trong khi Tổng thống Trump gọi ngày công bố thuế quan mới là “Ngày Giải phóng”, ông coi đó là “Ngày Lạm phát”.

Từ phía doanh nghiệp Mỹ, ngay cả khi không xét tới nguy cơ các nước đáp trả (Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã cảnh báo các nước không nên “trả đũa” mà hãy “ngồi yên và chấp nhận”. “Bởi vì nếu bạn trả đũa, tình hình sẽ leo thang”, ông nói với FoxNews), hàng rào thuế quan sẽ lập tức ảnh hưởng đến các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu thô nhập khẩu. “Khi doanh nghiệp và người tiêu dùng lo lắng và cắt giảm chi tiêu, Mỹ sẽ rơi vào suy thoái”, Kara Reynolds, nhà kinh tế học tại Đại học Mỹ, dự báo. ABCNews định nghĩa, một nền kinh tế bị coi là suy thoái nếu tăng trưởng GDP đã điều chỉnh theo lạm phát mà âm liên tiếp hai quý. Tổ chức Goldman Sachs ngay trong ngày 3/4 nâng tỷ lệ dự báo nguy cơ suy thoái tại Mỹ trong năm tới từ 20% lên 35%.

Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến tin rằng, nguy cơ suy thoái và khả năng bùng phát thương chiến toàn cầu không cao, bởi ông Trump đã nhiều lần khẳng định ông chỉ muốn “làm cho hệ thống thương mại công bằng hơn”, có nghĩa rằng, Nhà Trắng sử dụng tuyên bố về thuế quan như một quân bài đàm phán và vẫn đang mở cửa để các đối tác thương lượng thêm nhằm đạt được các thỏa thuận song phương mà Mỹ coi là “công bằng” trước khi các mức thuế mới thật sự đi vào hiệu lực. Và với quan điểm như vậy, các nước có thể tìm cách xoa dịu Nhà Trắng bằng các cam kết đầu tư nhiều hơn vào Mỹ hoặc đáp ứng các yêu cầu có thể chấp nhận được khác mà Washington đưa ra trên cơ sở hài hòa lợi ích.

Trên thực tế, đã có những ví dụ về việc các nước thành công thuyết phục ông Trump hoãn thuế, điển hình là Mexico. Ngày 1/2, ông Trump tuyên bố áp thuế 25% với phần lớn hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada. Đây được coi là đòn giáng nặng nề với Mexico, bởi quốc gia này xuất khẩu gần 455 tỷ USD hàng hóa vào Mỹ, nhập khẩu 324 tỷ USD. Trước tình thế đó, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum không những không chỉ trích ông Trump mà lập tức đàm phán bí mật trên cơ sở nhượng bộ về các vấn đề biên giới hoặc triển khai quân đội để ngăn dòng chảy ma túy vào Mỹ. Chỉ sau hai ngày, ngày 3/2, ông Trump đồng ý hoãn áp thuế trong 30 ngày. Hết một tháng, ông Trump tiếp tục dọa áp thuế Mexico. Bà Sheinbaum lại thực hiện thêm nhiều cuộc trao đổi với ông chủ Nhà Trắng để nêu các giải pháp và cuối cùng được hoãn áp thuế thêm một tháng nữa.

Phùng Nguyễn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/the-gioi-xieu-veo-truoc-con-bao-tu-nha-trang-i764338/
Zalo