Xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP
Ngày 18/1, Trung tâm BSA phối hợp với chương trình trao đổi sản phẩm ngoài gỗ VIệt Nam (NTFP -EP) tổ chức 'VIETNAM MARKETING SUMMIT 2025 – Chương trình Xúc tiến thương mại – Phiên chợ sản phẩm OCOP – Đặc sản địa phương'.
VIETNAM MARKETING SUMMIT 2025 được tổ chức nhằm thúc đẩy việc kết nối giữa các đơn vị sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng thông qua việc trưng bày và giao dịch các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), đặc biệt là những sản phẩm đặc sản bản địa nổi bật của các địa phương, các vùng miền trên cả nước.
Chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP) Việt Nam được thành lập bởi Viện Sinh thái học Miền Nam và Chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ châu Á. NTFP-EP Việt Nam có vai trò thúc đẩy việc sử dụng và quản lý rừng bền vững; bảo tồn da dạng sinh học thông qua tăng cường năng lực của các cộng đồng phụ thuộc vào rừng và các doanh nghiệp lâm sản ngoài gỗ dựa vào cộng đồng. Hiện chương trình đang thực hiện dự án “AFOCO-CLMV-NTFP-EP Châu Á về cải thiện sinh kế địa phương và liên kết thị trường”.
Ông Lê Viết Bình, Phó chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phụ trách phía Nam cho biết, chủ thể sản xuất kinh doanh các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP thường là những người sản xuất những hộ kinh doanh doanh nghiệp vửa, nhỏ và siêu nhỏ từ các vùng nông thôn, miền núi. Hơn ai hết, họ rất cần những cầu nối để mở rộng kênh phân phối tiếp cận người tiêu dùng, sao cho sản phẩm được nhiều khách hàng biết đến và thúc đẩy thương mại.
Theo ông Bình, sản phẩm OCOP đã và đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, các sản phẩm nông nghiệp nông thôn từ khắp mọi miền tổ quốc được nâng tầm giá trị. Sản phẩm OCOP không những đã đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề thương mại hóa sản phẩm OCOP đang gặp khó khăn, giá trị tuyệt đối của sản phẩm OCOP trong nông sản Việt còn chiếm giá tỷ trọng rất nhỏ do đó cần phải có những giải pháp khuyến khích, quảng bá cũng như tiêu thụ sản phẩm OCOP cho người dân.
“Chính vì vậy, chương trình VIETNAM MARKETING SUMMIT 2025 gặp gỡ, kết nối mua bán, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP – Phiên chợ đặc sản bản địa” tại TP. Hồ Chí Minh còn có các hoạt động thực chiến, giao lưu giữa người bán - người mua với những sản phẩm độc đáo, đậm chất đồng bào… Chương trình nhằm thúc đẩy việc kết nối giữa các đơn vị sản xuất, nhà phân phối, và người tiêu dùng thông qua việc trưng bày và giao dịch các sản phẩm OCOP, đặc biệt là những sản phẩm đặc sản bản địa nổi bật của các vùng miền trên cả nước”, ông Bình nói.
Hàng loạt sản phẩm nổi bật đến từ các tỉnh thành vùng Tây Nguyên, vùng núi cao như Quảng Ninh có Trà Hoa vàng Ba Chẻ, Kompucha Trà Hoa vàng, Rượu Ba Kích tím, măng mai; Gia Lai với gạo bọc thép K’Bang, mật ong Voi Rừng, Trà dây rừng, rượu cần Đăk Giang, nấm linh chi, Sâm Khỏe Kon Pne, măng khô K’Bang; Kon Tum như đọt mây, dừa rừng, rau thơm, lá dong gói bánh, Rượu chòi mòi và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm Bana; Đắk Lắk: Nước rửa chén bò hồn, cao gội, cao tắm Mộc Tâm, …; Lâm Đồng có mật ong rừng Pơ Kao, cà phê hữu cơ, các loại rau lá bép, hạt ươi...
Nhiều nhất là các sản phẩm của cộng đồng đến từ Bình Thuận: các sản phẩm từ than hoạt tính như túi lọc khí, bột đánh răng, mật ong rừng Sông Phan măng khô Bang Vre; nhiều sản phẩm đến từ các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ như đan lát, giỏ xách… thổ cẩm, giỏ, gùi, nỏ, nia, đàn Chapi đến từ Ninh Thuận.
Theo ban tổ chức chương trình sẽ giúp nâng cao năng lực của cộng đồng trong tiếp thị cũng như xác định các nguồn vốn hỗ trợ khả dụng phù hợp với doanh nghiệp cộng đồng thông qua gặp gỡ các tổ chức chính phủ; các tổ chức phi chính phủ đang hỗ trợ cộng đồng. Các chuyên gia trong ngành chia sẻ những xu hướng mới, những chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với chương trình OCOP, cũng như các giải pháp giúp các sản phẩm OCOP nâng cao giá trị thương hiệu. Nhận diện xu hướng tiêu dùng năm 2025 và cách xúc tiến thương mại đa kênh trong tình hình mới. Đồng thời, chương trình kết nối mua bán với các phiên giao thương sẽ tạo điều kiện cho các nhà sản xuất và nhà phân phối gặp gỡ trực tiếp, tìm kiếm cơ hội hợp tác và ký kết hợp đồng.
“Chương trình không thể thiếu những gian hàng trưng bày các đặc sản nổi tiếng của từng vùng miền, mang đến cho người tiêu dùng cơ hội thưởng thức và mua sắm các sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao phục vụ Tết 2025”, đại diện ban tổ chức cho biết.
"Chương trình sẽ tạo cơ hội giao thương giữa các doanh nghiệp cộng đồng sản xuất sản phẩm OCOP và các đối tác tiềm năng. Đồng thời, chương trình xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đặc sản bản địa, giúp nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; tăng cường kết nối giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối, và người tiêu dùng, từ đó mở ra cơ hội hợp tác bền vững", ông Bình nói.