Thị trường vàng 2025 – đừng quá lạc quan!

Thị trường vàng đã có màn trình diễn chói sáng trong năm 2024. Xu hướng trong năm 2025 sẽ ra sao? Giá kim loại quý này có thể đối mặt với những cơ hội và thách thức gì?

Thị trường vàng tại Việt Nam là một ví dụ điển hình cho cách tiếp cận hành chính. Ảnh: LÊ VŨ

Thị trường vàng tại Việt Nam là một ví dụ điển hình cho cách tiếp cận hành chính. Ảnh: LÊ VŨ

Thận trọng trước những dự báo quá tích cực

Dù đã điều chỉnh trong hai tháng cuối năm 2024, khi rớt từ đỉnh cao gần mốc 2.800 đô la Mỹ/ounce về lại vùng 2.600 đô la Mỹ/ounce, thị trường vàng quốc tế giao ngay vẫn là một trong những kênh đầu tư mang lại suất sinh lời tốt nhất trong năm 2024 với mức tăng giá 27%. Đây cũng là năm tăng trưởng cao nhất của giá vàng trong thập niên qua. Bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang và kỳ vọng các ngân hàng trung ương (NHTƯ) quay lại chu kỳ nới lỏng chính sách đã thúc đẩy dòng vốn tìm đến kênh đầu tư này.

Nhìn về năm 2025, trong xu hướng tăng dài hạn, đa số dự báo dành cho thị trường vàng vẫn khá tích cực. Nền tảng longforecast.com dự báo giá vàng có thể chinh phục mốc 3.000 đô la/ounce từ giữa năm 2025. Mốc 3.000 đô la/ounce cũng là mục tiêu mà nhiều tổ chức kỳ vọng, từ JPMorgan, Bank of America, Goldman Sachs cho đến Citigroup.

Còn theo Ngân hàng UOB, đô la Mỹ tăng trở lại đang dẫn đến xu hướng tích lũy trong ngắn hạn đối với vàng. Nhưng giá kim loại quý này sẽ tiếp tục đà tăng trong năm 2025 và có thể leo lên mốc 3.000 đô la/ounce, khi nhu cầu trú ẩn an toàn dài hạn có khả năng sẽ vẫn mạnh trong bối cảnh rủi ro địa chính trị và kinh tế tiếp tục gia tăng từ nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ 2 của ông Donald Trump.

Trong khi đó, dự báo của Capital Economics có phần khiêm tốn hơn, khi cho rằng giá vàng có thể tăng nhẹ từ mức 2.650 đô la/ounce lên khoảng 2.750 đô la/ounce vào cuối năm 2025, khi đối mặt với các yếu tố bất lợi như đô la Mỹ mạnh và lợi suất trái phiếu cao.

Ở chiều ngược lại, tuy cũng có những dự báo cho rằng giá kim loại quý này có thể tiếp tục điều chỉnh về vùng 2.000-2.200 đô la/ounce, nhưng theo các chuyên gia xác suất cho kịch bản này rất thấp.

Dù vậy, các yếu tố cơ bản hỗ trợ cho thị trường vàng trong giai đoạn vừa qua đang có dấu hiệu suy yếu. Về căng thẳng địa chính trị, giới quan sát đang trông chờ vào một thỏa thuận chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine trong năm 2025, dưới sự ủng hộ của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hiện nhóm cố vấn của ông Trump được cho là có ý định sẽ sử dụng sức mạnh của Mỹ như một động lực nhằm thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn, đe dọa cắt đứt nguồn viện trợ dành cho Ukraine nếu Tổng thống Ukraine Zelensky từ chối đàm phán và ngược lại sẽ tăng đáng kể các nguồn lực này trong trường hợp không nhận được cái gật đầu của nhà lãnh đạo Nga Putin.

Yếu tố thứ hai là sức mạnh của đô la Mỹ có thể vẫn được duy trì, khi nền kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trước các chính sách kích thích kinh tế, áp đặt thuế quan và thu hút dòng vốn đầu tư đến Mỹ của ông Trump. Ngoài ra, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới đây cũng phát tín hiệu sẽ làm chậm lại lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ, với kế hoạch sẽ chỉ có hai lần giảm lãi suất cơ bản đô la Mỹ trong năm 2025 thay vì bốn lần như dự kiến trước đó.

Như vậy, hai yếu tố quan trọng nhất đã góp phần thúc đẩy đà tăng giá của thị trường vàng trong năm 2024 vừa qua có thể sẽ thay đổi trong năm 2025, do đó nhà đầu tư cần thận trọng. Trong trường hợp đạt được mục tiêu 3.000 đô la/ounce, giá vàng cũng chỉ ghi nhận mức tăng trưởng xấp xỉ 15% từ mức quanh mốc 2.600 đô la/ounce như hiện nay, chỉ gần bằng một nửa mức tăng trưởng có lúc đạt được trong năm 2024.

Lực đỡ từ đâu?

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, dù vẫn đang trong xu hướng tăng dài hạn, nhưng thị trường vàng cũng đã đi vào vùng quá mua từ tháng 4-2024 đến nay và đạt đỉnh quá mua vào tháng 10-2024, khi xét theo chỉ báo sức mạnh tương đối RSI trên biểu đồ tháng, đồng thời đang trải qua đợt điều chỉnh trong trung hạn. Lần đi vào vùng đỉnh quá mua gần nhất của thị trường là giai đoạn tháng 7-2020, sau giai đoạn tăng mạnh từ tháng 8-2018 rồi kéo dài trong suốt hai năm. Sau đó, thị trường đã trải qua giai đoạn điều chỉnh, tích lũy và củng cố kéo dài đến tận tháng 10-2022.

Nếu mô hình này lặp lại, không loại trừ khả năng thị trường vàng có thể lại phải trải qua giai đoạn điều chỉnh, tích lũy và củng cố trong hai năm kế tiếp. Với những yếu tố cơ bản hỗ trợ như căng thẳng địa chính trị, kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ và triển vọng sức mạnh của đô la Mỹ sẽ thay đổi so với năm 2024 như đã nói, có lý do để e ngại về những áp lực mà thị trường kim loại quý này có thể phải đối mặt trong giai đoạn tới.

Trong trường hợp thị trường điều chỉnh, sức mua từ các NHTƯ sẽ là lực đỡ quan trọng giúp thị trường không giảm giá quá sâu. Theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC), năm 2024 đánh dấu năm thứ 15 liên tiếp các NHTƯ toàn cầu mua ròng trên thị trường vàng; trong đó đáng chú ý là trong hai năm 2022 và 2023, các NHTƯ đã mua hơn 1.000 tấn vàng mỗi năm (năm 2022 là 1.082 tấn và năm 2023 là 1.037 tấn), gấp đôi mức trung bình giai đoạn 2011-2021.

2022 là năm mà xung đột quân sự Nga và Ukraine nổ ra vào tháng 3, dẫn đến các chính sách trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga, trong đó đô la Mỹ đã được Mỹ sử dụng như là một trong những vũ khí trừng phạt Nga. Nhìn vào bài học của Nga, các NHTƯ càng tăng cường mua vàng nhằm đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia và giảm phụ thuộc vào đô la Mỹ trong bối cảnh thế giới phân cực.

Dữ liệu thống kê của WGC cập nhật gần nhất đến tháng 9-2024 cho thấy dự trữ vàng chính thức của thế giới là gần 36.321 tấn vàng, chiếm 18,9% tổng dự trữ ngoại hối. Trong đó, 10 quốc gia giữ vàng lớn nhất thế giới đã sở hữu gần 26.542 tấn vàng. Đặc biệt, một số quốc gia đang có dự trữ vàng chiếm tỷ trọng khá lớn - lên đến 75% trong tổng dự trữ ngoại hối, như Mỹ (8.133 tấn) và Đức (3.351 tấn). Vị trí thứ 3 và thứ 4 là Ý (2.452 tấn) và Pháp (2.437 tấn) có tỷ trọng lần lượt gần 72% và 73%. Nga - xếp ở vị trí thứ 5, dù đã tích cực mua vàng trong những năm gần đây, nhưng tỷ trọng của vàng trong kho dự trữ ngoại hối chỉ ở mức gần 33%, tương ứng 2.336 tấn. Đáng lưu ý nhất là Trung Quốc - hiện có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, dù cũng đã mua vàng rất mạnh trong thập niên qua, nhưng lượng vàng đang nắm giữ của nước này chỉ mới xếp thứ 6 với 2.264 tấn và chiếm xấp xỉ 5,6% tổng dự trữ ngoại hối. Một quốc gia ưa chuộng vàng khác là Ấn Độ xếp thứ 8 trong tốp 10 với lượng nắm giữ là 868 tấn và chiếm tỷ trọng 11%.

Các nền kinh tế đang sở hữu dự trữ vàng khiêm tốn sẽ tìm cách gia tăng nắm giữ vàng. Những nền kinh tế quy mô lớn hiện đã nắm giữ lượng vàng khổng lồ nhưng mới chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong tổng kho dự trữ ngoại hối như Trung Quốc hay Ấn Độ cũng sẽ còn tiếp tục tìm cách mua thêm vàng để đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối.

Trong đó đáng chú ý nhất là Trung Quốc. Trong trường hợp chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh có thể tìm cách trả đũa bằng cách bán tháo các trái phiếu kho bạc Mỹ đang nằm trong kho dự trữ ngoại hối để gây sức ép lên đô la Mỹ, đồng thời chuyển phần dự trữ này sang vàng.

Hồ Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-vang-2025-dung-qua-lac-quan/
Zalo