Phối hợp đưa nguồn vốn chính sách 'đến từng ngõ, gõ từng nhà'
Với hơn 10.358 điểm giao dịch xã, 168.985 tổ tiết kiệm và vay vốn đã đưa nguồn vốn chính sách kịp thời 'đến từng ngõ, gõ từng nhà'.
Gần 6,9 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn
Thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội, trong năm 2024, tiếp tục phát huy những thế mạnh, ưu điểm, Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Cựu Chiến binh Việt Nam đã phối hợp đưa nguồn vốn chính sách xã hội đến với các đối tượng thụ hưởng tới 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Chính phủ, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân.
Đến 31/12/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 376.247 tỷ đồng, tăng 29.823 tỷ đồng, tương đương tăng 8,6% so với năm 2023. Trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 50.681 tỷ đồng, tăng 11.506 tỷ đồng so với năm 2023, chiếm tỷ trọng 13,5% tổng nguồn vốn.
Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 367.631 tỷ đồng, tăng 35.708 tỷ đồng, tương đương tăng 10,8% so với năm 2023 với gần 6,9 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ.
Đáng chú ý, hoạt động ủy thác được thực hiện thông qua 10.358 điểm giao dịch xã với 168.985 tổ tiết kiệm và vay vốn đã kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.Trong đó, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 365.199 tỷ đồng, tăng 35.070 tỷ đồng so với năm 2023, chiếm 99,34% tổng dư nợ.
Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đạt 138.467 tỷ đồng, chiếm 38% tổng dư nợ ủy thác, tăng 12.653 tỷ đồng so với cuối năm 2023; Hội Nông dân Việt Nam đạt 108.240 tỷ đồng, chiếm 29,6% tổng dư nợ ủy thác, tăng 10.124 tỷ đồng so với cuối năm 2023; Hội Cựu chiến binh Việt Nam đạt 63.987 tỷ đồng, chiếm 17,5% tổng dư nợ ủy thác, tăng 6.639 tỷ đồng so với cuối năm 2023; Đoàn Thanh niên đạt 54.504 tỷ đồng, chiếm 14,9% tổng dư nợ ủy thác, tăng 5.652 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Ông Huỳnh Văn Thuận - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - cho biết, bên cạnh việc phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, các tổ chức chính trị - xã hội cũng quan tâm và phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội làm tốt công tác nhận tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện 99,98% số tổ tiết kiệm và vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiền với số dư 17.616 tỷ đồng, tỷ lệ tổ viên tham gia tiền gửi hằng tháng đạt 87,96%.
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội trong năm 2024 cũng đã phối hợp thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác vốn vay, thực hiện theo đúng các nội dung đã ký với Ngân hàng Chính sách xã hội; các hộ vay vốn đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách.
“Tại điểm giao dịch xã, các chính sách tín dụng và các quy trình thủ tục vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội được niêm yết công khai. Cùng đó, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã đẩy mạnh việc lồng ghép các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đào tạo nghề, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến về tín dụng chính sách, các quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội, của các hội trong hoạt động ủy thác đến hội viên thông qua tài liệu, các buổi sinh hoạt chi hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn…” - ông Thuận cho hay.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động công tác ủy thác vốn vay chính sách
Đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dịch vụ ủy thác, góp phần quan trọng vào thực hiện và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách, dù vậy lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội nhìn nhận, bên cạnh những thế mạnh, ưu điểm, hoạt động ủy thác hiệnvẫn còn có những khó khăn, tồn tại ở một số địa phương, một số thời điểm. Cụ thể như: Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, thiếu sáng tạo, chưa đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình sử dụng vốn vay hiệu quả. Bên cạnh đó, cán bộ theo dõi chuyên trách hoạt động ủy thác thay đổi nhưng chưa thực hiện bàn giao kịp thời; cán bộ chưa được đào tạo, tập huấn thường xuyên, kịp thời để nắm rõ nghiệp vụ ủy thác, các chính sách sửa đổi, ban hành mới. Việc thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác chưa đảm bảo số lượng và chất lượng kế hoạch kiểm tra…
Để phát huy những kết quả đạt được trong năm 2024, năm 2025, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các bộ ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030.
Tập trung triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, chất lượng và đảm bảo an toàn cho hoạt động giao dịch xã, hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; xử lý thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn đọng. Cùng với đó, xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan; phối hợp triển khai công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác ủy thác các cấp và Ban quản lý tổ.
Đồng thời, kịp thời “đến từng ngõ, gõ từng nhà” động viên, hướng dẫn người nghèo và các đối tượng chính sách khác mạnh dạn vay vốn, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sử dụng vốn và hoàn trả vốn vay.
Năm 2024, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 712 nghìn lao động. Trong đó, hơn 9,3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và gần 7 nghìn lượt người chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp gần 89 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập. Xây dựng gần 1.759 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 1.143 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 6,2 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp…