Xúc động thời khắc nghe tin Bác mất

Bác Hồ kính yêu, vị cha già của dân tộc đã 'đi xa' nhưng hình ảnh Bác vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), trò chuyện với chúng tôi, cô Chu Thị Hằng (ảnh), 70 tuổi, tổ dân phố số 7, phường Quế, thị xã Kim Bảng xúc động chia sẻ: Năm Bác mất tôi đang học lớp 7, Trường Phổ thông cơ sở Đồng Hóa, Kim Bảng. Ngày ấy, tuổi còn nhỏ, thời gian lại qua lâu rồi, nhưng tôi nhớ rõ, khi nhận được tin Bác mất, thầy Thanh tập trung học sinh toàn trường trước sân rồi nghẹn ngào thông báo, Bác đã “đi xa”. Nghe thầy thông báo tin buồn, các bạn học sinh trong trường ai cũng xúc động, nhiều bạn òa khóc. Tuy chưa từng được gặp Bác, nhưng trong trái tim những học sinh như các cô thời ấy, Bác kính yêu thật gần gũi, luôn quan tâm và dành nhiều tình cảm cho thiếu niên nhi đồng.

Thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường, cô Hằng luôn chăm chỉ học tập, rèn luyện để xứng đáng với danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ.

Năm 1972, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cô Hằng lên đường nhập ngũ. Sau thời gian tham gia huấn luyện, cô Hằng được cử đi học y tá tại Trường Quân y. Kết thúc 12 tháng học tập, năm 1974 cô Hằng ra trường, về nhận công tác tại Viện Quân y 203, Quân khu 3 (thời ấy Viện Quân y 203 đóng ở khu vực Đọi Sơn (nay là Tiên Sơn), Duy Tiên. Những năm tháng ấy, đất nước còn đang chiến tranh, Viện Quân y 203 chủ yếu đón nhận chữa trị và chăm sóc các đồng chí thương bệnh binh ở các chiến trường miền Nam chuyển ra. Thực hiện lời Bác dạy “Lương y phải như từ mẫu”, làm đúng y đức người thầy thuốc, cô Hằng ngày đêm tận tụy với công việc, hết lòng vì thương bệnh binh.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, ngày ấy Viện Quân y 203 còn nhiều khó khăn thiếu thốn, buổi sáng cô Hằng cùng mọi người phải tranh thủ đi gánh nước từ sông Châu đổ vào bể để thương bệnh binh dùng. Nhìn thương bệnh binh chịu nhiều đau đớn… cô luôn nhẹ nhàng, ân cần chăm sóc. Nhiều thương bệnh binh nặng cô phải hỗ trợ, giúp đỡ thay quần áo, giặt giũ; đồng thời thường xuyên động viên, an ủi các anh, các em vượt qua nỗi đau, yên tâm điều trị…

Ngày ấy, hằng tuần đơn vị đều tổ chức lấy phiếu bầu “Lương y như từ mẫu” trực tiếp từ thương bệnh binh đang điều trị trong viện, một tháng tổng hợp một lần. Kết quả phiếu bầu là một trong những tiêu chí để bình xét các danh hiệu thi đua cuối năm. Lần nào bỏ phiếu cô Hằng cũng đạt 100% phiếu bầu đồng ý. Với nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt mọi công việc được giao, năm 1976 cô Hằng được bình chọn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua Quyết thắng. Cô Hằng chia sẻ, với thành tích đạt được, cô vinh dự được cùng đoàn đi thăm Lăng Bác. Thời gian đã quan lâu rồi, cô chỉ nhớ hôm đó cô cũng đứng xếp hàng rồi cùng dòng người nối nhau lặng lẽ vào Lăng viếng Bác. Lần đầu trực tiếp được nhìn thấy Bác nằm yên nghỉ trong Lăng, cô xúc động lắm, lúc ấy tự nhiên nước mắt lại trào ra.

Để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, năm 1979, cô Hằng đi học y sĩ, năm 1982 ra trường. Năm 1983 cô Hằng chuyển về làm tại Bệnh viện huyện Kim Bảng. Trong suốt thời gian công tác, ghi sâu lời Bác dạy, thực hiện y đức người thầy thuốc cô Hằng luôn nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Năm 1994 cô Hằng nghỉ hưu.

Trở về với cuộc sống đời thường, cô Hằng tích cực tham gia công tác xã hội. Hiện cô là hội viên Hội Cựu chiến binh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 7, phường Quế. “…Hàng trăm câu chuyện kể về Bác/ Cháu học cả đời có hết đâu/ Công tác dân vận phải đi sâu/ Giúp cho dân hiểu giữ đoàn kết/ Việc dễ không dân việc chẳng thành…” – Đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ trên cô Hằng cười nói, đây là những câu thơ cô tự sáng tác trong lần được tham dự hội thi “Dân vận khéo”. Thực hiện lời Bác dạy “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, cô Hằng xác định rõ, để tuyên truyền vận động hội viên và người dân nghe và làm theo, người làm công tác dân vận trước hết phải gần dân, sát dân, hiểu dân, biết lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân.

Không chỉ nhiệt tình tham gia công tác xã hội, trong gia đình cô Hằng còn là người bà, người mẹ gương mẫu. Những năm qua, gia đình cô Hằng luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; các quy định của địa phương và của tổ dân phố. Nhiều năm gia đình cô đạt “Gia đình văn hóa”, trong đó có 2 lần được công nhận “Gia đình văn hóa cấp tỉnh”.

Cô Hằng chia sẻ: Với cô, học tập và làm theo Bác là việc làm hằng ngày, việc làm suốt đời. Bởi tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác mãi là tấm gương để mọi người học tập và làm theo.

Phạm Hiền

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/xuc-dong-thoi-khac-nghe-tin-bac-mat-162816.html
Zalo