Thăm quê thêm nhớ lời Người!

Tháng 5, trong rưng rưng thương nhớ, muôn bước chân của người con đất Việt lại hành hương về Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) để được thăm quê hương của Bác Hồ - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc.

Tháng 5, trong rưng rưng thương nhớ, muôn bước chân của người con đất Việt lại hành hương về Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) để được thăm quê hương của Bác Hồ - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc. Trong bát ngát hương sen, lời dạy của Bác thêm khắc sâu trong tim mỗi người, khơi lên bao khát vọng cống hiến.

....

Buổi sáng tháng 5, sau trận mưa đêm, tiết trời dịu mát, con đường từ TP Vinh về Kim Liên (Nam Đàn) càng trở nên xanh tươi trong nắng sớm. Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lối về Hoàng Trù, Làng Sen ngập tràn cờ hoa, biểu ngữ khiến tôi thêm bồi hồi.

 Một góc xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) nhìn từ trên cao.

Một góc xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) nhìn từ trên cao.

Những ngày này, hai bên lối vào làng Hoàng Trù - quê ngoại Bác Hồ, hoa sen hồng, sen trắng đã đua nhau nở, tỏa hương vấn vít bước chân du khách gần xa. Dẫu không sinh ra từ nơi đây nhưng mỗi lần đến Hoàng Trù nói riêng và Kim Liên nói chung, tôi thấy như trở về cội nguồn thân thuộc. Hình ảnh khu vườn xanh tươi với lối vào hàng rào duối phẳng phiu, hàng cau thẳng tắp, những căn nhà mái tranh đơn sơ, mộc mạc chất chứa bao nắng mưa thời gian… thật gần gũi, thân thương. Tất cả như vẫn còn lưu giữ hình bóng Bác thuở ấu thơ năm nào.

 Khu vườn và ngôi nhà ông ngoại Bác Hồ ở làng Hoàng Trù (xã Kim Liên, Nam Đàn).

Khu vườn và ngôi nhà ông ngoại Bác Hồ ở làng Hoàng Trù (xã Kim Liên, Nam Đàn).

 Tháng 5, người dân muôn phương lại nhộn nhịp về thăm quê Bác, trong đó có nhiều người dân Hà Tĩnh.

Tháng 5, người dân muôn phương lại nhộn nhịp về thăm quê Bác, trong đó có nhiều người dân Hà Tĩnh.

Hòa vào dòng người đổ về Kim Liên hôm nay, tôi bắt gặp nhiều gương mặt rạng ngời xúc động. Người là cựu chiến binh, người là cán bộ, học sinh, đoàn viên, phụ nữ… Mỗi người mang trong mình một niềm riêng, nhưng điểm chung là tấm lòng thành kính, sự xúc động dâng trào khi bước qua những nếp nhà đơn sơ gắn liền với tuổi thơ của Bác.

Bà Lê Thị Minh (xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh) năm nay đã ngoài 70 tuổi, nghẹn ngào tâm sự: “Tôi từng xem nhiều hình ảnh về quê Bác, nhưng đây là lần đầu được đến tận nơi. Cảm xúc thật khó tả. Khi bước chân vào căn nhà nhỏ của Bác, bao nhiêu bộn bề cuộc sống như tan biến. Tôi ấn tượng nhất là chiếc khung cửi dệt vải của thân mẫu Người - bà Hoàng Thị Loan. Nghe kể về sự hy sinh, tảo tần của bà, tôi và mọi người không cầm được nước mắt”.

 Lần đầu về thăm quê Bác, bà Lê Thị Minh (ở xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bồi hồi nghĩ về công lao to lớn của vị lãnh tụ kính yêu dành cho dân tộc.

Lần đầu về thăm quê Bác, bà Lê Thị Minh (ở xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bồi hồi nghĩ về công lao to lớn của vị lãnh tụ kính yêu dành cho dân tộc.

Cảm xúc của bà Minh là tiếng lòng chung của nhiều người khi thăm lại nơi Bác Hồ đã sinh ra và sống những ngày tháng ấu thơ. Nếu Hoàng Trù là nơi Bác cất tiếng khóc chào đời, sống cùng cha mẹ đến năm lên 5 tuổi, thì Làng Sen - quê nội lại gắn bó với Người trong quãng thời gian tuổi thơ từ 11 đến 16 tuổi, sau khi theo cha vào Huế rồi trở lại quê hương khi thân mẫu qua đời.

Cả hai ngôi làng ấy đều mang trong mình ký ức thiêng liêng của Bác, là nơi chắp cánh cho những ước mơ và lý tưởng lớn lao của cậu bé Nguyễn Sinh Cung, người thanh niên Nguyễn Tất Thành sau này ra đi tìm đường cứu nước. Chính những năm tháng sống ở quê hương đã nuôi dưỡng tâm hồn Bác, hun đúc nên một nhân cách cao đẹp. Để rồi, vượt qua bao khó khăn gian khổ, Bác đã đưa dân tộc thoát khỏi lầm than, nô lệ, mở ra một thời đại mới - thời đại của độc lập, tự do…

 Những kỷ vật gắn liền với tuổi ấu thơ của Bác Hồ tại quê ngoại Hoàng Trù luôn khiến du khách xúc động.

Những kỷ vật gắn liền với tuổi ấu thơ của Bác Hồ tại quê ngoại Hoàng Trù luôn khiến du khách xúc động.

“Về Kim Liên, tôi như trở về chính quê hương mình” - anh Ngô Quốc Trịnh (thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ đầy thân mật. Anh Trịnh trò chuyện: “Hằng năm, cứ đến dịp sinh nhật Bác, tôi lại đưa vợ con về đây dâng hương tưởng niệm. Tôi muốn các con mình biết ơn những gì Bác đã làm, để các cháu hiểu được giá trị của độc lập, hòa bình, hạnh phúc hôm nay”.

....

Về quê Bác hôm nay, đối với rất nhiều người, không chỉ là dịp để lắng lòng mình, tưởng nhớ mà còn là dịp để tự soi chiếu và báo công lên Người những gì đã làm được. Họ là những cán bộ, đảng viên, hội viên phụ nữ, thanh niên, học sinh... khắc ghi lời Bác đang ngày đêm miệt mài cống hiến xây dựng quê hương.

 Căn nhà Bác Hồ ở quê nội làng Sen, nơi gắn bó với thời niên thiếu của Bác từ năm 11 đến 16 tuổi.

Căn nhà Bác Hồ ở quê nội làng Sen, nơi gắn bó với thời niên thiếu của Bác từ năm 11 đến 16 tuổi.

 Tháng 5, học sinh Trường Tiểu học Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh) cùng những bước chân của du khách muôn phương rộn ràng về thăm quê Bác.

Tháng 5, học sinh Trường Tiểu học Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh) cùng những bước chân của du khách muôn phương rộn ràng về thăm quê Bác.

Trong không gian ngào ngạt của hương sen, chị Lê Thị Kim Lương - Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Hội (xã Đức Lĩnh, Vũ Quang) chia sẻ: “Về thăm quê Bác hôm nay, cùng với sự bồi hồi xúc động, tôi càng nhớ những lời dạy của Người dành cho mỗi cán bộ, đảng viên cũng như các tầng lớp nhân dân. Những mái nhà đơn sơ, những kỷ vật của cuộc đời Bác nơi đây như khắc sâu trong tôi về tấm gương thanh cao, một đời cống hiến tận tụy vì nước, vì dân. Nghĩ về điều đó, lòng tôi càng thêm động lực để phấn đấu nhiều hơn nữa trong công việc của mình…”.

 Trong không gian thơm ngát hương sen, du khách lưu lại những bức ảnh kỷ niệm về thăm quê Bác.

Trong không gian thơm ngát hương sen, du khách lưu lại những bức ảnh kỷ niệm về thăm quê Bác.

Từng là cán bộ chi hội phụ nữ nay là Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Hội - một thôn ở vùng sâu, vùng xa, nhiều năm qua, chị Lê Thị Kim Lương đã trở thành điển hình trong học tập và làm theo gương Bác. Năm 2023, chị được Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh tuyên dương là một trong 58 cán bộ hội cơ sở tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chuyến trở về thăm quê Bác hôm nay của chị Lương và các đảng viên chi bộ là một nội dung trong đợt sinh hoạt chính trị hướng về kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Bác Hồ. Được biết, trong 4 năm liền, Vĩnh Hội là chi bộ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều thành tích trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Vì vậy, chuyến đi không chỉ để báo công, dâng những bông hoa tươi thắm lên Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn động viên, cổ vũ mỗi đảng viên trong chi bộ không ngừng nêu cao hơn nữa tinh thần học và làm theo Bác, nỗ lực phát huy vai trò xây dựng quê hương trong thời gian tới.

Câu chuyện của chị Lương khiến tôi nhớ lại lời căn dặn nổi tiếng của Bác với Hà Tĩnh: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên!”. Lời nhắn ấy không chỉ là kỳ vọng mà còn là gửi gắm niềm tin của Người vào một vùng đất giàu truyền thống cách mạng.

Từ những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thời bình, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh luôn khắc ghi lời Bác, nỗ lực vượt qua gian khó để vươn lên. Đặc biệt, sau thời kỳ đổi mới, từ một tỉnh nghèo, đến nay, Hà Tĩnh đã có những bước phát triển vượt bậc: năm 2024, tổng thu ngân sách đạt hơn 18.100 tỷ đồng, trong đó thu nội địa hơn 10.268 tỷ đồng. Phong trào xây dựng NTM cũng ghi nhiều dấu ấn, đến nay, 100% xã đạt chuẩn NTM, gần 41% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, hơn 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 9/12 huyện, thành phố, thị xã đã đạt hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Không chỉ kinh tế phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng ngày càng khởi sắc, khẳng định vị thế Hà Tĩnh trong sự phát triển chung của đất nước.

 Học và làm theo Bác, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng "nổi bật lên". Ảnh: Một góc TP Hà Tĩnh hôm nay.

Học và làm theo Bác, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng "nổi bật lên". Ảnh: Một góc TP Hà Tĩnh hôm nay.

Quê Bác trong buổi chiều tháng 5 rực rỡ, những bước chân hành hương của đoàn người từ khắp mọi miền vẫn nhộn nhịp tìm về. Những ánh mắt, nụ cười, niềm xúc động như hòa vào không khí Lễ hội Làng Sen. Năm nay, Lễ hội Làng Sen rất đặc biệt, được tổ chức chào mừng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người. Lễ hội được tổ chức quy mô cấp quốc gia tại TP Vinh và huyện Nam Đàn bao gồm chuỗi sự kiện văn hóa đặc sắc và đầy ý nghĩa, diễn ra từ ngày 12-19/5, tiêu biểu như: khai mạc Lễ hội Làng Sen và khánh thành tượng đài “Bác Hồ về thăm quê”, triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, hội diễn nghệ thuật quần chúng Tiếng hát Làng Sen toàn quốc, hội thi thể thao Lễ hội Làng Sen năm 2025, chương trình nghệ thuật “Hồ Chí Minh - Người là niềm tin tất thắng”…

 Hà Tĩnh xây dựng chương trình nghệ thuật "Vui hội Làng Sen thêm nhớ ơn Người" tham gia Hội diễn "Tiếng hát Làng Sen" kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hà Tĩnh xây dựng chương trình nghệ thuật "Vui hội Làng Sen thêm nhớ ơn Người" tham gia Hội diễn "Tiếng hát Làng Sen" kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tâm nguyện của cả nước khắc ghi lời Người, kể làm sao xiết! Mỗi người mỗi cách, nhưng tất cả đều trở thành sứ giả lan tỏa giá trị di sản Hồ Chí Minh như cách ông Nguyễn Bảo Tuấn - Giám đốc Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên yêu cầu cán bộ, nhân viên. “Cùng với việc nỗ lực bảo tồn di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi luôn quán triệt tinh thần mỗi cán bộ, nhân viên khu di tích là một sứ giả, cầu nối để người dân Việt Nam hướng về Làng Sen, về cội nguồn, giúp du khách quốc tế hiểu sâu hơn giá trị di sản của Bác” - ông Tuấn trò chuyện.

 Toàn cảnh di tích Làng Sen thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An).

Toàn cảnh di tích Làng Sen thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An).

Tạm biệt Kim Liên lòng đầy lưu luyến, tôi cũng như nhiều du khách tự hứa với mình sẽ nỗ lực cống hiến nhiều hơn, để mỗi lần về Làng Sen là được dâng lên Người những bông hoa thắm tươi của việc tốt.

NỘI DUNG: THIÊN VỸ
ẢNH, VIDEO: THIÊN VỸ
THIẾT KẾ: HUY TÙNG

Thiên Vỹ

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/tham-que-them-nho-loi-nguoi-post287894.html
Zalo