Xuất khẩu trước áp lực phòng vệ thương mại: Biến nguy thành cơ

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, phòng vệ thương mại đã trở thành 'mặt trận' mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Số vụ kiện phòng vệ thương mại gia tăng, không chỉ là thách thức cho các mục tiêu xuất khẩu mà còn mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, biến áp lực thành lợi thế nếu có chiến lược phù hợp.

Xuất khẩu đã và đang trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Năm 2024, dự kiến xuất khẩu ước đạt trên 404 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2023. Sang năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục đặt ra mục tiêu tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2024. Đây được đánh giá là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu năm tới còn nhiều rủi ro, khó đoán định. Song song với sự mở rộng thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang phải đối mặt với ngày càng nhiều rào cản từ các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) mà các nước nhập khẩu áp dụng.

Thép là một trong những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất.

Thép là một trong những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất.

Số vụ điều tra mới tăng gấp đôi

Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2024, hàng hóa Việt Nam đã chịu điều tra trong khoảng 273 vụ việc phòng vệ thương mại tại 25 thị trường. Đây đều là những thị trường chủ lực, bao gồm cả những thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Riêng năm 2024 chứng kiến số lượng vụ điều tra PVTM gia tăng đáng kể với 29 vụ điều tra mới - tăng gấp đôi so với năm 2023 và chỉ thấp hơn mức đỉnh 39 vụ của năm 2020. Điều đáng nói, không chỉ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thép, nhôm, thủy sản, gỗ bị điều tra, mà ngay cả các mặt hàng nhỏ như đĩa giấy – với kim ngạch chỉ khoảng 9 triệu USD – cũng không nằm ngoài tầm ngắm.

Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, dẫn đầu trong việc áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa Việt Nam. Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, các biện pháp phòng vệ thương mại của chính quyền Hoa Kỳ ngày càng gia tăng: “Áp dụng đồng thời cả điều tra phá giá và trợ cấp, thậm chí đưa vào các yếu tố mới như tính trợ cấp xuyên biên giới, các quy định về lao động và môi trường. Điều này khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp nhiều khó khăn”.

Nguyên nhân chính khiến các vụ PVTM gia tăng đến từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, thặng dư thương mại lớn của Việt Nam, đặc biệt với Hoa Kỳ, đạt mức 102 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất nội địa tại Hoa Kỳ chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Thứ hai, hàng hóa Việt Nam ngày càng chiếm lĩnh thị trường nhờ giá cả cạnh tranh và chất lượng cải thiện, gây ra xung đột lợi ích với các nhà sản xuất nội địa tại thị trường nhập khẩu. Thứ ba là chính sách bảo hộ gia tăng mạnh mẽ, tập trung vào việc bảo vệ ngành sản xuất nội địa và lao động trong nước.

Ông Hưng nhận định, giai đoạn sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức sẽ là giai đoạn khá khó khăn đối với các nước xuất khẩu có thặng dư thương mại lớn sang Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam. Trong các tuyên bố khi vận động tranh cử, ông Trump nêu là sẽ áp thuế 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu toàn cầu, riêng 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada. Ông Trump cũng tuyên bố nếu EU không hợp tác trong vấn đề tăng cường mua các mặt hàng dầu khí, mặt hàng năng lượng truyền thống thì sẽ áp thuế lên hàng xuất khẩu của khối này. Như vậy có thể hiểu là thuế quan sẽ là công cụ, chính sách thương mại chính của chính quyền Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Bên cạnh thuế quan thì Hoa Kỳ cũng có thể tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Tại nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, số vụ việc phòng vệ thương mại đã tăng khoảng 40%.

“Việc Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2024 đứng thứ ba về thặng dư thương mại, chỉ sau Trung Quốc và Mexico sẽ khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới”, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ dự báo.

Cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo các chuyên gia, áp lực từ PVTM sẽ luôn song hành trong bối cảnh Việt Nam tăng cường xuất khẩu cũng như thặng dư thương mại lớn. Dù tạo nhiều khó khăn, các vụ việc PVTM cũng mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và củng cố vị thế trên thị trường quốc tế.

Nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất. Các biện pháp PVTM thường nhằm vào vấn đề gian lận xuất xứ, phá giá hoặc không tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường, lao động. Việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản pháp lý mà còn tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng và đối tác tại thị trường nhập khẩu.

Bên cạnh đó, hợp tác minh bạch với cơ quan điều tra là một chiến lược cần thiết. Bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: “Nếu doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin, tham gia tích cực vào quá trình điều tra, mức thuế áp dụng sẽ thường thấp hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tổn thất mà còn tạo lợi thế so sánh”.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu. Khi các mặt hàng chủ lực bị áp dụng biện pháp PVTM, doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục duy trì hoạt động xuất khẩu thông qua việc phát triển các sản phẩm mới và tiếp cận các thị trường tiềm năng khác. Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro mà còn mở rộng cơ hội kinh doanh.

Việc tăng cường tỷ lệ nội địa hóa và minh bạch hóa xuất xứ cũng đóng vai trò quan trọng. Ông Đỗ Ngọc Hưng nhấn mạnh: “Doanh nghiệp cần sử dụng nguyên liệu từ các nguồn không bị điều tra hoặc tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm. Điều này giúp giảm nguy cơ bị áp thuế chống lẩn tránh trong tương lai”.

Mặt hàng tôm nước ấm là một ví dụ điển hình trong việc ứng phó với các biện pháp PVTM. Bị điều tra trợ cấp, tuy nhiên là kết quả cuối cùng của vụ việc là Việt Nam được hưởng mức thuế 2,84% - thấp hơn nhiều so với những nước cũng bị điều tra như là Ấn Độ hay Ecuador. Điều này là một yếu tố đã giúp cho xuất khẩu thủy sản trong năm 2024 có sự tăng trưởng, đặc biệt là ngành tôm.

Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong việc định hướng và bảo vệ doanh nghiệp. Các cơ quan như Cục Phòng vệ thương mại cần tiếp tục tăng cường hệ thống cảnh báo sớm, đào tạo doanh nghiệp về luật pháp quốc tế và quy trình PVTM. Trong khi đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế chủ động đối mặt với các vụ kiện PVTM. Thay vì bi quan, doanh nghiệp nên coi đây là cơ hội để tái cấu trúc, cải thiện quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc nghiên cứu kỹ thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các ngành sản xuất nội địa của quốc gia đối tác, cũng là yếu tố không thể bỏ qua.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nên đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và lao động để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ các nước nhập khẩu.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)

Theo danh sách cảnh báo sớm, một số ngành hàng có rủi ro lớn trong việc bị điều tra phòng vệ thương mại là gỗ dán, tủ gỗ, thép chống ăn mòn, thép cán nóng, cáp thép dự ứng lực, ống thép hàn, nhôm thanh định hình, ống đồng, kính nổi, nhựa PET... Các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nói trên cần tăng cường theo dõi, tìm hiểu các quy định điều tra phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để đối phó hiệu quả với các rủi ro này.

Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang

Từ năm 2021 đến nay, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong các vụ việc phòng vệ thương mại. Riêng các doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại tỉnh Bắc Giang đã có sự sụt giảm rõ rệt, có những doanh nghiệp giảm đến trên 50% sản lượng. Một trong những khó khăn là nhận thức về phòng vệ thương mại và về các thị trường xuất khẩu của một số doanh nghiệp còn thấp.

Ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam

Thép là ngành công nghiệp xương sống, có tính cạnh tranh cao giữa các quốc gia nhưng luôn có tình trạng dư cung trên toàn cầu, nên dễ xảy ra hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá để giải quyết lượng tồn kho, đặc biệt trong những giai đoạn mà thị trường tại nước xuất khẩu gặp khó khăn. Vì thế, thép là một trong những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/xuat-khau-truoc-ap-luc-phong-ve-thuong-mai-bien-nguy-thanh-co-1104435.html
Zalo