Kinh tế Đông Nam Á đối mặt nhiều 'cơn gió ngược' trong năm 2025
Thách thức lớn nhất đối với các nước Đông Nam Á được dự báo sẽ đến từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vì ông tuyên bố sẽ áp dụng một loạt các biện pháp để bảo vệ hàng hóa do Mỹ sản xuất.
Từ một cuộc chiến thương mại tiềm tàng, suy thoái kinh tế đến tình hình bất ổn địa chính trị ảnh hưởng đến các đối tác thương mại quan trọng, năm 2025 được nhận định sẽ là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế các quốc gia Đông Nam Á.
Ông Piter Abdullah - Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Segara, đánh giá: "Những thách thức sẽ rất khó khăn. Các nước Đông Nam Á sẽ phải điều hướng chính sách giữa thời điểm bất ổn toàn cầu gia tăng, trong khi phải đối mặt với những thách thức trong nước cũng nặng nề không kém".
Tại Indonesia, những rào cản trong nước xuất hiện dưới hình thức tiêu dùng hộ gia đình chậm lại do dân số tầng lớp trung lưu giảm và một loạt các chương trình đầy tham vọng do chính phủ mới thành lập đưa ra có thể làm đảo lộn sự ổn định tài chính của đất nước.
Trong khi đó, Thái Lan đang tìm cách phục hồi nền kinh tế do ngành du lịch và dịch vụ thúc đẩy sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước suy yếu, nợ hộ gia đình cao và bất ổn chính trị có thể cản trở tham vọng này.
Đối với Malaysia – quốc gia đã đạt được những thành tựu kinh tế xuất sắc vào năm 2024, thách thức chính trong năm nay sẽ là duy trì đà tăng trưởng và tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh có nhiều khó khăn trên thị trường toàn cầu.
Theo nhận định của các chuyên gia, thách thức lớn nhất đối với các nước Đông Nam Á sẽ đến từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vì ông đã tuyên bố sẽ áp dụng một loạt các biện pháp để bảo vệ hàng hóa do Mỹ sản xuất.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp thuế nặng đối với hàng hóa Trung Quốc, dẫn tới một cuộc chiến về thuế quan. Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Chính sách này được duy trì dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden và mở rộng sang các sản phẩm hàng hóa được sản xuất bởi các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc hoạt động tại các quốc gia khác như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.
“Ngay cả trước khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump đã đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ tới các bên mà ông cho là không thân thiện với Mỹ, bao gồm cả các quốc gia thành viên của BRICS” - ông Abdullah cho biết.
Trong khi đó, một số quốc gia Đông Nam Á đã thông báo ý định gia nhập BRICS và khối này đã công nhận họ là “các quốc gia đối tác”.
Khi mối đe dọa về một cuộc chiến thuế quan mới đang rình rập, các nhà phân tích cho rằng các nước Đông Nam Á cần đa dạng hóa thị trường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh một số nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị và suy thoái kinh tế, cùng với các cường quốc Đông Á là Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang chật vật đối phó tình trạng giảm phát, việc tìm kiếm các đối tác thương mại mới sẽ không dễ dàng.
Theo chuyên gia Alex Holmes, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Economist Intelligence, các nước châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, cần có giải pháp giảm thiếu tác động từ cú sốc thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
ADB nâng dự báo tăng trưởng của Đông Nam Á
Trong dự báo kinh tế công bố vào tháng 12/2024, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, tăng trưởng của Đông Nam Á trong năm 2024 đã được điều chỉnh tăng từ 4,5% lên 4,7%, nhờ xuất khẩu mạnh hơn và chi tiêu vốn công ở các nền kinh tế lớn hơn.
Trong đó, tăng trưởng kinh tế ở Malaysia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam đã được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước, lạm phát thấp hơn và đầu tư công bền vững.
ADB dự kiến tăng trưởng của Đông Nam Á sẽ ổn định ở mức 4,7% vào năm 2025, mặc dù các chính sách dưới thời chính quyền Tổng thống Trump sắp tới có thể tác động đến khu vực này.
“Những thay đổi trong chính sách thương mại, tài chính và nhập cư của Mỹ có thể làm giảm tăng trưởng và thúc đẩy lạm phát ở các nước đang phát triển tại châu Á” - ADB cho hay.
Theo báo cáo của S&P Global, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Đông Nam Á trong tháng 12 đã giảm nhẹ xuống 50,7 điểm từ mức 50,8 của tháng 11.
Chuyên gia Maryam Baluch tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: "Mặc dù triển vọng sản lượng tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2025 vẫn tích cực, nhưng vẫn phải đối mặt một số rủi ro. Tăng trưởng đơn đặt hàng mới vẫn ở mức thấp và phụ thuộc nhiều vào nhu cầu trong nước, trong khi nhu cầu quốc tế yếu tiếp tục cản trở tăng trưởng”.