Trung Quốc tăng cường 'tự lực cánh sinh'

Nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng, vừa cần tầm nhìn dài hạn, vừa đặt ra yêu cầu phải đối phó hiệu quả với những thách thức trước mắt.

Trung Quốc tăng cường ‘tự lực cánh sinh’

Trung Quốc tăng cường ‘tự lực cánh sinh’

Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc trong tháng cuối cùng của năm 2024 đã vạch ra chính sách kinh tế năm 2025 và tái khẳng định đổi mới công nghệ sẽ dẫn dắt sự phát triển của lực lượng sản xuất chất lượng mới, cũng như xây dựng hệ thống ngành nghề hiện đại.

Hy vọng năm 2025 và chặng đường tiếp theo

Đăng tải bài phân tích “Nền kinh tế Trung Quốc đang cần được thúc đẩy” trong ấn bản mới nhất, tờ The Economist đưa ra nhận định đầy lo ngại rằng - vào mỗi tháng 12, các nhà quản lý ở Bắc Kinh họp để đánh giá hiệu quả kinh tế trong năm qua và hướng tới năm tiếp theo. Tuy nhiên, triển vọng khá ảm đạm.

Trong khi đó, tờ SMCP cảnh báo, kinh tế Trung Quốc phải chuẩn bị mạnh mẽ cho giai đoạn tăng trưởng chậm. Và đối với nhiều người Trung Quốc, năm 2024 sẽ được ghi nhớ như một năm mà họ phải chấp nhận viễn cảnh tăng trưởng kinh tế chậm chạp trong một thời gian dài.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kỳ vọng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 5% trong năm 2024 và duy trì ổn định trong năm 2025. Những hạn chế về mặt cấu trúc dài hạn đối với triển vọng tăng trưởng, bao gồm dân số giảm và tình trạng dư cung nhà ở, đã trở nên rõ ràng hơn, khiến giới đầu tư có xu hướng cắt giảm đầu tư hoặc từ bỏ hoạt động kinh doanh.

Một số nhà kinh tế học thậm chí cảnh báo những rủi ro trong nền kinh tế Trung Quốc có thể khiến nước này giống với “thập kỷ mất mát của Nhật Bản” - thuật ngữ do GS. Richard Koo của Viện nghiên cứu Nomura sử dụng.

Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc tháng 12 hằng năm là hội nghị kinh tế cấp cao nhất, đưa ra căn cứ xác thực để đánh giá tình hình hiện tại và chính sách kinh tế vĩ mô cho năm tiếp theo.

Nhìn lại năm 2024, nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức. Kể từ cuối tháng Chín, Bắc Kinh đã thực hiện nhiều biện pháp kích thích kinh tế, gói chính sách mới đã sẵn sàng được triển khai để cải thiện niềm tin của thị trường. Số liệu kinh tế gần đây không quá lý tưởng, khiến thị trường đang quan tâm, liệu Trung Quốc có đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5% hay không?

Cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 9/2024 khẳng định, những việc đã làm được và điều kiện thuận lợi của nền kinh tế nước này, như thị trường rộng lớn, khả năng phục hồi mạnh mẽ và tiềm năng to lớn. Các nhà quản lý chính sách kêu gọi mọi nỗ lực và tin tưởng mục tiêu tăng trưởng kinh tế về cơ bản sẽ đạt được, nhưng cũng thừa nhận những vấn đề mới và tình huống mới gặp phải trong quá trình vận hành nền kinh tế.

2025 là năm cuối cùng thực hiện Quy hoạch năm năm lần thứ 14, việc triển khai công tác cho năm 2025 có ý nghĩa kế thừa quá khứ, mở ra tương lai. Vì thế, cuộc họp Công tác kinh tế tháng 12 nhấn mạnh mục tiêu củng cố nền kinh tế theo hướng tốt lên, phải hoàn thành với chất lượng cao các mục tiêu, đặt nền tảng vững chắc để có bước khởi đầu thuận lợi cho Quy hoạch năm năm lần thứ 15.

Ngăn chặn hiệu quả cú sốc từ bên ngoài

Giới truyền thông quốc tế nhận định, điểm nổi bật trong Hội nghị quan trọng hàng đầu của nền kinh tế Trung Quốc là mục tiêu ngăn chặn và giải quyết hiệu quả các cú sốc từ bên ngoài, bên cạnh một loạt mục tiêu quan trọng và mới khác, đó là thực hiện chính sách vĩ mô chủ động hơn nhằm đẩy mạnh nhu cầu trong nước, ổn định thị trường bất động sản và chứng khoán...

Hội nghị Công tác kinh tế tháng 12 đã không giấu giếm rằng - “những ảnh hưởng bất lợi do sự thay đổi của môi trường bên ngoài ngày càng sâu sắc, vận hành kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu là do nhu cầu trong nước yếu, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, người dân chịu áp lực phải tăng việc làm và thu nhập, rủi ro tiềm ẩn vẫn còn tương đối nhiều”.

Theo đó, trong 10 nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, nhiệm vụ thứ nhất là đẩy mạnh tiêu dùng, nâng cao hiệu quả đầu tư và mở rộng nhu cầu trong nước về mọi mặt; thứ hai là đổi mới công nghệ sẽ dẫn dắt sự phát triển của lực lượng sản xuất chất lượng mới và xây dựng hệ thống ngành nghề hiện đại.

Năm 2023, Bắc Kinh đưa đổi mới công nghệ là ưu tiên hàng đầu và mở rộng nhu cầu trong nước là ưu tiên thứ hai. Ngay sự thay đổi thứ hạng này phát đi tín hiệu quan trọng rằng, chính phủ Trung Quốc đã có điều chỉnh mức độ ưu tiên của các nhiệm vụ, theo đó, yếu tố kinh tế nội được đưa lên lên hàng đầu.

Ở các chính sách mới nhất này, Bắc Kinh cũng nhấn mạnh việc mở rộng toàn diện nhu cầu và tiêu dùng trong nước để giúp đất nước ứng phó với những làn sóng và tác động có thể xuất hiện trong môi trường ngoại thương. Trong đó, việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 dự kiến mang lại nhiều biến số hơn cho quan hệ Mỹ - Trung Quốc, ổn định ngoại thương, kỳ vọng và niềm tin trong năm tới.

Điểm nổi bật khác là chính quyền trung ương Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh, cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035, tiếp tục đi sâu cải cách, phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới, thúc đẩy phát triển chất lượng cao là phương hướng phát triển lâu dài, bên cạnh đó, đất nước cũng phải tìm cách ứng phó với những thách thức kinh tế trước mắt.

Trung Quốc luôn nhấn mạnh tiến lên trong khi duy trì sự ổn định và kiểm soát rủi ro, ngay cả khi nhấn mạnh vào việc tăng cường kích thích kinh tế cũng sẽ không đi chệch khỏi nguyên tắc này.

Theo đó, cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc tháng 12 nêu rõ, phải thực hiện “chính sách tài khóa chủ động hơn”, “chính sách tiền tệ nới lỏng hợp lý” và “tăng cường các điều chỉnh có chu kỳ bất thường”. Có thể thấy chính sách tiền tệ của Trung Quốc đã chuyển từ “thận trọng” sang “nới lỏng hợp lý”, là điều chưa từng diễn ra trong 10 năm qua, cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong việc tăng cường nỗ lực kích thích nền kinh tế.

Như vậy, với mục tiêu thúc đẩy tiến bộ, đồng thời bảo đảm sự ổn định, những động thái mới nhất của Bắc Kinh đều đề cập các vấn đề trong nội tại nền kinh tế, hướng trọng tâm vào sự ổn định và thúc đẩy tiến bộ trong nước. Điều này phù hợp với quan điểm được Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì theo đuổi từ Đại hội XX đến nay, đó là lấy ổn định trong nước là nền tảng, “tự lực cánh sinh” làm bệ phóng để giải quyết các thách thức từ bên ngoài.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-tang-cuong-tu-luc-canh-sinh-299449.html
Zalo