Xuất khẩu sầu riêng lao dốc, Bộ trưởng yêu cầu 'chung thủy' với chuỗi liên kết
Ngành sầu riêng Việt Nam đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, giá trị xuất khẩu sầu riêng trong 4 tháng đầu năm 2025 trên cả nước chỉ đạt 130 triệu USD.
Sầu riêng Việt "giảm nhiệt" tại thị trường Trung Quốc
Chiều 24/5, tại Tp.Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, bên cạnh những thành quả ấn tượng đã đạt được, mặt hàng sầu riêng Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, từ nhu cầu thị trường sụt giảm, sự canh tranh quyết liệt và chia sẻ thị phần của Thái Lan, Campuchia, Malaysia..., đến việc kiểm soát an toàn thực phẩm; sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và truy xuất nguồn gốc.

Toàn cảnh hội nghị.
Theo thống kê, nếu như năm 2015, diện tích trồng sầu riêng chỉ có 32 nghìn ha thì đến 2024 đã tăng lên 178,8 nghìn héc-ta (tăng 6 lần).
Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, bất chấp rất nhiều khuyến cáo từ cơ quan chuyên môn, diện tích trồng sầu riêng vẫn tăng 2,38 lần so với mục tiêu phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sau khi Nghị định thư xuất khẩu với Trung Quốc được ký kết vào tháng 7/2022, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã có bước nhảy vọt - chỉ sau 2 năm, kim ngạch năm 2024 đã cán mốc hơn 3 tỷ USD, đưa sầu riêng trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược.
Trong khi diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh thì thị trường xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (năm 2024 chiếm 97,2% và là nhà cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc).
Sự phụ thuộc quá lớn này là một trong những nguyên nhân biến động về kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam khi có bất kỳ sự biến động nào từ thị trường Trung Quốc.

Ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (thứ 3 từ phải qua) thăm quan các vườn sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk.
Ghi nhận trong 4 tháng đầu năm 2025, nhu cầu của thị trường Trung Quốc đã giảm 46,5% về lượng và 48,1% về giá trị. Nguyên nhân có thể là từ xu hướng cắt giảm chi tiêu do kinh tế khó khăn và mặt hàng sầu riêng đã giảm dần sức "nóng" tại thị trường tỷ dân này.
Cùng với đó là sự cạnh tranh thị phần và gia tăng kiểm soát về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025, Trung Quốc đã chính thức cho phép Cambodia, Malaysia... xuất khẩu sầu riêng nên phần nào làm gia tăng sự cạnh tranh và chia sẻ thị phần của sầu riêng Việt Nam.

Giá trị xuất khẩu sầu riêng trong 4 tháng đầu năm 2025 trên cả nước chỉ đạt 130 triệu USD.
Dù đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục, nhưng ngành hàng sầu riêng Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Giá trị xuất khẩu sầu riêng trong 4 tháng đầu năm 2025 trên cả nước chỉ đạt 130 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với mức 500 triệu USD cùng kỳ năm trước.
Tạo chuỗi liên kết chặt chẽ, bền vững trong ngành hàng sầu riêng
Ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Đắk Lắk đã vươn lên dẫn đầu cả nước với diện tích trên 38,8 nghìn héc-ta, chiếm gần 22% tổng diện tích trồng sầu riêng toàn quốc. Tuy nhiên, chuỗi liên kết ngành hàng sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk còn yếu.
Vì vậy, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý của nhà nước của Đắk Lắk cùng vào cuộc, chung sức đồng lòng, tạo nên chuỗi liên kết chặt chẽ, bền vững trong ngành hàng sầu riêng.

Ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại hội nghị.
Khi tham gia liên kết thì phải có quy chế ràng buộc rõ ràng, buộc nông dân và doanh nghiệp "chung thủy" với chuỗi liên kết. Như vậy, mới tạo ra ngành hàng sầu riêng bền vững, nâng cao giá trị.
Bên cạnh đó, khi liên kết, doanh nghiệp cần hỗ trợ người dân về kĩ thuật, giải pháp để được cấp mã số vùng trồng.
Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cùng doanh nghiệp cần hướng nông dân đến tâm thế sản xuất để xuất khẩu, và phải xuất khẩu được ở những thị trường khó tính nhất, bảo đảm đầu ra với một khung giá ổn định, chỉ khi nào có biến động của thị trường mới thay đổi. Chỉ có như vậy, nông dân mới yên tâm sản xuất, doanh nghiệp cũng an tâm khi đầu tư.
Tỉnh Đắk Lắk cũng cần tính toán, xây dựng chuỗi liên kết, chuyên môn hóa sâu cho từng khâu trong mặt hàng sầu riêng. Khi xây dựng được chuỗi liên kết bền chặt, sẽ có doanh nghiệp đầu tàu lo phát triển thị trường, có doanh nghiệp thu mua, còn nông dân chỉ việc yên tâm sản xuất...

Ông Nguyễn Thiên Văn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin về tình hình phát triển của ngành hàng sầu riêng.
Ông Nguyễn Thiên Văn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, để xuất khẩu sầu riêng được thuận lợi, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu thì việc hoàn thiện về cơ sở pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục cho loại trái cây này là rất cần thiết, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và phải thực hiện ngay trong thời gian sớm nhất.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường quan tâm, xem xét chỉ đạo cơ quan chuyên môn của Bộ nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu, chất tạo màu, làm chín đều, bảo quản sầu riêng trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, bố trí thành lập các Trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, Trung tâm kiểm dịch thực vật và cơ sở chiếu xạ tại Đắk Lắk để thuận tiện cho việc giám sát, kiểm soát dư lượng các hoạt chất, đối tượng kiểm dịch ngay tại địa phương.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển sầu riêng chất lượng cao gắn với việc xây dựng thương hiệu quốc gia đối với sản phẩm sầu riêng Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/5/2025. Trong đó tỉnh Đắk Lắk là địa phương làm điểm để nhân rộng mô hình.