Góp nhặt thông tin, dẫn lối hành trình đổi đời cho phụ nữ ở Châu Tiến
Tại xã Châu Tiến (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), nơi có đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống, nghèo đói không chỉ do thiếu đất sản xuất hay điều kiện sinh hoạt lạc hậu, mà còn đến từ một loại nghèo khó vô hình: 'nghèo thông tin'. Trước thực trạng đó, Hội LHPN xã Châu Tiến đã và đang nỗ lực mang thông tin, chính sách, cơ hội đến gần hơn với phụ nữ nghèo và phụ nữ dân tộc thiểu số.

Bà Lương Thị Hà (bên trái), Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Tiến (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), phổ biến thông tin vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc Thái trên địa bàn
Nằm sâu trong vùng núi phía Tây Nghệ An, xã Châu Tiến (huyện Quỳ Hợp) là địa phương đặc biệt khó khăn, với phần lớn dân cư là người dân tộc Thái. Phụ nữ ở đây không chỉ đối mặt với thiếu đất, thiếu việc làm mà còn thường xuyên thiếu thông tin - một trong những nguyên nhân khiến họ khó tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Từng bước đưa thông tin đến tận tay chị em
Nhận thức được điều đó, Hội LHPN xã Châu Tiến đã chủ động triển khai nhiều giải pháp truyền thông sáng tạo và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. "Không chỉ dừng lại ở việc phát loa truyền thanh bằng tiếng phổ thông, Hội còn biên soạn tờ rơi song ngữ, tổ chức các buổi sinh hoạt chi hội bằng tiếng Thái để đảm bảo thông tin dễ hiểu, dễ tiếp cận với phụ nữ dân tộc thiểu số", bà Lương Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Tiến, cho biết.

Bà Lương Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Tiến
Bà Trương Thị Thanh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Phúc Tiến, chia sẻ: "Có những chị em chưa từng cầm điện thoại thông minh, cũng không biết đọc chữ quốc ngữ. Chúng tôi phải đến tận nhà, nói bằng tiếng dân tộc, giải thích đi giải thích lại để các chị hiểu rằng, có chính sách vay vốn, có lớp học nghề đang chờ họ".
Bằng sự kiên trì, gần gũi và tận tâm, những người phụ nữ làm công tác Hội đã giúp hàng trăm hội viên từng bước thoát khỏi tình trạng "mù mờ thông tin". Đặc biệt trong các lĩnh vực vay vốn ưu đãi, học nghề, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực gia đình, khởi sự kinh doanh.
Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận vốn vay ưu đãi
Một trong những khó khăn lớn nhất đối với phụ nữ nghèo ở Châu Tiến là việc tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách. Họ thường e ngại, không hiểu rõ thủ tục, lo sợ rủi ro khi vay vốn, và đặc biệt là thiếu tài sản thế chấp hay hồ sơ đầy đủ.
Nhằm tháo gỡ những rào cản này, Hội LHPN xã Châu Tiến đã tổ chức các buổi truyền thông chuyên đề, lồng ghép nội dung tư vấn vay vốn vào sinh hoạt chi hội. Các mô hình như câu lạc bộ "Phụ nữ tiết kiệm - tín dụng" được thành lập, không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm mà còn giúp phụ nữ hình thành thói quen tài chính lành mạnh.

Cán bộ Hội LHPN xã Châu Tiến tuyên truyền, phổ biến các thông tin vốn vay ưu đãi cho phụ nữ trên địa bàn
Hội còn phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Hợp tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp ngay tại bản, mời cán bộ ngân hàng xuống tận nơi giải đáp thắc mắc, hướng dẫn hồ sơ. Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ vay vốn, Hội đã triển khai chương trình hỗ trợ sau vay: tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, quản lý tài chính hộ gia đình, kết nối thị trường qua các phiên chợ "Phụ nữ khởi nghiệp" và hợp tác xã nông nghiệp địa phương.
Câu chuyện của chị Vi Thị Hương, hội viên Chi hội Phụ nữ bản Phúc Tiến, là minh chứng tiêu biểu. Trước đây, chị làm nương rẫy nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh. Nhờ Hội hướng dẫn tiếp cận khoản vay 100 triệu đồng, cộng với kiến thức từ lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và phát triển kinh tế hộ, chị Hương đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng keo giấy, phát triển đàn lợn đen lên đến hơn 100 con. Chị còn đầu tư nuôi ong lấy mật - mô hình ít rủi ro mà thu nhập lại đều. Hiện thu nhập của gia đình chị đạt trên 100 triệu đồng/năm - một con số đáng mơ ước ở vùng cao.

Chị Vi Thị Hương (dân tộc Thái, trú tại bản Phúc Tiến) được Hội LHPN xã Châu Tiến phổ biến thông tin, hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đầu tư vào sản xuất.
Kiên trì và sáng tạo, dẫn lối phát triển thông tin bền vững
Dù đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng hành trình "giảm nghèo thông tin" ở Châu Tiến vẫn còn nhiều gian nan. Một bộ phận phụ nữ vẫn còn thiếu kỹ năng sử dụng công nghệ, ngại thay đổi, chưa mạnh dạn tham gia các chương trình vay vốn hay học nghề. Nhiều chị em chưa có kinh nghiệm sản xuất, chưa hình thành tư duy làm ăn bài bản nên việc sử dụng vốn chưa thực sự hiệu quả.
Nguồn lực dành cho công tác truyền thông và hỗ trợ phụ nữ vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế. Hội LHPN xã Châu Tiến cũng đối mặt với thách thức về kinh phí tổ chức lớp tập huấn, biên soạn tài liệu truyền thông phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa địa phương.

Phụ nữ dân tộc Thái trên địa bàn xã Châu Tiến.
Trước thực tế đó, Hội đã đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể với cấp trên: tăng đầu tư cho truyền thông cơ sở; đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đào tạo cán bộ Hội cơ sở có đủ năng lực hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đồng hành với phụ nữ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Trong thời gian tới, Hội đặt mục tiêu đổi mới hoạt động theo hướng sáng tạo và sát thực tế hơn: ứng dụng mạng xã hội để truyền thông nhanh gọn; mở rộng nhóm phụ nữ tiết kiệm - tín dụng; tổ chức lớp học nghề gắn với nhu cầu thị trường như thêu tay, trồng dược liệu, làm sạch nông sản; tăng cường kết nối với doanh nghiệp để xây dựng chuỗi giá trị bền vững.
"Giảm nghèo thông tin là hành trình dài, nhưng chúng tôi tin rằng với sự đồng lòng và nỗ lực không ngừng, phụ nữ dân tộc thiểu số ở Châu Tiến sẽ từng bước thoát khỏi bóng tối của thiệt thòi và lạc hậu, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn," bà Lương Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Tiến, chia sẻ.