Xuất khẩu sầu riêng giảm 80% do vướng quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm
Thị trường Trung Quốc siết chặt các quy định về kiểm dịch và an toàn thực phẩm đã khiến xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam giảm 80%.

Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đang gặp khó, kéo theo kim ngạch xuất khẩu nông sản sụt giảm
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tổng giá trị xuất khẩu rau quả nước ta ước tính đạt 677 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, sầu riêng, loại trái cây chủ lực, chiếm gần một nửa giá trị xuất khẩu toàn ngành, đã sụt giảm nghiêm trọng. Đến giữa tháng 2, xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt 3.500 tấn, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2024.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là việc các thị trường nhập khẩu siết chặt quy định kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sầu riêng Việt Nam lớn nhất, đã áp dụng chính sách kiểm tra 100% lô hàng sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam. Đồng thời, từ 10/1, nước này yêu cầu các lô hàng phải có giấy kiểm định chứng minh không chứa chất vàng O, một hợp chất có nguy cơ gây ung thư. Điều này khiến quy trình thông quan kéo dài, làm gia tăng nguy cơ hư hỏng hàng hóa, buộc nhiều doanh nghiệp phải quay đầu đưa hàng về tiêu thụ nội địa.
Bên cạnh đó, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ phải chịu tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20% do nhiều lần không tuân thủ các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Bộ NN&PTNT cho rằng, việc các nước tăng cường biện pháp kiểm tra với sầu riêng nhập khẩu là bước đi cần thiết để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi Trung Quốc áp dụng kiểm tra bắt buộc cho tất cả lô hàng sầu riêng nhập khẩu đã tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu và người trồng sầu riêng Việt Nam.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ NN&PTNT đang đàm phán với Trung Quốc đưa xuất khẩu sầu riêng quay trở lại theo quy định trong nghị định thư đã được hai nước ký kết.
Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm tra theo quy định của Trung Quốc. Nhằm đảm bảo không xảy ra tình trạng ùn tắc do thiếu phòng kiểm nghiệm, Bộ NN&PTNT đẩy mạnh tăng cường năng lực xét nghiệm của 9 phòng kiểm nghiệm tại Việt Nam được Trung Quốc công nhận, tiếp tục gửi thêm 6 bộ hồ sơ về phòng kiểm nghiệm đợi công nhận.
Việc khối lượng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lao dốc khiến nguồn cung trong nước tăng vọt, kéo giá mặt hàng trái cây này xuống mức thấp kỷ lục.
Tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, giá thu mua sầu riêng Ri6 đẹp hiện chỉ dao động 70.000-90.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với cuối năm 2024. Còn sầu riêng Ri6 xô có giá neo ở mức 55.000-70.000 đồng/kg, giảm 10.000-15.000 đồng/kg.
Sầu riêng Thái loại đẹp cũng giảm 20.000 đồng/kg so với tháng 12/2024, hiện phổ biến ở mức 100.000-120.000 đồng/kg. Thậm chí, mặt hàng sầu riêng Thái xô chỉ còn 60.000-100.000 đồng/kg, giảm 25.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá sầu riêng Ri6 loại I tại khu vực Tây Nguyên thu mua cũng chỉ 65.000-85.000 đồng/kg, rẻ hơn đến 15.000 đồng/kg. Giá sầu riêng Thái MonThong cũng giảm 20.000 đồng/kg, còn 70.000-115.000 đồng/kg.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam khuyến cáo các vườn trồng sầu riêng cần thay đổi cách canh tác, tránh lạm dụng phân bón nhập ngoại không rõ nguồn gốc và các cơ sở đóng gói cần thay đổi công nghệ bảo quản sau thu hoạch để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và đảm bảo các quy định xuất khẩu. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng mong muốn các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để gỡ rối cho ngành sầu riêng hiện tại.
Theo các chuyên gia y tế, vàng O hay còn gọi Auramine O, tên hóa học của nó là Diarylmethane. Trong chất này có một dạng huỳnh quang và hạt mạ vàng dễ tan trong nước và cồn.
Chất này chỉ được sử dụng trong công nghiệp, dùng để nhuộm vải, giấy, hay để quét tường, chứ không được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc làm chất phụ gia trong nguyên liệu thô.
Vàng O là chất độc hại đối với cơ thể sinh vật nói chung và đã bị Tổ chức Ung thư thế giới (IARC) xếp vào chất gây ung thư nhóm 3, tức là có khả năng gây ung thư cao.